An ninh hình sự

Xe 48 tấn làm sập cầu 5 tấn, thiệt hại 1 tỷ: Tài xế sẽ bị xử lý thế nào?

08/11/2021, 17:27

Công an đang điều tra làm rõ vụ sập nhịp dẫn cầu dây văng Bình Phong Thạnh, nếu đủ yếu tố sẽ khởi tố vụ án hình sự.

Chiều 8/11, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An cho biết, Công an huyện này đang điều tra làm rõ vụ sập nhịp dẫn cầu dây văng Bình Phong Thạnh bắc qua sông Vàm Cỏ Tây hôm 7/11.

"Quá trình điều tra, nếu đủ yếu tố sẽ khởi tố vụ án hình sự", ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, sau khi sự cố xảy ra, đơn vị cung cấp bê tông nhựa là Công ty Bảo Phúc Minh Long (Đồng Nai)- đơn vị có xe, tài xế, đã phối hợp với chính quyền địa phương đưa ra phương án khắc phục sự cố.

Trước mắt, Sở GTVT Long An khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại và thi công sửa chữa hoàn chỉnh trong 45 ngày, mọi chi phí do Công ty Bảo Phúc Minh Long chi trả. Ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

img

Sự cố sập cầu dây văng Bình Phong Thạnh nếu đủ yếu tố sẽ khởi tố vụ án hình sự

Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT Long An cho biết, bước đầu xác định nguyên nhân do lái xe Nguyễn Duy Sỹ (30 tuổi, ngụ huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, tạm trú TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) điều khiển xe tải biển số 60C - 56.658 chở bê tông nhựa nóng, có tải trọng xe và hàng trên 48 tấn, gây sập nhịp dẫn phía mố cầu B.

Theo ông Trung, tại 2 đầu cầu dây văng Bình Phong Thạnh đều có đặt biển cho phép tải trọng 5 tấn, nhưng tài xế không chấp hành, tự ý cho xe quá tải trọng qua cầu vẫn đến sự cố.

Ngoài nhịp dẫn bị sập hoàn toàn, sự cố còn gây cong vênh nhịp tiếp theo và một số thanh chịu lực của cầu. Bên cạnh đó, còn có một số chốt liên kết dầm thép cũng bị cong vênh và hệ thống dây cáp treo bị chùng xuống.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hùng, Đoàn Luật sư Long An, về mặt trách nhiệm dân sự, có hai trường hợp xảy ra.

Thứ nhất, nếu lái xe Duy là chủ xe hoặc nhận xe theo hợp đồng thì chính tài xế này phải là người bồi thường thiệt hại đã gây ra khi làm sập cầu.

Thứ hai, nếu Duy chỉ là lái xe làm công ăn lương cho pháp nhân khác thì pháp nhân khác phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Nhà nước về thiệt hại. Sau đó, lái xe Duy có trách nhiệm bồi thường lại cho pháp nhân mà mình làm thuê.

Về mặt hình sự, do không có thiệt hại về người nên để có căn cứ xử lý hình sự hành vi của lái xe Duy, cơ quan chức năng cần giám định thiệt hại về tài sản.

Thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

img

Tại 2 bên đầu cầu đều có biển cấm ô tô tải qua cầu, chỉ cho phép xe máy, xe ba bánh, ô tô từ 16 chỗ ngồi trở xuống.

Theo quy định tại điều 9, Luật Giao thông đường bộ, người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

Luật sư Hùng phân tích, tại đầu cầu dây văng Bình Phong Thạnh đã có biển báo ghi cấm xe có tổng trọng tải trên 5 tấn qua cầu, tài xế bắt buộc phải thấy biển báo này khi điều khiển xe qua cầu.

Trong khi đó, chiếc xe gây sập cầu có tổng tải trọng 48 tấn, như vậy đã vượt nhiều lần tải trọng cho phép của cầu.

“Trường hợp lái xe biết tải trọng của xe, biết tải trọng tối đa cho phép qua cầu nhưng vẫn cố ý cho xe qua dẫn đến thiệt hại là sập cầu thì hành vi này có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt dành cho tội này có thể lên đến 15 năm tù”, luật sư Hùng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.