Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, việc chọn ra một tác phẩm khiến những người trong giới ở trong nước đều phải “ngả mũ” đã khó, nên dự giải Nobel là chưa đủ sức. Tuy nhiên, điều đó không khiến chúng ta bi quan.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
“Chưa đủ sức”
Đầu năm nay, ông nhận được thư đề nghị đề cử tác giả Việt Nam để xét giải Nobel văn chương năm 2022 từ Ủy ban Nobel (thuộc Viện Thụy Điển). Tiếc là khi nhận được thư thì thời hạn đề cử đã qua. Nếu còn thời hạn, liệu có tác phẩm nào xứng đáng đề cử?
Đó thực sự là một tín hiệu vui đối với nền văn học Việt Nam. Tuy nhiên, kể cả khi có thư đề nghị, chúng ta vẫn chưa tìm được tác phẩm xứng đáng để tự tin giới thiệu.
Cần tỉnh táo để nhìn nhận, để có một tác giả đạt giải Nobel là không đơn giản. Đó phải là một quá trình sáng tạo đồ sộ, thông điệp và ý nghĩa của tác phẩm tác động đến đời sống con người và được dịch, xuất bản, phát hành một cách có hệ thống…
Nhìn sang các nước trong khu vực như Hàn Quốc, năm nào họ cũng có tác giả trong Top 5 dự đoán được giải. Nhưng chúng ta, ngay cả việc kiếm tìm tác phẩm được tất cả những người trong giới “ngả mũ” thôi cũng khó. Thực sự, chúng ta chưa đủ sức để tham gia giải thưởng lớn nhất thế giới về văn chương này.
Nói như vậy, liệu có quá bi quan không, thưa ông?
Chúng ta có thể lo lắng nhưng không nên sợ hãi. Bởi, chúng ta vẫn đang nỗ lực. Bằng chứng là các tác phẩm của Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư… khi được dịch ra tiếng nước ngoài đều đã được trao các giải thưởng uy tín; hay Lê Minh Khuê, Mai Văn Phấn, Trần Quang Đạo, Phan Quế Mai… có sách bán chạy hàng đầu trên Amazone nhiều tuần.
Suốt thời gian dài, chúng ta đã ẩn náu trong ngôi nhà của mình nên không ai nhận diện được. Để nhận diện một nền văn học, tạo những dấu ấn sắc nét trên bản đồ văn học thế giới thì chúng ta phải dịch thuật. Đương nhiên, đầu tiên và trước hết phải là sự lao động, sáng tạo của nhà văn, rồi anh sẽ gặp thế giới bên ngoài.
Đặt niềm tin vào những cây viết trẻ
Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần X
Ở trên ông có nhắc tới Hàn Quốc, cách đây chưa lâu, văn học của họ còn ít người được biết tới. Theo ông, điều gì khiến năm nào họ cũng có tác giả trong Top 5 dự đoán được giải?
Có nhiều yếu tố để giúp nền văn học của một quốc gia nào đó tiến xa. Trong đó, ý thức của cộng đồng, của toàn xã hội luôn hướng tới một đời sống văn hóa tinh thần cao cả; sự thấu hiểu tầm quan trọng của văn hóa, văn học từ phía Nhà nước; sự quan tâm, hỗ trợ của cả xã hội… rất quan trọng. Ở Hàn Quốc, họ có được tất cả những yếu tố này.
Họ sẵn sàng bỏ mọi chi phí, cách thức để quảng bá văn học ra thế giới, trong đó có dịch thuật. Bởi, họ nhận biết được tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển chung. Khi văn hóa phát triển, những lĩnh vực khác như xã hội, giáo dục… phát triển bền vững.
Ở Việt Nam có tác phẩm ngang ngửa với Hàn Quốc không? Có! Nhưng việc quảng bá, đầu tư, khích lệ của chúng ta rất mơ hồ, ít ỏi nên chúng ta không làm được như họ.
Rất mừng là từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào cuối năm ngoái, văn hóa nói chung và văn học nói riêng đã được nhìn nhận và coi trọng hơn trước rất nhiều. Hy vọng, từ đây câu chuyện sẽ thay đổi theo hướng tích cực.
Ông nhìn nhận thế nào về những cây viết trẻ hiện nay, khi chính họ sẽ là chủ nhân của nền văn học trong những năm tới?
Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ X vừa được tổ chức vào tháng 6 với quy mô và sự lan tỏa lớn. Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng tới dự.
Trong khuôn khổ hội nghị, có hai cuốn sách được xuất bản, gồm 1 tập thơ và 1 tập truyện ngắn của các đại biểu tham dự. Những tác giả lớn đến dự, khi đọc cuốn sách, họ khẳng định với tôi rằng: “Chúng tôi đã nhìn thấy một thời đại mới của thi ca” và họ không nghĩ tác giả bây giờ viết hay như thế!
Không lâu đâu, chỉ khoảng 10 năm, 20 năm nữa thôi những nhà văn trẻ dự hội nghị này là chủ nhân chính của nền văn học. Và, chúng tôi có niềm tin về họ. Tuy nhiên, có một thực tế là sự quảng bá về họ chưa nhiều.
Tất nhiên, chúng ta không thể trông chờ hơn 100 đại biểu tham dự sẽ trở thành hơn 100 nhà văn hàng đầu. Mỗi thế hệ, mỗi thời đại chỉ cần một số nhà văn, một số tác phẩm lớn. Các nước khác cũng thế thôi.
Viết vì cái đẹp, lẽ phải và khát vọng
Theo ông, làm thế nào để các nhà văn có thể thỏa sức sáng tạo, không cần phụ thuộc vào hội hè hay ngân sách?
Điều đó lại phụ thuộc vào tâm thế, tâm trạng khác nhau của mỗi thời đại. Thời chúng tôi đến với văn chương là điều rất thiêng liêng. Ở đó, chúng tôi ngồi xuống để viết là khát vọng, với tâm thế đang làm điều gì đó lớn lao. Cho dù mình không viết được điều gì lớn lao, tinh thần, cảm hứng của mình phải đặt lên vị trí cao nhất.
Kinh tế cho dù có phát triển đến đâu cũng không thể tách rời văn hóa và văn hóa trong thời kỳ nào cũng không thể tách rời lẽ sống, lý tưởng của con người.
Lý tưởng không phải là điều gì cao sang, đó là khát vọng làm người tử tế, khát vọng bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ những vẻ đẹp văn hóa con người, muốn chở che cho những thân phận khổ đau phải chịu bất công. Mỗi khi sự vô cảm, chủ nghĩa thực dụng lên ngôi đe dọa các giá trị sống của con người, làm mọi thứ tồi tệ hơn, chỉ có nhà văn mới có thể chữa lành.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Cho nên ở Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc vừa rồi, chúng tôi đặt ra khẩu hiệu là: “Vì sao chúng ta viết”. Chúng ta viết vì cái đẹp, viết vì lẽ phải, vì một khát vọng sống, viết vì muốn mang con người đến những bến bờ của cái đẹp. Khi cầm bút anh không ý thức được điều đó, không dấn thân, không đắm mê thì sẽ không có tác phẩm hay.
Tất cả những hiện thực của đời sống hiện nay rất đa dạng. Tiếp cận thông tin trong nước và thế giới phong phú vô cùng. Tự do sáng tác, trình bày, công bố tác phẩm trên các phương tiện rất dễ dàng.
Anh có tiền có thể tự giới thiệu, nếu hay, nhà xuất bản tìm đến làm điều đó giúp anh hoặc anh giới thiệu trên các nền tảng mạng xã hội… Cơ hội rất nhiều. Nhưng, dường như không ít người bước vào văn chương mà thiếu cảm hứng lớn lao, khát vọng và một giấc mơ lớn.
Hiện nay, người trẻ dùng văn chương như để bày tỏ những ẩn ức nhỏ bé của cá nhân mình. Việc xác lập con đường, sứ mệnh của họ hơi nhạt nhòa.
Tất nhiên chúng ta không nên quá bi quan với điều đó. Để thay đổi, cần có nhiều giải pháp và cần nhất là sự quan tâm, hưởng ứng từ cả công chúng lẫn Nhà nước. Khi đó, nhà văn có thể từ bỏ tất cả để ngồi lại với trang giấy. Tất nhiên, điều này không phải dễ và cũng không phải ngày một ngày hai là làm được.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận