Hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh vừa ký tên và đóng dấu vào văn bản khẩn, kiến nghị về việc điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng (VAT) trong Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng.
Theo dự thảo này, thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, trong đó có điện ảnh tăng từ 5% lên 10%.
Trong văn bản được gửi đi ngày 12/11 đến Chính phủ và Quốc hội, có những cái tên đáng chú ý như: Thu Trang, Đức Thịnh, Hoàng Quân, BHD, CJ CGV, Lotte Cinema, Thiên Ngân, Mega GS, HK Film, ABC Pictures, Chánh Phương phim, Beta Media, CJ HK…
Giới làm phim Việt cho biết, họ "không xin Nhà nước đầu tư tài chính, không xin cơ sở vật chất, đất đai, nhân lực, mà chỉ xin cơ chế và chính sách đãi ngộ hợp lý để vừa đảm bảo đóng góp cho ngân sách, cho xã hội mà vẫn phát triển doanh nghiệp ổn định". Trong đó có vấn đề thuế VAT.
Đơn đề xuất xem xét lại việc tăng thuế VAT từ 5% lên 10% của các doanh nghiệp điện ảnh
Các doanh nghiệp đưa ra ba lập luận về đề nghị mức thuế là 3% thay vì tăng lên 10%.
Một là, điện ảnh là một phần quan trọng của hoạt động văn hóa dân tộc, Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm đến lĩnh vực. Các doanh nghiệp điện ảnh đã và đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu phấn đấu chung của ngành mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong quyết định 2156/QĐ-TTg.
Mặt khác Luật Điện ảnh năm 2022 cũng quy định: "Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh…".
Hai là, sau Covid-19, tốc độ hồi phục của ngành điện ảnh năm 2023 mới chỉ tiệm cận về gần với năm 2019 (thời điểm trước dịch) và đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ba là, bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng sau đại dịch giảm, tạo nên những khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp điện ảnh.
"Việc đề xuất tăng thuế suất không chỉ là gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp mà còn làm mất đi cơ hội vượt qua khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp điện ảnh", văn bản nêu.
Văn bản cho rằng đề xuất tăng thuế suất từ 5% lên 10% là không có bất kỳ lý giải hay lập luận khoa học và thực tiễn nào. Thậm chí các doanh nghiệp còn đề nghị giảm 2% so với mức hiện nay.
Nhà sản xuất Vũ Quỳnh Hà, Giám đốc Sản xuất - CJ HK Entertainment chia sẻ thêm: "Hoạt động sản xuất phim vẫn còn nhiều khó khăn, hy vọng Nhà nước sẽ tạo cơ hội để ngành điện ảnh phát triển hơn nữa, để có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước".
Ông Trinh Hoan, nhà sáng lập hãng phim HKFilm bày tỏ: "Việc tăng thuế là một cú đánh mạnh vào ngành sản xuất phim vốn còn non yếu và nhiều rủi ro, làm giảm sức cạnh tranh của phim Việt trên thị trường phim nội địa và quốc tế".
Trước đó, trong phiên thảo luận của Quốc hội về một số nội dung của Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), ngày 29/10, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cho rằng, chúng ta không thể chỉ nhìn 1, 2 bộ phim của Trấn Thành, Lý Hải có doanh thu vài trăm tỷ đồng mà tưởng rằng toàn bộ nền điện ảnh Việt Nam tươi sáng vì đang có hàng chục bộ phim đang lỗ ròng.
Ông Sơn nhấn mạnh thêm rằng, chúng ta cũng không thể chỉ nhìn thấy 1, 2 chương trình âm nhạc, vài ba nghệ sĩ sống xa hoa mà tưởng rằng cả nền nghệ thuật Việt Nam giàu có vì hàng trăm chương trình, hàng ngàn nghệ sĩ đang sống trong cảnh khó khăn.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, cần tạo điều kiện tốt hơn liên quan đến phát triển văn hóa, trong đó có VAT, để thuế không trở thành rào cản cho khát vọng phát triển đất nước từ cảm hứng do các tác phẩm văn học nghệ thuật đem lại.
Tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường ngày 29/10, sau đó được tiếp thu, chỉnh lý và tiếp tục cho ý kiến.
Dự kiến ngày 26/11 tới đây, Quốc hội sẽ bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật.
Trong các nội dung đề xuất sửa đổi lần này, một số quy định liên quan đến thuế về lĩnh vực văn hóa đang nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cũng như các văn nghệ sĩ, doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Theo quy định hiện nay, các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang được hưởng thuế suất VAT 5%.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8, các hàng hóa, dịch vụ nói trên bị đưa ra khỏi danh mục được hưởng thuế suất 5%, tức là sẽ phải chịu mức thuế 10%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận