Quản lý

Vì sao xe vận tải phải đổi màu biển số?

13/07/2020, 06:00

Việc hàng triệu xe vận tải phải đổi biển số mang lại ích lợi gì? Vì sao phải đổi? Các doanh nghiệp vận tải phản ứng thế nào về quy định mới này?

img

Theo quy định mới của Bộ Công an, từ ngày 1/8 tới, xe ô tô đăng ký kinh doanh vận tải sẽ được cấp biển số màu vàng. Những xe vận tải đang lưu hành được đổi màu biển số theo lộ trình. Việc hàng triệu xe vận tải phải đổi biển số mang lại ích lợi gì? Vì sao lại phải đổi? Các doanh nghiệp vận tải phản ứng thế nào về quy định mới này?

Phân biệt rõ ràng

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 58/2020 quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Theo đó, xe ô tô kinh doanh vận tải bao gồm: Xe taxi, xe công nghệ, xe khách, xe tải… phải có biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen kể từ ngày 1/8/2020. Với các xe đã cấp biển trắng và đang hoạt động sẽ buộc phải chuyển sang biển vàng, hạn cuối vào ngày 31/12/2021.

Đón nhận thông tin trên, anh Hoàng Mạnh Hà, tài xế xe công nghệ GrabCar cho rằng, hiện nay xe kinh doanh vận tải ngoài phải đăng ký kinh doanh để được cấp phù hiệu và các giấy tờ khác, xe cũng niêm yết chữ “xe hợp đồng”, phải lắp thiết bị giám sát hành trình… nên cơ quan quản lý hoàn toàn có thể quản lý được hoạt động của các xe này.

Còn khi lưu thông trên đường, xe nào vi phạm luật giao thông đều bị xử phạt như nhau. “Theo quy định mới xe của tôi phải đổi sang biển màu vàng. Nếu tôi không chạy Grab nữa thì có thể đổi biển số sang màu trắng, sẽ gây tốn kém”, anh Hà nói.

Một tài xế khác là anh Đỗ Văn Toán (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng tỏ ra băn khoăn: “Số lượng tài xế Grab rất lớn, nhiều người chạy chuyên nghiệp nhưng cũng nhiều người chỉ tranh thủ chạy trong ngắn hạn và thường xuyên thay đổi, mỗi khi thay đổi lại phải chuyển đổi biển số sẽ tốn rất nhiều chi phí, thời gian”.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh, đổi biển số ô tô kinh doanh vận tải là một sự tiến bộ, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng nhiều năm qua, tạo sự công bằng cho hoạt động kinh doanh vận tải.

Người kinh doanh dùng phương tiện kinh doanh, mua xe để hợp tác kinh doanh hay mua xe để sử dụng cá nhân được phân biệt một cách rõ ràng.

Theo ông Huy, Mai Linh sẵn sàng xung phong áp dụng Thông tư 58/2020 đầu tiên và làm càng sớm càng tốt. Việc này sẽ giúp xe cá nhân và xe kinh doanh vận tải được phân biệt rõ ràng hơn.

Liên quan đến chi phí đề xuất thay đổi biển số vào khoảng 150.000 đồng/xe, ông Huy cho biết, cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu xe ô tô kinh doanh vận tải. Nếu tính ra, tổng chi phí đổi biển số chỉ khoảng vài trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, cái lợi lớn hơn là khi thực hiện quy định, Nhà nước sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế từ cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải. “Do đó, nhà nước nên nghiên cứu, xem xét đơn giản hóa các thủ tục đổi biển số cùng mức chi phí hợp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện”, ông Huy nói.

Đại diện Công ty cổ phần Be Group, đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng công nghệ gọi xe Be cho biết, việc đổi màu biển số xe là trách nhiệm của tài xế, do vậy các tài xế đang hoạt động phải chuyển đổi màu biển số phù hợp mới được hoạt động kinh doanh.

Từ ngày thông tư có hiệu lực, đối với xe mới đăng ký kinh doanh vận tải, Be chỉ tiếp nhận khi phương tiện đã có màu biển số theo quy định.

Tạo bình đẳng, chống thất thu thuế

Được giữ nguyên số khi đổi biển

Cục CSGT cho biết, việc cấp đổi biển không cần phải mang trực tiếp xe đến và không phải cà số khung, số máy. Việc đổi diễn ra trong ngày.

Chi phí cho việc cấp đổi biển: Đối với ô tô khách, xe tải, xe con là 150.000 đồng; đối với xe rơ-mooc, sơ-mi rơ-mooc đăng ký rời là 100.000 đồng. Thời gian cấp: Từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021.

Đối với các xe hiện đang kinh doanh vận tải, khi đổi sang biển màu vàng được giữ nguyên số cũ.

Quy định này nhằm tạo điều kiện cho tài xế không phải thay đổi các loại thủ tục khác liên quan đến biển số cũ khi đổi biển số mới, đơn cử như thủ tục đăng ký thẻ thu phí không dừng.

Sau ngày 1/8/2020, các xe đăng ký mục đích kinh doanh vận tải sẽ được cấp biển số màu vàng.

Thống kê của Cục CSGT, hiện cả nước có khoảng 1,6 triệu ô tô kinh doanh vận tải, gồm xe khách, xe tải và taxi.


Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, hiện nay, xe từ 4 - 7 chỗ ứng dụng công nghệ gọi xe kiểu Grab hay loại xe limousine cũng có biển số như xe cá nhân chạy trên đường, rất khó phân biệt và quản lý.

Vì thế, nhiều tuyến đường cấm xe taxi, xe Grab hoạt động, nhưng những xe này vẫn đi vào mà lực lượng chức năng không phát hiện được.

Mặt khác, lâu nay có rất nhiều xe ô tô kinh doanh vận tải hoạt động trá hình kiểu “xe dù”, “bến cóc” nhằm trốn tránh các loại thuế, phí, dẫn đến gây mất trật tự ATGT và thất thu thuế, cạnh tranh không lành mạnh với các xe ô tô kinh doanh vận tải làm ăn chân chính

Theo ông Hùng, việc đổi màu biển số tuy có gây tốn kém, nhưng cần thiết để duy trì trật tự văn minh chung của ngành vận tải và đảm bảo ATGT.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT, TTGT dễ dàng nhận diện để hướng dẫn, điều tiết giao thông cũng như xử lý các vi phạm.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, cơ quan chức năng cần giải thích rõ cho người dân hiểu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ xe đổi biển số.

Bên cạnh đó, Nhà nước nên hỗ trợ chi phí đổi biển số trong thời gian đầu để các doanh nghiệp có nhiều xe kinh doanh vận tải bớt khó khăn và tự giác thực hiện.

Liên quan đến quan điểm sẽ làm hạn chế kinh tế chia sẻ, ông Hùng cho rằng, hiện nay trên cả nước có khoảng 80.000 xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng điện tử.

Trong đó, có đến trên 90% lái xe tự đầu tư tiền mua phương tiện kinh doanh vận tải chuyên nghiệp chứ không phải tận dụng xe nhàn rỗi. “Nếu không có giải pháp quản lý, thị trường kinh doanh vận tải sẽ ngày càng thêm hỗn loạn, không kiểm soát được số lượng và việc đổi màu biển số là giải pháp tốt để kiểm soát thực trạng này”, ông Hùng nói.

Có tốn kém thời gian, chi phí?

img
Việc đổi biển sang màu vàng đối với xe kinh doanh vận tải được thực hiện đồng loạt trên toàn quốc và kéo dài tới ngày 31/12/2021. Ảnh: TL

Cho biết các doanh nghiệp taxi đều đồng thuận và vui mừng khi áp dụng Thông tư 58/2020, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM cũng kiến nghị nên chỉ đổi màu biển chứ không nên đổi số (giữ nguyên số cũ).

Vì đổi biển số sẽ rất nhiều thủ tục phức tạp liên quan đến đăng kiểm, đăng ký… Bên cạnh đó, nhà nước nên hỗ trợ chi phí đổi biển số trong thời gian đầu để các doanh nghiệp có nhiều xe kinh doanh vận tải bớt khó khăn.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên đề xuất, trên cơ sở thủ tục hồ sơ mà cơ quan chức năng đã kiểm soát và lưu trữ, chỉ cần thay đổi màu sơn nền biển kiểm soát từ màu trắng sang màu vàng.

Doanh nghiệp vận tải chỉ cần làm thủ tục tháo biển kiểm cũ nền màu trắng mang đến cơ quan công an đổi lấy biển kiểm soát mới có nền màu vàng, còn giấy chứng nhận đăng ký giữ nguyên theo bản cũ đang dùng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thượng tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn đăng ký và Kiểm định phương tiện Cục CSGT cho biết, đến nay, các địa phương, đơn vị đều đảm bảo cơ sở vật chất, tập huấn cán bộ, sẵn sàng cho việc đổi biển số xe.

Trước lo ngại của các doanh nghiệp vận tải về việc tốn kém thời gian, chi phí cho việc đổi màu biển số, Thượng tá Công cho biết, việc đổi biển được thực hiện đồng loạt trên toàn quốc và kéo dài tới ngày 31/12/2021. Người ở địa phương nào sẽ tới đổi biển ở cơ quan đăng ký xe địa phương đó.

Quan trọng hơn, theo thông tư mới, việc đăng ký xe đã rút ngắn thời gian, thay vì tối đa 7 ngày như hiện nay, người dân có thể đăng ký trực tuyến, khai thông tin tờ khai, hẹn giờ - ngày đến làm thủ tục và lấy biển số.

Khi chủ xe khai đầy đủ thông tin, lực lượng CSGT sẽ chủ động sản xuất biển số và hẹn đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đến lấy biển số cấp đổi, không phải chờ đợi.

Khi đến ngày làm thủ tục, chủ xe chỉ cần mang theo một trong những giấy tờ như: Chứng minh thư/thẻ căn cước, hộ chiếu hoặc hộ khẩu. Chi phí cho việc đổi biển khoảng 150.000 đồng.

Tuy nhiên, khi được hỏi Nhà nước có hỗ trợ chi phí cho người dân, doanh nghiệp hay không, Thượng tá Công cho biết, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đổi biển bằng thủ tục nhanh gọn nhất, còn phí đổi biển là 150.000 đồng thì phải thưc hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Thượng tá Công cũng thông tin thêm, các trường hợp xe ngừng kinh doanh vận tải, như trường hợp tài xế hợp tác với Grab, Be chạy một thời gian, sau đó ngừng hoặc bán xe thì lại đổi về biển bình thường.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng:
Quản lý chặt chẽ, ATGT sẽ tốt hơn

img

Việc nhận diện có nhiều cách thức, có thể nhận diện qua hệ thống điện tử nhưng trước hết phải nhận diện bằng mắt thường để nhận biết loại hình dịch vụ cho người dân.

Quy định riêng màu biển số đối với xe kinh doanh vận tải sẽ phân tách rõ ràng giữa xe kinh doanh vận tải và xe cá nhân. Điều này giúp người dân dễ dàng sử dụng dịch vụ, lực lượng chức năng dễ xử phạt, đảm bảo minh bạch, bình đẳng trong kinh doanh vận tải.

Khi đã phân biệt rõ xe kinh doanh và xe không kinh doanh sẽ có chính sách phù hợp, có đối tượng khuyến khích hay hạn chế hoạt động. Hiện các quy định về quản lý phương tiện vận tải chặt chẽ hơn đối với xe cá nhân, khi đã minh bạch rõ ràng sẽ giúp quản lý chặt chẽ hơn, ATGT sẽ tốt hơn.

Liên quan đến ý kiến cho rằng việc này sẽ gây khó cho một số người tận dụng xe nhàn rỗi chạy xe công nghệ, Luật GTĐB đã xác định rõ đối tượng được phép kinh doanh vận tải, vì vậy kể cả xe nhàn rỗi nếu anh muốn kinh doanh vẫn phải đăng ký.

Dù cả năm kinh doanh vài ngày và đổi sang biển trắng chạy xe cá nhân vẫn phải chấp hành điều kiện kinh doanh vận tải.

Tôi đã trực tiếp đi nhiều chuyến xe của Grab, nhiều xe tài xế không niêm yết xe hợp đồng. Tình trạng này không minh bạch sòng phẳng đối với người kinh doanh khác.

Đến thời điểm nhất định nào đó sẽ áp dụng được đầy đủ thành quả của Cách mạng 4.0 nhưng trong giai đoạn hiện nay, xe kinh doanh vận tải phải có nhận diện, phương tiện phải đủ điều kiện mới được phép kinh doanh vận tải và thực hiện các quy định của xe kinh doanh vận tải và nộp thuế đầy đủ.

Trần Duy (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.