Vận tải

Vietnam Airlines đặt nhiều mục tiêu lớn trong năm 2018

10/05/2018, 06:36

Hôm nay (10/5), Vietnam Airlines tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.

11

Mức lợi nhuận VNA đề ra trong năm 2018 ở mức cao so với các hãng hàng không truyền thống trong khu vực có cùng quy mô

Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng nhất mà HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) xin ý kiến các cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông đều cao hơn khá nhiều so với năm 2017. Cụ thể, trong năm 2018, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển khoảng 24,3 triệu lượt khách và 350.900 tấn hàng hóa, tăng lần lượt 10,9% và 8,2% so với năm 2017.

Vietnam Airlines sẽ cán mốc doanh thu hợp nhất vào khoảng 97.073 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2017, trong đó doanh thu từ vận tải hàng không - lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của hãng dự báo sẽ tăng khoảng 10% so với năm ngoái, ở mức 69.986 tỷ đồng. Do năm 2018 thị trường hàng không trong nước và thế giới dự báo có những biến động bất lợi, trong đó, giá nhiên liệu dự kiến tăng mạnh và duy trì ở mức trên 80 USD/thùng, tăng 15-20% so năm 2017, HĐQT Vietnam Airlines chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức 76,7% so với năm 2017, trong đó lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.421 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.917 tỷ đồng.

Chính thức giao dịch cổ phiếu với mã chứng khoán HVN trên sàn Upcom từ ngày 3/1/2017, Vietnam Airlines luôn nằm trong top 20 công ty có giá trị vốn hóa dẫn đầu thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết thúc năm 2017 với kết quả kinh doanh ấn tượng, tình hình tài chính lành mạnh, các cân đối lớn được kiểm soát hiệu quả, chặt chẽ là tiền đề để giá trị doanh nghiệp của Vietnam Airlines tăng trưởng mạnh, vốn hóa thị trường đạt 2,4 tỷ USD, tăng 50% so với thời điểm đầu năm; lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu đạt 1.931 đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ.

Việc HĐQT Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch lợi nhuận thận trọng là có cơ sở, bởi trong quý I/2018, giá nhiên liệu đang giao dịch ở mức 80 USD/thùng, cao hơn 9,6% so với kế hoạch. Dự kiến, với giá nhiên liệu bay tăng cao (tăng khoảng 15-20% so với năm 2017) làm chi phí sản xuất tăng đáng kể (tối thiểu là 2.200 tỷ đồng do ảnh hưởng về giá).

Bên cạnh đó, trong kế hoạch 2018, Vietnam Airlines có dự phòng chi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại công nợ dài hạn cuối kỳ với số tiền là 729 tỷ đồng (số thực tế đã phát sinh quý I/2018 là 182 tỷ đồng), trong khi năm 2017, do tỷ giá VND và USD ổn định nên không phát sinh chi phí này.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, mức lợi nhuận Vietnam Airlines đề ra trong năm 2018 vẫn ở mức cao so với các hãng hàng không truyền thống trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có cùng quy mô.  Bên cạnh đó, với kết quả kinh doanh quý I/2018 rất khả quan với mức lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.460 tỷ đồng, tăng 6,2% so với kế hoạch và tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc xây dựng phương án và triển khai các giải pháp điều hành phù hợp với diễn biến thị trường và hướng tới mục tiêu vượt chỉ tiêu lợi nhuận đã trở thành một “truyền thống” của Vietnam Airlines kể từ khi doanh nghiệp này chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần cách đây 3 năm. Năm 2017, Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch với mức lợi nhuận trước thuế (hợp nhất) 1.638 tỷ đồng, bằng 63% so với năm 2016, nhưng đến cuối năm Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã vượt xa các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017.

Dự kiến, HĐQT Vietnam Airlines chỉ trình Đại hội đồng cổ đông mức cổ tức bằng tiền 8%. Theo ông Hiền, mức chi trả cổ tức bằng tiền 8% là phù hợp với mặt bằng chung của thị trường.

Được biết, trong năm 2018, tại thị trường quốc tế, Vietnam Airlines sẽ tăng trưởng tải khoảng 10%. Hãng sẽ tiếp tục lộ trình đưa tàu bay thân rộng thế hệ mới vào các đường bay châu Âu, châu Úc, Đông Bắc Á; đồng thời mở đường bay mới Nha Trang - Seoul; Đà Nẵng - Busan, Đà Nẵng - Osaka.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.