Đường bộ

Xe chở học sinh sẽ có màu sơn riêng

19/06/2024, 10:00

Tại dự thảo Quy chuẩn mới, Bộ GTVT đề xuất nhiều quy định riêng đối với xe chở học sinh, trong đó có việc xe phải trang bị camera, hệ thống cảnh báo học sinh bị bỏ quên, có màu sơn riêng.

Loạt đề xuất tăng an toàn cho xe chở học sinh

Theo thông tin của Báo Giao thông, tại dự thảo Quy chuẩn sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT) đối với xe ô tô, Bộ GTVT đề xuất xe chở học sinh phải sơn màu vàng đậm, mặt sau phải có thiết bị cảnh báo hoặc biển cảnh báo phương tiện khác không được vượt khi xe đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh.

Xe chở học sinh sẽ có màu sơn riêng- Ảnh 1.

Hiện nay xe đưa đón học sinh còn nhiều bất cập, tiềm ẩn rủi ro về an toàn.

Xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu và hệ thống camera bên trong để giám sát hành vi của lái xe, người quản lý học sinh và toàn bộ học sinh trên xe. Camera bên ngoài để giám sát tình trạng giao thông phía cửa lên xuống.

Cùng đó, xe phải có đèn cảnh báo nguy hiểm tự động được bật khi cửa lên xuống mở để đón, trả học sinh. Camera phải có hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin.

Đặc biệt, xe phải được trang bị hệ thống cảnh báo học sinh bị bỏ quên trên xe có thể hoạt động tự động hoặc điều khiển bằng tay.

Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.

Lo gánh nặng cho phụ huynh

Trước những đề xuất trên, đại diện Công ty TNHH thương mại An Du – đơn vị vận tải chuyên cung cấp dịch vụ xe đưa đón học sinh cho biết, hiện đa số xe chở học sinh kết hợp kinh doanh vận tải không phải xe thiết kế riêng.

"Phương tiện của chúng tôi được sử dụng để đưa đón học sinh từ thứ 2 đến thứ 6. Hai ngày thứ 7, chủ nhật sẽ được sử dụng để vận chuyển khách theo hợp đồng tour du lịch. 

Thu nhập từ việc đưa đón học sinh không cao, trung bình mỗi xe chỉ từ 700-800 nghìn đồng/ngày, trong khi chi phí lương lái xe, xăng dầu rất lớn. Nguồn lợi nhuận chủ yếu đến từ việc vận chuyển khách theo hợp đồng vào cuối tuần", đại diện Công ty An Du nói.

Theo vị này, nếu quy định màu sơn riêng dành cho xe đưa đón học sinh sẽ khiến các đơn vị vận tải gặp khó trong việc chở khách du lịch vì màu sơn không phù hợp, chưa kể sẽ phát sinh các chi phí để sơn, đổi giấy tờ đăng ký xe.

Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Newway cho biết, tại một số nước trên thế giới đã quy định màu sơn riêng dành cho xe đưa đón học sinh. Tuy nhiên, các phương tiện này hoạt động như school bus, chỉ phục vụ học sinh.

Trong khi đó, xe đưa đón học sinh hiện nay ngoài những ngày chở học sinh, có khoảng 5 tháng kinh doanh vận tải hành khách khác (vào dịp nghỉ cuối tuần, lễ, Tết, nghỉ hè). Nếu quy định màu sơn riêng sẽ khiến hoạt động kinh doanh của đơn vị gặp khó khăn.

"Để bù đắp chi phí cho hoạt động này, buộc sẽ phải thu giá cước vận chuyển học sinh cao hơn, điều này sẽ làm gánh nặng cho phụ huynh", ông Hưng nhìn nhận.

Ngoại trừ quy định màu sơn nên cân nhắc, theo ông Hưng, các quy định về camera giám sát lắp bên trong và ngoài xe cũng như quy định về hệ thống cảnh báo bỏ quên trẻ trên xe rất cần thiết. Việc này giúp tăng an toàn cho trẻ, giảm rủi ro cho doanh nghiệp, dù có thể khiến đơn vị phát sinh chi phí.

An toàn cho học sinh cần ưu tiên hàng đầu

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, quy định màu sơn riêng, thậm chí có thể hướng đến chung một kiểu dáng để tạo đặc trưng riêng cho xe buýt học sinh là tốt nhất.

Ông Tạo cho rằng, cần nghiên cứu cơ chế ưu tiên loại phương tiện này như đề xuất tại dự thảo Luật TTATGT. Cùng đó, ưu tiên tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình cho xe đưa đón học sinh.

Một thành viên trong ban soạn thảo Quy chuẩn cho biết, việc quy định một màu vàng đậm chung cho xe đưa đón học sinh có thể làm phát sinh chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chi phí sơn cũng không quá cao, tác động không quá lớn. An toàn cho học sinh cần ưu tiên hàng đầu.

Quy định này giúp tăng tính nhận diện, phân biệt với các loại phương tiện khác, từ đó người tham gia giao thông dễ nhận biết và chủ động nhường đường khi cùng lưu thông với xe chở học sinh.

Ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, tại hầu hết các nước trên thế giới, xe school bus được sơn màu vàng đậm. Việc quy định màu đặc trưng giúp xe nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam không phải sơn lại mà có thể sử dụng ngay để đưa đón học sinh.

Với quy định về thiết bị cảnh báo, có nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp để lắp đặt, trong đó, thiết bị cảnh báo dạng còi khẩn cấp có chi phí không lớn, doanh nghiệp có thể dễ dàng lắp đặt trên xe.

Cần lộ trình và mốc thời gian cụ thể

Cũng theo ông Khương Kim Tạo, cơ quan quản lý cần lưu ý về lộ trình thực hiện, thời gian đầu có thể cho phép các đơn vị vận tải tận dụng phương tiện sẵn có, hoàn thiện các hạng mục gắn trên xe. 

Trong đó, quan trọng nhất là màu sơn, hệ thống cảnh báo phát hiện trẻ bị bỏ quên, thiết bị giám sát hành trình, giám sát khoang hành khách, người lái xe.

Đồng thời, cần quy định mốc thời gian cụ thể chuẩn hóa loại hình phương tiện này để các doanh nghiệp chủ động đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi cho các đơn vị đầu tư phương tiện, tham gia kinh doanh dịch vụ này.

Có thể xây dựng mô hình xe học sinh (school bus) chuyên dụng ở Việt Nam, đảm bảo an toàn cho trẻ đến trường, hạn chế xe cá nhân vào giờ cao điểm, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.

Tuy nhiên, ông Quyền kiến nghị, loại hình này nên phân làm 2 nhóm: Nhóm áp dụng đối với xe chở học sinh trong đô thị có tiêu chuẩn cao hơn (sơn màu, đèn chớp màu vàng, ghế ngồi) và nhóm xe cho vùng nông thôn, miền núi thì tiêu chuẩn có thể thấp hơn, để tránh tăng chi phí đầu tư phương tiện cũng như giá thành dịch vụ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Viết Hưng, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Newway cho rằng, cần có lộ trình để các doanh nghiệp vận tải hoàn thiện các yêu cầu, tránh gây khó cho doanh nghiệp.

Về lâu dài, cần hướng đến xây dựng mô hình xe đưa đón học sinh chuyên dụng. Lúc này, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư phương tiện, thậm chí là trợ giá cho dịch vụ vận tải đưa đón học sinh giống như xe buýt hiện nay.

"Khi kinh doanh có hiệu quả sẽ thu hút được các doanh nghiệp vận tải tham gia đầu tư, góp phần tạo môi trường tham gia giao thông cho học sinh một cách chuyên nghiệp, bài bản và an toàn", ông Hưng nêu ý kiến.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.