Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinapharma Group với Báo Giao thông sau khi đơn vị này vừa khai trương hàng loạt chuỗi cửa hàng "Việt Nam House" tại nước ngoài.
Thưa bà, kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu đang trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19, hiện "sức khoẻ" của Vinapharma Group ra sao?
Thời điểm Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới rơi vào tình cảnh lao đao. Khó khăn chồng chất, trong đó có cả Vinapharma Group.
Chúng tôi luôn nghĩ rằng, sau khi hết Covid-19 kinh tế sẽ quay trở lại như trước, nhưng thực tế không như vậy, mà dường như đang đi vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn. Một phần vì người dân chưa phục hồi cả về kinh tế, lẫn tinh thần sau cuộc chiến này.
Bởi vậy, khi chúng tôi bắt tay xây dựng trở lại mô hình kinh doanh thì rơi đúng vào giai đoạn vô cùng khó khăn và ngay cả thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa thể giải quyết được hết những khó khăn, hệ lụy cũ.
Dù vậy, những năm qua, Vinapharma Group được biết đến là đơn vị luôn tiên phong phát triển thương hiệu Việt ra quốc tế, bà có thể chia sẻ về hành trình này?
Đúng vậy, đó là phương châm kinh doanh của chúng tôi. Dù khó khăn, chúng tôi vẫn giữ vững lập trường vươn ra thế giới.
Vì thế, trong những ngày tháng khó khăn nhất, chúng tôi vẫn vươn mình để đi dần đến đích.
Vinapharma Group là một doanh nghiệp trẻ và do những người trẻ cùng startup. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển 10 năm qua, chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng thương hiệu ở Việt Nam và quốc tế.
Ngoài hệ thống siêu thị thuần Việt tại Việt Nam, hiện chúng tôi đang xây dựng hệ thống F&B ở Trung Quốc và thử nghiệm ở một số nước như châu Âu, Thái Lan…
Ngoài ra, Vinapharma Group cũng làm chuỗi F&B về cửa hàng cafe, cửa hàng fast-food ở nước ngoài.
Đặc biệt, chúng tôi mở ra những ngôi nhà Việt Nam có tên gọi "Việt Nam House" ở nước ngoài để trưng bày tranh ảnh, hình ảnh về Việt Nam, đặc sản vùng miền của Việt Nam, những câu chuyện về Việt Nam, văn hóa…
Chúng tôi hay nói đùa với nhau rằng, ở bên Vinapharma Group, chúng tôi không chỉ xuất khẩu sản phẩm mà còn xuất khẩu cả văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Chúng tôi mong muốn đưa văn hóa Việt ra thế giới để những người dân trên thế giới hiểu hơn về Việt Nam và quan trọng hơn, từ những hình ảnh đẹp được lan tỏa từ "Việt Nam House" giúp họ có thể đến Việt Nam để trải nghiệm...
Với "Việt Nam House", tôi muốn mỗi người dân Việt Nam khi nhìn thấy đều cảm thấy an toàn, như đang ở "đất mẹ" với tinh thần đến Việt Nam House được mua sản phẩm, sử dụng các sản phẩm Việt, nghe văn hóa Việt.
"Về nhà là có mẹ" đó là điều chúng tôi muốn gửi gắm ở "Việt Nam House".
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung mở rộng "Việt Nam House" cả về chất lượng và số lượng.
Đây là một ước mơ lớn, chắc hẳn những tháng cuối năm, Vinapharma Group sẽ luôn bận rộn với những kế hoạch mới?
Thời gian còn lại của năm 2024 cũng không còn nhiều, Vinapharma Group cũng chưa trải qua tình trạng khủng hoảng, bởi toàn bộ chuỗi liên kết bị ảnh hưởng khi các nhà phân phối tại Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn.
Điều này khiến vấn đề hàng hóa tồn trở nên nan giải với doanh nghiệp chúng tôi. Chúng tôi đã phải bỏ đi rất nhiều hàng hóa, thiệt hại rất lớn.
Vì thế, hiện chúng tôi đã phải vay vốn ngân hàng, số lãi bỏ ra không nhỏ. Trong khi, trước đây không vay ngân hàng, khoản tiền lãi vay là vốn để chúng tôi tái sản xuất hay là đưa vào để tái phát triển công ty, doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, chúng tôi sẽ thận trọng đầu tư. Ưu tiên hiện nay của chúng tôi là hỗ trợ bà con nông dân trồng được nhiều cây hoa màu tốt, hướng đến 100% các sản phẩm là organic thông qua việc tuyên truyền và đào tạo.
Năm nay, tôi kỳ vọng có thể ổn định được các khâu cơ bản để sản xuất, ổn định kênh phân phối trong nước và quốc tế… để sang năm 2025, chúng tôi có thể quay trở lại guồng quay giống như thời điểm trước dịch Covid-19.
Cuối năm nay, Vinapharma Group sẽ khởi công một nhà máy 10ha tại Bình Định hướng đến bao tiêu 1.000ha vùng nguyên liệu rau ăn lá hữu cơ và vài trăm hecta trái cây hữu cơ như quả dừa, hay quả xoài tại địa phương này.
Nhà máy này được đầu tư công nghệ hiện đại, toàn bộ là công nghệ AI và sử dụng robot trong quá trình sản xuất.
Với việc đầu tư mạnh tay vào công nghệ, hướng đi của Vinapharma Group từ năm 2025 đến năm 2055 là sẽ tập trung vào sản phẩm hữu cơ và tập trung vào phát triển các sản phẩm từ nông nghiệp xanh, nông nghiệp số và nhà máy xanh, nhà máy được sử dụng bằng pin năng lượng mặt trời để tạo chứng chỉ carbon cho vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe.
Bà mong muốn điều gì từ sự hỗ trợ của Chính phủ trong bối cảnh này?
Thời gian qua, các doanh nghiệp đang khó khăn và chúng tôi hiểu rằng Chính phủ cũng rất khó khăn khi trong suốt 4 năm qua, Chính phủ đã thực hiện rất nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, nông nghiệp là lĩnh vực tiềm năng, nhưng rất dễ "tổn thương", do vậy, cần được quan tâm hơn.
Tôi mong Chính phủ hãy dành nhiều chính sách tốt dành cho nông nghiệp và cho những doanh nghiệp chế biến nông nghiệp như chúng tôi.
Bởi lẽ, chúng tôi là người trực tiếp đi thu mua, bao tiêu, cũng như là định hướng cho bà con về nông nghiệp… Như vậy, chúng tôi đang hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Đó cũng được xem như một nguồn lực lớn mà doanh nghiệp phải đầu tư.
Vì thế, chúng tôi cũng cần được sự chung tay từ Chính phủ.
Thực tế, đầu tư máy móc nông nghiệp rất đắt đỏ, nhưng sản phẩm lại có độ hao hụt lớn. Thế nhưng, những sản phẩm chế biến sâu từ nông nghiệp lại bị đánh thuế như những sản phẩm ít hao hụt như hóa chất, hay sản phẩm công nghiệp…
Trong khi, sản phẩm nông nghiệp không thể để lâu, còn những sản phẩm kia gần như hạn dùng tính bằng nhiều năm…Thế nên, tôi hy vọng Chính phủ sẽ có những chính sách thuế, những chương trình tốt hơn dành cho riêng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chế biến.
Cảm ơn bà!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận