Vận tải

Tuyến vận tải ven biển liên tiếp lập kỷ lục

02/01/2019, 06:46

Năm 2019, tuyến vận tải này tiếp tục được kỳ vọng tạo sự đột phá để khơi dậy tiềm năng vận tải thủy-ven biển.

20

Tàu pha sông biển neo đậu tại vùng nước cảng biển Quảng Ninh

Chỉ sau hơn 4 năm mở tuyến (tháng 7/2014), vận tải ven biển dành cho tàu pha sông biển VR-SB liên tiếp lập kỷ lục tăng trưởng sản lượng vận chuyển, không chỉ giảm tải cho đường bộ còn kéo giảm chi phí vận tải. Năm 2019, tuyến vận tải này tiếp tục được kỳ vọng tạo sự đột phá để khơi dậy tiềm năng vận tải thủy - ven biển.

Tăng trưởng kỷ lục, kéo giảm chi phí vận tải

Ông Vũ Đức Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và vận tải Vũ Gia Tam cho biết, kinh doanh tàu SB mang lại hiệu quả hơn so với tàu biển, bởi chi phí đóng mới phương tiện giảm 10 -15% so với tàu biển. Các doanh nghiệp vận tải có thể hoán cải những tàu biển “lỡ cỡ” về trọng tải, kém hiệu quả sang tàu SB, vừa nâng được tải trọng vừa giảm 30-40% tổng chi phí vận hành. Chi phí sửa chữa lên đà, đăng kiểm đối với tàu SB cũng ít hơn tàu biển, quá trình kiểm định nhanh hơn, rút ngắn thời gian chờ đợi.

“Tàu SB có chiều cao mớn nước thấp hơn so với tàu biển, cùng là tàu 5.000 tấn nhưng tàu SB vẫn có thể di chuyển vào các cảng nông, tranh thủ thời gian xếp dỡ hàng hóa, còn tàu biển phải chờ con nước, thủy triều mới vào được cảng nên sẽ thêm chi phí. Lợi thế trên giúp cho đội tàu SB có nguồn hàng phong phú hơn”, ông Ngọ phân tích.

"Vấn đề thuyền viên của tàu VR-SB còn một số bất hợp lý. Đơn cử, thuyền trưởng tàu biển được phép điều hành tàu trọng tải 5.300 tấn nhưng khi sang điều khiển tàu VR-SB, quá trình đổi bằng cấp rất mất thủ tục, thời gian, trong khi yêu cầu hoạt động ở hai loại tàu gần như tương tự”.

Ông Vũ Đức Ngọ
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và vận tải Vũ Gia Tam

Với lợi thế cước vận tải tàu SB chỉ bằng khoảng 1/4 so với đường bộ nên lượng hàng hóa nhanh chóng chuyển hướng từ đường bộ sang tàu SB, trực tiếp kéo giảm chi phí vận tải tuyến Bắc - Trung - Nam. “Trước khi tuyến vận tải ven biển dành cho tàu SB ra đời, giá cước vận tải biển khoảng 13.000 - 15.000 đồng/tấn phương tiện, nhưng hiện tại giá cước giảm xuống chỉ còn hơn 8.000 đồng”, ông Vũ Đức Then, Phó chủ tịch Hội Vận tải biển Diêm Điền cho biết.

Theo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) và Cục Đường thủy nội địa VN, sau hơn 4 năm mở tuyến, số lượng tàu SB và sản lượng vận tải trên tuyến ven biển năm sau cao hơn năm trước. Thời gian đầu mở tuyến chỉ có vài chục tàu tham gia, sau năm đầu tiên đã có gần 600 phương tiện; hết năm thứ hai tăng lên hơn 1.300 chiếc; năm thứ ba tăng lên 1.500 chiếc và đến nay đã lên đến hơn 1.800 chiếc. Ban đầu chủ yếu là tàu chở hàng khô, hàng rời, đến nay đã có gần 40 tàu chuyên chở container. Đội tàu gia nhập tuyến không chỉ tàu biển, tàu sông được chuyển cấp, nâng cấp thành tàu SB mà có những tàu đóng mới trọng tải tương đương tàu biển với trang thiết bị hiện đại.

Hiệu quả đo đếm được chính là tăng trưởng ấn tượng và liên tiếp lập kỷ lục về sản lượng vận tải qua các năm. Cụ thể, nếu như sau năm đầu mở tuyến toàn tuyến mới đạt khoảng 6 triệu tấn; hết năm thứ hai tăng lên hơn 17 triệu tấn, năm thứ ba lên 23 triệu tấn. Năm 2018, ước tính sản lượng đạt khoảng hơn 30 triệu tấn. Mức tăng bình quân mỗi năm đạt hơn 50% so với năm trước và bằng 5 lần so với giai đoạn đầu mở tuyến.

Vẫn cần gỡ cơ chế

Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN, tuyến vận tải ven biển bằng tàu SB dù tăng trưởng mạnh nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác vận tải. “Tuyến vận tải ven biển là trục kết nối vận tải bằng phương tiện thủy quan trọng bậc nhất, mục tiêu của chúng tôi trong năm 2019 là đưa tuyến vận tải ven biển bằng tàu VR-SB thành tuyến ưu tiên về đầu tư, quản lý và khai thác vận tải”, ông Giang nói.

Tuy nhiên, theo ông Giang, tới đây vẫn cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, đồng thời siết chặt quản lý để vận tải ven biển phát triển bền vững, an toàn hơn. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất quy định phù hợp hơn về định biên thuyền viên, thủ tục phương tiện ra, vào cảng bến giữa cảng biển và cảng thủy nội địa để tạo thuận lợi nhất cho vận tải tàu SB và tăng cường quản lý hành trình phương tiện, thuyền viên và hàng hóa trên tuyến, nhất là đối với tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên”, ông Giang nói.

Theo ông Giang, một trong những giải pháp được Cục ĐTNĐ Việt Nam tính đến là cải thiện kết cấu hạ tầng, khơi thông các cửa sông, điểm nghẽn hạ tầng luồng tuyến và nâng cấp cảng, bến thủy để tàu SB có thể vào sâu hơn trong các tuyến sông. Đơn vị này cũng kiến nghị bổ sung sà lan boong nổi để chở container trên các chặng ngắn của tuyến vận tải ven biển. Trong quý I/2019, Cục ĐTNĐ Việt Nam tổ chức hội nghị chuyên đề về vận tải tuyến ven biển để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, các ngành chức năng, địa phương.

Theo ông Bùi Văn Trung, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN, đội tàu SB đã giảm tải nhiều cho đường bộ, nhất là chuyển những mặt hàng thô, siêu trường siêu trọng với chi phí hợp lý. Dù vậy, bất hợp lý là nhiều tàu SB có trọng tải lớn hơn tàu biển nhưng trang bị an toàn kỹ thuật thấp hơn, định biên thuyền viên ít hơn tàu biển, gây lo ngại về nguy cơ mất an toàn. Mặt khác, có những trường tàu SB chạy ra ngoài hành trình, lộ trình tuyến và tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng với vận tải biển tuyến Bắc - Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.