Cảng tàu khách chuyên dụng sẽ góp phần thu hút khách hạng sang đến Việt Nam, thúc đẩy ngành du lịch phát triển (Trong ảnh: Tàu khách cập cảng Đà Nẵng)
Thiếu cảng chuyên dụng, khách hạng sang vẫn “khiêm tốn”
Đại diện Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cho biết, trước năm 2019, khi chưa có cảng chuyên dụng đón tàu khách, các tàu du lịch quốc tế đến Quảng Ninh thường neo đậu tại khu neo Hòn Gai, vừa thuận tiện tham quan, ngắm cảnh vịnh Hạ Long, vừa tránh bụi bặm khi phải cập cảng kết hợp tàu khách và tàu hàng.
Bất cập lớn nhất khi tàu phải dừng ở khu neo là hành khách muốn vào trải nghiệm các dịch vụ trong bờ phải đi tàu tender, vừa bất tiện mưa, nắng, vừa mất rất nhiều thời gian. Có những chuyến tàu đông khách phải mất đến gần 2 tiếng vị khách cuối cùng mới lên được bờ, trong khi thời gian ghé vào Hạ Long của nhiều tàu chỉ vài tiếng.
“Từ khi cảng tàu khách Hạ Long đưa vào khai thác, tàu khách quốc tế có thể cập tận bờ. Du khách không chỉ tiết kiệm thời gian di chuyển mà còn được tiếp cận một cảng biển chuyên dụng phục vụ du lịch đúng nghĩa với các dịch vụ sau cảng: Khu vui chơi, cửa hàng miễn thuế”, đại diện này nói.
Trong khi đó, ông Vưu Chấn Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết, những năm gần đây, lượng khách quốc tế đến ĐBSCL tăng đáng kể.
Nếu năm 2018, khoảng 3,5 triệu lượt thì năm 2019 đã thu hút khoảng 6 triệu lượt. Lượng khách được dự báo sẽ tiếp tục đạt 7 - 8 triệu lượt/năm với tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 10% nếu dịch Covid-19 sớm được khống chế. ĐBSCL cũng đang thu hút du khách quốc tế với đa dạng sản phẩm: Du lịch biển, du lịch sông nước, du lịch nghỉ dưỡng.
“Tiềm năng là vậy, song hiện tại, khu vực ĐBSCL vẫn chưa có cảng biển đón được tàu khách du lịch quốc tế, ngoài dự án cảng chuyên dụng đón tàu khách đang được xây dựng tại Kiên Giang. Việc đẩy nhanh tiến độ dự án này và nghiên cứu xây dựng thêm các bến cảng có thể đón được những du thuyền hạng sang là rất cấp thiết”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch VN), Việt Nam đang có nhiều lợi thế thu hút khách quốc tế với vị trí nằm trên tuyến đường biển tấp nập giữa Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Các trung tâm du lịch: Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Sài Gòn đều nằm gần cảng biển, giúp du khách đi tàu biển có thể trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch khác nhau tại nhiều địa phương thay vì chỉ có thể cập một cảng, tham quan một nơi như ở Singapore.
Đáng nói, khách du lịch bằng đường biển hầu hết là khách hạng sang, mức độ “chịu chi” cao và có thời gian lưu trú dài ngày. Thế nhưng, cơ sở hạ tầng phục vụ tàu khách du lịch ở Việt Nam lại rất hạn chế.
Số lượng cảng khách chuyên dụng chưa nhiều, chỉ có cảng tàu khách Hạ Long, bến du thuyền ở Nha Trang. Một số cảng tàu hàng kết hợp tiếp nhận tàu khách như: Chân Mây (Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Phú Mỹ (TP HCM) không có nhà ga phục vụ riêng khách du lịch, không gian thường khá nhếch nhác, lộn xộn, chưa tạo được hình ảnh đẹp, thu hút du khách.
“Nếu chúng ta không sớm đầu tư tốt cơ sở hạ tầng tiếp nhận tàu khách, sẽ đánh mất vị thế trung tâm thu hút khách du lịch, giảm khả năng cạnh tranh với Hong Kong, Singapore, Đài Loan, Philippines…”, ông Phương nói.
Đầu tư cảng khách gắn với trung tâm du lịch Quốc gia
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, sau hai thập kỷ phát triển cảng biển theo quy hoạch được duyệt, bên cạnh đột phá về chiều dài cầu cảng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển, năng lực tiếp nhận tàu, “bước tiến dài” của Việt Nam là đã có 3 cảng khách chuyên dụng: Bến cảng khách Hòn Gai (Quảng Ninh); Bến cảng Nha Trang, Bến cảng quốc tế Cam Ranh (Nha Trang) có thể tiếp nhận những tàu du lịch hiện đại nhất thế giới.
Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư eo hẹp, trước mắt, các doanh nghiệp cảng đang kết hợp đón tàu khách và tàu hàng có thể nghiên cứu mở rộng quy mô cảng và xây dựng nhà ga hành khách riêng để “hiện đại hóa” hạ tầng tiếp nhận tàu khách, tranh thủ thời cơ tận dụng nguồn khách hạng sang đến Việt Nam.
Đối với các cảng khách chuyên dụng đòi hỏi nhu cầu vốn đầu tư cao, cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng quy hoạch tổng quan tại những trung tâm du lịch biển lớn: Hạ Long, Đà Nẵng, Huế, Phú Quốc, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM. Trên cơ sở đó, địa phương và cơ quan liên quan cần ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây dựng cảng khách cùng cơ chế ưu đãi đầu tư như: Giảm thuế đất, lãi suất, ân hạn vốn vay… để thu hút được nguồn vốn xã hội hóa.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch VN)
Cùng đó, một bến cảng khách quốc tế tại Phú Quốc cũng đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành vào quý 3/2021.
“Sự ra đời của các cảng khách chuyên dụng tạo đà để du lịch phát triển theo hướng xanh, hiện đại khi các quy trình, thủ tục lên bờ được thực hiện nhanh chóng, khung cảnh bến cảng tạo cảm giác thoải mái cho du khách. Việc lên và xuống tàu được tổ chức hiệu quả, vận chuyển hàng hóa và hành lý dễ dàng, có các lối đi bảo đảm an toàn cho hành khách và nhân viên tàu, đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường của thế giới”, ông Sang nói.
Cũng theo ông Sang, cảng khách chuyên dụng cũng giúp cơ quan quản lý, doanh nghiệp cảng chủ động kế hoạch điều động tàu vào, rời bến cảng mà không bị ảnh hưởng của kế hoạch làm hàng như các bến cảng kết hợp tàu khách và tàu hàng.
Liên quan đến quy hoạch mở rộng mạng lưới cảng tàu khách chuyên dụng, đại diện Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy (TediPort) - một trong những đơn vị tham gia tư vấn, xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam trong giai đoạn mới cho biết, theo nội dung quy hoạch trình Bộ GTVT thẩm định, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, các bến cảng khách quốc tế với khả năng đón tàu du lịch “khủng” đến 225.000 GT sẽ được ưu tiên phát triển gắn với các trung tâm du dịch quốc gia.
Cụ thể, các cảng khách chuyên dụng được định hướng hình thành ở các khu bến: Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn (Hải Phòng); Cái Lân (Quảng Ninh); Bắc Cửa Lò (Nghệ An); Chân Mây (Thừa Thiên - Huế); Tiên Sa (Đà Nẵng); Đầm Môn (Bắc vịnh Vân Phong); Nha Trang, Khu bến Cam Ranh (Nha Trang, Khánh Hòa); Sơn Mỹ (Bình Thuận); Khu bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ (TP HCM); Khu vực Bãi Trước (Bà Rịa - Vũng Tàu); Khu bến Phú Quốc (Kiên Giang).
“Nguồn vốn đầu tư phát triển cảng tàu khách chuyên dụng chủ yếu được đầu tư theo hình thức xã hội hóa”, đại diện TediPort thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận