Chưa thể phá dỡ cầu cũ
Anh Trần Quốc Toản, cán bộ kỹ thuật, Công ty Tập đoàn Đạt Phương số 2 (nhà thầu thi công) cho biết, cầu Sa Đéc cũ (thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp) có độ thông thuyền ngang 20m và cao 4,6m. Trong khi đó, theo thiết kế, sau khi nâng tĩnh không, cầu mới có độ thông thuyền ngang 38m và cao 7m.
Để thi công được cầu Sa Đéc mới, nhà thầu đã cho làm cầu tạm và cơ bản hoàn thành ngày 20/8. Hiện tại, nhà thầu đã thực hiện xong việc cắm biển phân luồng theo chỉ dẫn của cơ quan chuyên môn.
"Theo kế hoạch dự kiến, sau khi cầu tạm xong và cho thông xe thì trong thời gian này, nhà thầu sẽ tiến hành tháo dỡ cầu Sa Đéc cũ và bắt đầu thi công cầu mới", anh Toản nói.
Anh Toản cho biết thêm, đến thời điểm này, cầu tạm vẫn chưa được thông xe và nhà thầu phải bổ sung thêm một số hạng mục theo yêu cầu của các đơn vị liên quan.
"Trong thiết kế ban đầu, cầu tạm không có hạng mục lan can đường dẫn vào hai bên cầu bằng lưới B40, lắp điện chiếu sáng và chống trượt mặt cầu. Sau khi hoàn thành cầu tạm, chúng tôi phải thực hiện thêm các hạng mục này", anh Toản chia sẻ.
Cũng theo anh Toản, các hạng mục liên quan đến làm lan can đường dẫn vào hai bên cầu và chống trượt mặt cầu đã được nhà thầu thực hiện hoàn thiện. Riêng về lắp đèn chiếu sáng, nhà thầu sẽ hoàn thành trong ngày hôm nay.
"Sau khi nhà thầu hoàn thành các hạng mục còn lại trên cầu tạm thì một hai ngày sau, nhà thầu sẽ tiến hành tháo dỡ cầu Sa Đéc cũ", anh Toản thông tin.
Ảnh hưởng tiến độ thi công
Cũng theo anh Toản, ngoài những nguyên nhân trên, việc chậm di dời đường ống dẫn nước sinh hoạt đi qua cầu cũ cũng đang làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện việc nâng tĩnh không cầu Sa Đéc.
"Nhà thầu đã yêu cầu di dời đường dẫn nước sinh hoạt từ rất sớm, nhưng đến ngày 29/8, các đơn vị liên quan mới thực hiện xong việc di dời. Điều này dẫn đến kế hoạch thi công của nhà thầu có phần bị xáo trộn", anh Toản nói.
Anh Toản nói thêm, việc nâng tĩnh không cầu Sa Đéc được nhà thầu khởi công tháng 4/2024. Đến nay, sau bốn tháng thi công, nhà thầu chỉ mới thực hiện được cầu tạm và tiến độ chỉ mới đạt 35%, chậm so với kế hoạch đề ra.
"Nguyên nhân dẫn đến việc thi công chậm là do mọi tính toán ban đầu của nhà thầu đều không theo kế hoạch. Ví dụ như, dự kiến ban đầu của nhà thầu là sẽ thi công xuyên lễ Quốc khánh 2/9, nhưng cầu cũ chưa thể tháo dỡ nên không thể làm được", anh Toản chia sẻ.
Anh Toản tiếp tục thông tin, nhà thầu dự tính ngày 20/8 sẽ cho tháo dỡ cầu Sa Đéc cũ, nhưng đến thời điểm này, đã trễ 15 ngày và cầu tạm vẫn chưa thể thông xe nên việc thi công trên công trường của nhà thầu gặp nhiều khó khăn.
"Cầu Sa Đéc cũ phải mất từ 60 - 70 ngày để tháo dỡ. Nhưng hiện tại, nhà thầu vẫn chưa thực hiện được. Chậm tháo dỡ cầu cũ sẽ ảnh hưởng đến các phần việc tiếp theo và có thể sẽ ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án", anh Toán cho biết.
Cầu Hồng Ngự có tổng diện tích đất phải thu hồi là 1,665ha, với tổng số hộ phải bồi thường là 95 hộ.
Cầu Giồng Găng tổng diện tích đất phải thu hồi là 1,665ha, với tổng số hộ phải bồi thường là 3 hộ nằm bên phía ĐT842 thuộc xã An Phước, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận