Ông Trương Thanh Hoài cho biết, việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46% với hàng hoá của Việt Nam từ ngày 9/4 có tác động rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành chế biến chế tạo, thu hút FDI, đầu tư trong nước, dịch vụ…
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như máy tính, sản phẩm linh kiện điện tử, dệt may, da giày… có nguy cơ bị giảm kim ngạch xuất khẩu.

Ông Trương Thanh Hoài - Thứ trưởng Bộ Công thương thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 (Ảnh: Quang Phong).
"Khi Mỹ tăng thuế thì giá cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng lên, điều này sẽ ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh với hàng hoá các nước khác. Đồng thời, sức mua của người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ suy giảm khiến cho cầu hàng hoá Việt Nam sẽ giảm theo", ông Hoài nói.
Với các hợp đồng đã ký kết, theo ông Hoài, bản thân các doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ xem xét lại việc có tiếp tục hợp đồng mua bán hàng hoá với Việt Nam hay không.
Ông Hoài nhắc lại, tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính phủ cũng đã chủ động báo cáo, đề xuất nhiều nội dung và được Bộ Chính trị đồng ý.
Ông cho biết, phía Bộ Công thương đã triển khai hàng loạt biện pháp tiếp xúc với các cấp khác nhau của Mỹ và làm rõ quan điểm của Việt Nam. Theo đó, hai bên đều mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương trên diễn biến tổng thể của hai nước. Phía Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ về việc đưa mức nhập khẩu hàng hoá từ Mỹ về mức 0%. Đây là bước đi quan trọng để giải quyết vấn đề thuế quan với Mỹ.
Trong thời gian sắp tới, ông Hoài cho biết, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan của Mỹ để trao đổi chặt chẽ về những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ đầu tư, thương mại giữa hai nước.
Thứ trưởng cũng cho biết, xuất khẩu trong thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức, do đó các bộ, ngành cũng phải phối hợp chặt với doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các biện pháp đề ra.
Trong đó, giải pháp đầu tiên là tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA); đẩy mạnh đa dạng hoá thị trường xuất khẩu như thị trường Trung Đông, Mỹ La-tinh…; tăng cường xúc tiến thương mại, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics để làm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.
Hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất trong nước, xuất khẩu của Việt Nam nhằm đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển.
"Chúng ta cần phải có chính sách quyết liệt hơn với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, để làm sao thúc đẩy sự gia tăng giá trị trong nước với các sản phẩm công nghiệp, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ của các quốc gia", ông Hoài nói.
Theo ông, mặc dù đối diện nhiều thách thức nhưng Việt Nam càng phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, tăng tính tự chủ, thúc đẩy đa dạng hoá thị trường.
Ông yêu cầu doanh nghiệp chủ động cập nhật thông tin thị trường, thường xuyên theo dõi về các chính sách thương mại của các quốc gia để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.
Đồng thời, trên cơ sở các FTA Việt Nam đã ký kết, cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống cũng như các thị trường nhỏ, thị trường ngách. Đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong các FTA, tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại, tránh việc sử dụng nguyên phụ liệu hàng hoá của nước thứ 3…
Ngày 2/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chính sách thuế quan mới, áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu mức thuế cao nhất, lên đến 46%, áp dụng cho khoảng 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Năm 2024 Việt Nam xuất khẩu gần 120 tỷ USD vào Mỹ, tăng 23,2% (tương ứng tăng tới 22,48 tỷ USD) so với năm trước và chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận