Tàu SAR xuyên đêm ra cứu nạn vùng tâm bão
Trong cơn bão số 3, Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề với 21 phương tiện thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; trên 2.400 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Tới ngày 12/9 vẫn còn 6 thuyền viên bị mất tích.
Để kịp thời ứng cứu những tàu, những thuyền viên gặp nạn trên biển, các lực lượng chức năng như Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Việt Nam (Bộ GTVT), bộ đội hải quân, cảnh sát biển, biên phòng... đã không quản ngại hiểm nguy lao ra giữa sóng dữ cứu người.
Ông Trần Quang Thanh, Thuyền trưởng tàu SAR 412 (Trung tâm Tìm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2) kể lại: Tối 7/9, tàu SAR 412 được lệnh tức tốc từ Quảng Bình ra vùng biển Quảng Ninh để cứu hộ, cứu nạn.
Ngay khi nhận lệnh, tàu đã khởi hành đi suốt đêm để sáng sớm hôm sau, có mặt tại Quảng Ninh để cứu hộ, cứu nạn tàu Bạch Đằng 01, trên tàu có 13 thuyền viên gặp nạn.
Ông Thanh vẫn nhớ, khi ra tới vùng biển Quảng Ninh, sóng gió rất dữ dội. Tàu phải vật lộn với cơn sóng cao hơn 4m, huy động mọi thiết bị để phát hiện nơi tàu Bạch Đằng 01 gặp nạn.
Khi tới nơi, phát hiện các thuyền viên trên tàu 01 không ai bị thương, tàu vẫn có thể vận hành được, tàu SAR 412 đã hỗ trợ tàu Bạch Đằng 01 khắc phục sự cố và áp tải tàu này về bờ an toàn.
Ngay sau đó, tàu SAR 412 nhận lệnh tiếp tục ra vùng biển Quảng Ninh vì còn nhiều phương tiện gặp nạn.
"Trong những ngày tiếp theo, chúng tôi đã phát hiện nhiều phương tiện gặp nạn để định vị, phối hợp với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn", ông Thanh nói.
Vượt sóng dữ cứu người gặp nạn
Khoảng 14h ngày 7/9, Tàu 984, Lữ đoàn Hải quân 170 đã có mặt trên vùng vịnh Hạ Long, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn. Trước đó, đơn vị nhận được tin báo sà lan mang số hiệu HY 0496 chở hơn 2.600 tấn xi măng trú bão tại đảo Ti Tốp (Quảng Ninh) thì gặp nạn và bị chìm, trên tàu có 4 thuyền viên.
Kể lại với PV về thời khắc vật lộn trên biển trong tâm bão để cứu người dân gặp nạn, Đại tá Trần Hồng Tuyến, Chính ủy Lữ đoàn 170 vẫn còn nguyên cảm xúc: "Thời điểm đó, đơn vị đã điều xuồng cách khu vực tàu bị nạn khoảng hơn 3 hải lý và cứu 4 thuyền viên. Rất may mắn, cả 4 người đều thoát nạn..."
Đến 5h 30 ngày 8/9, Lữ đoàn 170 điều động xuồng nhanh chóng đến khu vực hòn Dầm Đơn (vịnh Hạ Long), cứu được 11 người đang mắc kẹt tại đây, sau đó đưa lên Tàu 984 và chuyển 11 người bị nạn sang Tàu 285 đưa về bờ.
7h45 phút ngày 8/9, Tàu 984 tiếp tục cứu nạn thành công 2 người trên xuồng nuôi ngọc trai khu vực vụng Tùng Sâu.
Tất cả 17 người này đều đã bị trôi dạt nhiều tiếng trên biển, do ảnh hưởng sức gió quá mạnh của bão số 3, các tàu bị đứt dây neo trôi dạt hoặc bị đắm.
Niềm vui vỡ òa khi thoát nạn
Trao đổi với PV, một chỉ huy của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển 1, cho biết, sáng 8/9, trong quá trình cơ động tránh bão, đơn vị đã nhận được tin báo có nhiều thuyền viên, ngư dân bị nạn trên vùng biển giáp ranh giữa tỉnh Quảng Ninh với TP Hải Phòng.
Mặc dù điều hiện thời tiết trên biển sóng to, gió lớn, khó cơ động, nhưng đơn vị đã triển khai ngay phương án tìm cứu nạn. Sau nhiều giờ vật lộn với sóng biển tìm kiếm, đến đầu giờ chiều cùng ngày, tàu của đơn vị đã cứu được 43 nạn nhân bị mắc kẹt trên biển và đưa vào bờ an toàn.
"Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tiến hành kiểm tra, chăm sóc sức khỏe, đưa các nạn nhân lên tàu cứu hộ, bảo đảm ăn uống", vị chỉ huy cho biết.
Ngay trong buổi chiều ngày 8/9, nhận được tin báo của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Hải đội Biên phòng 2 cử 1 kíp tàu cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ ra vùng biển các thuyền viên gặp nạn và phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển để đưa về trụ sở Hải đội 2 an toàn.
Cùng ngày, tại Lữ đoàn 170, Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân cũng tổ chức bàn giao 17 nạn nhân gặp nạn trên biển trong cơn bão số 3 cho tỉnh Quảng Ninh.
Đến bây giờ, ông Trần Văn Của (62 tuổi, quê xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) vẫn không thể tin 3 bố con ông còn sống sót sau hàng giờ vật lộn với sóng to, gió lớn từ chiếc tàu xi măng bị đắm để bơi vào đảo Titop.
Ông Của giọng còn thảng thốt, nhớ lại lúc mình chới với giữa biển khơi: "Khi phương tiện gặp nạn, tôi đã chới với bơi vào đảo Titop trong tình trạng bị thương ở chân. Vào được đảo an toàn, bố con tôi còn phải chịu đói và rét nhiều giờ, tâm trạng rất sợ hãi.
Rất may, đến sáng 8/9, bố con tôi được bộ đội hải quân đến cứu, chăm sóc vết thương và đưa về đất liền. Đời tôi hơn 60 tuổi rồi, nhưng đến giờ mới trải qua trận bão khủng khiếp như thế này".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận