Showbiz

Vụ bà Nhân Vlog tố bác sĩ: Ngán ngẩm thực trạng TikToker "ngáo quyền lực"

16/03/2023, 19:04

Ồn ào của bà Nhân Vlog và 1 bác sĩ phụ sản khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Câu chuyện "ngáo quyền lực", "sống ảo" trên mạng lại gây ngán ngẩm.

Dậy sóng ồn ào của TikToker Lê Thị Đức Nhân

Những ngày qua, dư luận được phen dậy sóng với ồn ào của nữ TikToker Lê Thị Đức Nhân (hay còn gọi là bà Nhân Vlog) và một bác sĩ phụ sản tại TP. HCM.

img

Ồn ào giữa TikToker Lê Thị Đức Nhân và một bác sĩ phụ sản trở thành tâm điểm chú ý những ngày qua

Nguồn cơn bắt đầu từ việc, người phụ nữ này gây tranh cãi khi lên mạng "bóc phốt" một bác sĩ làm việc không có tâm, không nhất quán trong việc thông báo thời gian hút trứng sau khi kích trứng. Cô cho rằng, việc làm này ảnh hưởng đến khả năng có con của vợ chồng cô.

Tuy nhiên phía vị bác sĩ lại khẳng định bệnh nhân đang diễn, cố tình "tạo phốt" để thu hút sự chú ý.

Trong quá trình điều trị hiếm muộn, người phụ nữ không làm đúng theo đúng lịch trình của bác sĩ yêu cầu. Thậm chí, đến lịch hẹn của bác sĩ, người này còn không đến phòng khám vì bận... quay video, tiệc tùng.

Sau khi phía bác sĩ lên tiếng, bà Nhân Vlog nhận bão chỉ trích của dư luận.

Đến chiều 14/3, vợ chồng nữ TikToker này tổ chức họp báo, khẳng định bản thân không đem chuyện tìm con ra câu view, hay làm thương mại. Đồng thời cả hai đã cùng nhau cúi đầu xin lỗi vị bác sĩ trong vụ việc.

Trước Lê Thị Đức Nhân, câu chuyện TikToker gây chú ý bằng những ồn ào như bóc phốt, khẩu chiến... trên mạng xã hội trở thành vấn nạn nhức nhối.

img

Trang Nemo và một số người bị truy tố về việc vừa đánh nhau vừa livestream trên mạng xã hội

Chỉ mất 0,38 giây tra Google với từ khóa "bóc phốt trên mạng xã hội", công cụ tìm kiếm đã cho ra hiển thị khoảng 1.060.000 kết quả.

Nhưng với từ khóa "sống ảo", tìm kiếm còn cho ra kết quả kinh khủng hơn khi có tới hơn 33.700.000 kết quả, chỉ trong 0,32 giây.

Theo ghi nhận, thời gian qua, nhiều người dùng mạng xã hội có lượng người theo dõi lớn thường lên mạng làm to chuyện, “bóc phốt”, khẩu chiến kịch liệt với ngôn ngữ “chợ búa” với đối thủ, thậm chí còn kéo nhau đi “dằn mặt” đối phương.

Điển hình như trường hợp “hot girl” bán hàng trên mạng Trang Nemo cũng vì khẩu chiến trên mạng, dẫn đến hành động hăm dọa và hành hung người khác. Sau cùng, cô bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 6-12 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng.

Lo ngại tình trạng ngáo quyền lực của giới YouTuber, TikToker

Bàn về vấn đề này, TikToker Trinh Phạm (có kênh sở hữu 200.000 người theo dõi) cho rằng, với một người nổi tiếng, có được lượng follow nhất định, việc người đó ra ngoài được nhiều người nhận ra và phục vụ đặc biệt hơn, là điều dĩ nhiên.

"Với lối suy nghĩ đó, nhiều người nổi tiếng cho rằng bản thân lúc nào cũng sẽ phải được đối xử đặc biệt như vậy, nếu không có thì suy nghĩ là bản thân đang không được công bằng, dần dần nó sẽ trở thành một thói quen xấu", TikToker Trinh Phạm cho hay.

img

TikToker Trinh Phạm

Ở góc độ truyền thông, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long chia sẻ với Báo Giao thông rằng, một số người dùng mạng xã hội có lượng theo dõi lớn đang có sự nhầm lẫn cho rằng mình là KOL (người có chuyên môn có sức ảnh hưởng), nên đòi hỏi sự ưu tiên, các đặc quyền đặc lợi mà không để ý đến hoàn cảnh của mình..

Những người này sẽ làm mọi chuyện câu kéo để đổi lấy những thứ về bề nổi chứ không đi sâu trau dồi chuyên môn, hoàn thiện về đạo đức, tính cách con người.

"Nhiều trường hợp dù "ngáo" quyền lực nhưng lại được ủng hộ nên càng nghĩ mình đang làm đúng, đang phát ngôn đúng. Điều này rất nguy hiểm.

Hiện tượng "ngáo" quyền lực trên mạng ảo dẫn đến nhiều hệ lụy với xã hội. Đối với các TikToker, họ có thể vi phạm pháp luật nếu cung cấp thông tin sai sự thật xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cửa hàng, doanh nghiệp…

Đặc biệt những hành động, việc làm của họ có thể khiến nhiều bạn trẻ suy nghĩ lệch lạc. Nhiều người trẻ vô tình coi đó là những tấm gương để học theo, làm theo, không chịu rèn luyện, phát triển tri thức.

Điều tôi lo ngại nhất là hiện tượng này sẽ tạo ra một lớp trẻ "nghĩ ngắn", cho rằng việc câu view bất chấp sẽ giúp có nhiều người hâm mộ. Họ cũng nghĩ rằng làm như thế sẽ có nhiều tiền mà chẳng cần học hành, phát triển bản thân", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 4/11/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn đề xây dựng văn hóa mạng.

Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, mạng xã hội là môi trường sống mới nên phải có văn hóa số.

“Ở ngoài đời, mình nói một câu rất to thì chỉ có vài người đứng xung quanh nghe thấy. Nhưng khi lên mạng viết một câu là có thể 1 triệu người nhìn thấy. Đây là điểm khác biệt trong ứng xử”, ông Hùng nói.

Do đó, việc đầu tiên, ông Hùng cho rằng cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số. Hiện, Bộ TT&TT đã ban hành bộ quy tắc mẫu và hy vọng rằng các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó ban hành quy tắc cho riêng cơ quan, tổ chức của mình.

“Năm 2023, Bộ sẽ đánh giá sơ kết việc thực hiện bộ quy tắc này. Giải pháp căn cơ thì nên đi hai chân, một là pháp luật và hai là văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.