Điện ảnh

Vì đâu nhiều phim Việt “chết yểu” trước khi ra rạp?

12/12/2018, 07:37

Các bộ phim không thể ra mắt vì muôn vàn lý do như thiếu vốn giữa chừng, đạo diễn mâu thuẫn...

23

Lý Nhã Kỳ và diễn viên Han Jae Suk (Hàn Quốc) đã không thể đi trọn hành trình với dự án phim “Thiên đường” 

Vì đâu đứt gánh giữa đường?

Những ngày qua, làng phim Việt xôn xao trước thông tin dự án phim hợp tác Việt - Hàn có tên Thiên đường đã phải dừng quay vô thời hạn vì hết vốn. Bộ phim có sự tham gia của hai diễn viên chính là Han Jae Suk (Hàn Quốc). Lý Nhã Kỳ ngoài việc đảm nhận vai chính còn là nhà đầu tư. Dự án án này được khởi quay vào ngày 10/10 và đã hoàn tất 70%. Tuy nhiên, mới đây, nhà sản xuất (NSX) Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân đưa ra thông báo giải tán đoàn phim.

Ngày 5/12, Công ty Phát Phú của diễn viên Lý Nhã Kỳ đã có đơn gửi cơ quan chức năng về việc Công ty Ivonk, mà người đại diện là NSX Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Phía Lý Nhã Kỳ tố Ivonk trong quá trình thực hiện phim thể hiện khả năng yếu kém cả về năng lực tài chính và khả năng quản lý vận hành dự án. NSX nợ tiền khách sạn trong thời gian ê-kíp làm phim lưu trú, thay đổi lịch quay phim đột xuất và liên tục, không quản lý được nhân sự và diễn viên dẫn đến tình trạng nhiều thành viên bỏ đoàn.

Ngoài ra, NSX còn chậm trễ hoặc chưa thanh toán tiền thù lao, chậm trễ thực hiện việc giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Lý Nhã Kỳ tâm sự, cô cảm thấy mình như bị lừa và chính bản thân cũng là nạn nhân. Trước những tố cáo này, đại diện của Ivonk là Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân vẫn giữ im lặng.

"Những người có tâm huyết làm phim thường rất nghèo, còn những đại gia thì ít khi họ đầu tư vào phim ảnh. Thế nên, nhiều người lợi dụng điện ảnh để lừa đảo là có. Cũng phải may mắn mới làm được với một nhà sản xuất có tâm”.

Nhà sản xuất - đạo diễn
Phạm Văn Hải

Tuy nhiên, đây không phải trường hợp đầu tiên một dự án phim Việt bị đổ bể. Cách đây 2 tháng, Báo Giao thông từng đưa tin ê-kíp phim Bình tĩnh mà yêu cũng bức xúc tố NSX Nam Uy không thanh toán tiền lương cho các thành viên trong đoàn phim từ thư ký, diễn viên, đạo diễn… Thậm chí, khi các thành viên trong đoàn liên lạc yêu cầu thanh toán, phía NSX giữ động thái im lặng hoặc phân bua đang hết kinh phí, rồi chặn facebook, điện thoại của các thành viên trong ê-kíp phim. Vì điều này, dù bộ phim đã hoàn thành xong phần hậu kỳ nhưng đến giờ vẫn chưa thể ra rạp và chưa rõ số phận của phim sẽ ra sao.

Nhiều dự án phim khác cũng từng được ra mắt, chạy dự án sản xuất nhưng rồi rơi vào tình trạng biệt tích như Mùa hè năm ấy (đạo diễn Nguyễn Phúc Huy Cương), CKC - Thợ săn biệt kích (đạo diễn Chánh Tín), Sứ mạng sinh tử (đạo diễn Trần Bình)… Các bộ phim không thể ra mắt vì muôn vàn lý do như: Thiếu vốn giữa chừng, đạo diễn mâu thuẫn với NSX, chất lượng phim không đảm bảo. Điều này xảy ra không chỉ với phim điện ảnh mà còn cả phim truyền hình, năm 2010, một dự án phim truyền hình mang tên Bình nguyên là của cỏ (dài 40 tập) đã quay được 50% nhưng vì thiếu vốn nên không thể sản xuất tiếp.

Theo NSX Phạm Văn Hải, để sản xuất một bộ phim không đơn giản vì nhà sản xuất ngoài trình độ chuyên môn còn cần trình độ tổng hợp rất cao. Một bộ phim trong điện ảnh bị thiếu vốn hay trục trặc trong khâu tổ chức, tai nạn với diễn viên, đổi đạo diễn… đều có thể làm dự án phim phá sản. Điện ảnh có sự bắt buộc về thời gian nên mọi yếu tố tác động làm trì hoãn thời gian đều kéo theo chi phí và đội vốn. Do đó, rủi ro của các đoàn phim rất cao nếu không chuyên nghiệp và không biết cách xử lý vấn đề.

Tránh NSX ma kiểu gì?

Có thể nói, NSX “ma” là cụm từ không còn xa lạ với giới làm phim, điện ảnh ngày càng phát triển những đơn vị sản xuất “ma” cũng xuất hiện. Đây là những NSX dùng các dự án phim để tìm cách kêu gọi đầu tư, nhưng số tiền từ các nhà đầu tư lại không được dùng để sản xuất phim. Mùa hè năm ấy là dự án phim điện ảnh đầu tay mà Nguyễn Phúc Huy Cương đảm nhận vai trò đạo diễn. Dự án dù được công khai họp báo rầm rộ với sự tham gia của dàn diễn viên như: Gin Tuấn Kiệt, Dustin Nguyễn, Quang Minh… nhưng sau đó đã không thể bấm máy.

Đạo diễn Huy Cương kể lại, anh được NSX Media Plus/ MC Film mời về làm phim nhưng đưa cho anh một kịch bản gốc rất tệ mang tên Bài thánh ca buồn. Khi anh cho biết không thể bấm máy kịch bản này, phía NSX gợi ý có thể tự chỉnh sửa. Đạo diễn Huy Cương bỏ tiền thuê biên kịch chỉnh và thay đổi 100% thành một kịch bản mới, gửi lại cho NSX thì đơn vị này cầm kịch bản đi đăng ký tác quyền. NSX Media Plus/MC Film này có ký hợp đồng với các thành viên trong đoàn phim nhưng không trả trước một khoản tiền lương. Bản thân ê-kíp lên kế hoạch khởi quay, đi tìm bối cảnh nhưng bộ phim vẫn không được bấm máy.

Theo Huy Cương, anh được biết NSX đã tổ chức họp báo như một cách để kêu gọi các nhà đầu tư theo phương thức chỉ góp vốn khoảng 5-10% chứ không phải 50%, bởi ở mức đó thì nhà đầu tư sẽ có quyền như NSX. Đã có khoảng 6-7 nhà đầu tư góp vốn nhưng Media Plus/ MC Film không sử dụng vào làm phim mà vẫn tuyên bố thiếu vốn. “Chúng tôi xin lại kịch bản nhưng họ không trả lại. Tôi cảm giác mình bị lừa!”, Huy Cương nói.

Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, làm phim là nghề rất khó quản lý và dễ phát sinh lớn nên đôi khi họ định làm nghiêm túc nhưng khi thua lỗ vượt giới hạn không chi trả được thì… chạy. Bởi thế, khi làm việc với bất cứ nhà sản xuất nào, những nhà làm phim cần suy nghĩ kỹ, hợp đồng rõ ràng, tìm hiểu đối tác kỹ lưỡng. “Chúng ta cần một liên đoàn, hiệp hội để bảo vệ người lao động của nghề. Chúng ta cũng có Hội Điện ảnh nhưng chưa hoạt động và ảnh hưởng đến nghề như các nước phát triển. Hoặc chí ít, nên có những group để thông báo cho đồng nghiệp biết những sự việc, con người mà chúng ta đã cộng tác”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.