Văn hóa - Giải Trí

Vĩnh biệt họa sĩ Trần Lưu Hậu, người độc hành lặng lẽ

06/03/2020, 06:09

Họa sĩ Trần Lưu Hậu là một trong những học trò xuất sắc của danh họa Tô Ngọc Vân.

img
Họa sĩ Trần Lưu Hậu

Nhận được tin Trần Lưu Hậu mất trong một ngày hiếm hoi của niên lịch, ngày 29/2 (Lễ viếng diễn ra 9h sáng nay 6/3, tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), lòng tôi không khỏi bồi hồi khi nghĩ đến ông và một thế hệ họa sĩ mỹ thuật Kháng chiến, những người đã đặt nền móng vững chắc, mở đầu cho hội họa hiện đại Việt Nam, một thế hệ học trò xuất sắc của danh họa Tô Ngọc Vân.

Cuộc sống gắn liền với toan và màu

- Họa sĩ Trần Lưu Hậu sinh năm 1928, trú tại 60 ngõ Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Tốt nghiệp Khóa Mỹ thuật Kháng chiến 1950 - 1954.
- Tu nghiệp tại Khoa Trang trí sân khấu - Học viện Mỹ thuật Surikov - Liên Xô (cũ) 1955 - 1962.
- Giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1962 - 1988.
- Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001.


Lần đầu tôi đến nhà ông là những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Ngôi nhà trong ngõ nhỏ Yết Kiêu trên con phố nhỏ cùng tên. Vừa bước qua bậc cửa, đập vào mắt tôi là những bức tranh khổ lớn với nét vạch phóng khoáng, mạnh mẽ, hiện đại. Toàn bộ ngôi nhà ngập tràn năng lượng bởi tranh của ông. Ngồn ngộn bảng màu gốc, những vệt màu bạo liệt, dứt khoát và ngẫu hứng. Phần nghệ sĩ mãnh liệt ẩn sâu trong ông già với vẻ ngoài hiền lành, ẩn nhẫn ấy, chỉ được biểu hiện qua toan và màu.

“Tranh của mình bán được, đủ để lo cho con cái và chuyên tâm vào vẽ”. Khi ông nói, ánh mắt thoáng vẻ xót xa cho các con, những đứa trẻ phải lớn lên cùng ông trong khốn khó. Gánh cơm áo cho một gia đình đông con đè lên vai bao năm, vùi lấp, trói buộc ông, có lẽ đã tạo cho ông sự bứt phá đầy xung lực, những hòa sắc cực đoan, phi hiện thực. Một bút pháp riêng biệt.

Rồi có lần, qua điện thoại, ông khoe vừa mua thêm được hai căn nhà bên cạnh. “Kỳ, con mình, đang xây lại, khi nào xong mời các bạn lại chơi cái chuồng của mình”, ông cười và hóm hỉnh đùa.

Mấy năm trước, trong triển lãm tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân, ông và Mai Long lọc cọc chống gậy đến, ngồi kể những câu chuyện vui nho nhỏ về bạn mình. Ông bảo vẫn vẽ hàng ngày, vẫn hàng năm lên rừng xuống biển vẽ, vẫn cùng Mai Long chống gậy đi chơi.

Gần ba chục năm giảng dạy ở trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Cũng như thày mình, họa sĩ Tô Ngọc Vân, ông tận tâm, khơi gợi tài năng, đề cao sự tìm tòi, dấn thân, coi học trò như những đồng nghiệp. Và họ, dù đã là những họa sĩ đương đại nổi tiếng, vẫn yêu quý, kính trọng và khâm phục sức sáng tạo, lao động không ngừng nghỉ của thày mình.

Con rồng cô đơn, lặng lẽ, ẩn nhẫn

img
Tác phẩm “Phố Hà Nội 1” của họa sĩ Trần Lưu Hậu

Ông tuổi Mậu Thìn, như một con rồng cô đơn, ẩn nhẫn. Hơn 60 tuổi, khi làn gió đổi mới tràn vào, ông mới được bùng nổ trong cuộc đi tìm sự biểu đạt của sắc màu. Bán được tranh, thoát khỏi sự mưu sinh, thoát khỏi nỗi sợ hãi mơ hồ của người nghệ sĩ, ông miệt mài tìm vẻ đẹp ẩn sâu trong nội tâm, trong cuộc sống quanh mình.

Không lập ngôn, không ồn ào, không giao đãi và lối sống vô cùng đơn giản. Nhu cầu của ông là ngôi nhà thật lớn, để vẽ, để tắm trong không gian sáng tạo của riêng mình. Đồ đạc, tiện nghi đẹp nhưng tối thiểu cho cuộc sống hàng ngày.

Ông nói: “Đến tuổi này, chẳng còn gì là quan trọng”. Với ông, hội họa đơn giản là vẽ, vẽ không phải để khẳng định tài năng, bởi tài năng - với người nghệ sĩ - là thứ phải sẵn có. Vẽ là công việc lao động hàng ngày, như cơm ăn, nước uống, không khí thở. Vẽ bù lại những tháng ngày đã qua. Đề tài, phong cách, kỹ thuật không còn quan trọng. Ông độc hành, lặng lẽ trên con đường sáng tạo.

Mấy năm nay, không gặp ông. Nghe tin ông bệnh, rồi nghe ông khỏe lại. Qua điện thoại họa sĩ Mai Long nói lâu lâu qua thăm ông, ông vẫn đi lại, vẫn làm việc.

Vậy mà hôm nay ông ra đi. Ông chọn ngày đặc biệt như tài năng của ông. Vĩnh biệt ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.