Xe khách bỏ bến chạy dù, vô tư lập “bến cóc”
Theo phản ánh, thời gian qua, nhà xe Tiến Oanh (chuyên vận tải hành khách tuyến cố định Đắk Lắk - TP.HCM và ngược lại) vô tư hoạt động “xe dù bến cóc”, xe "hợp đồng trá hình” gây mất trật tự ATGT, cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị vận tải làm ăn chân chính. Đặc biệt, nhà xe sử dụng con dấu giả để tự đóng lệnh xuất bến (bến đến và bến đi) của bến xe Ngã Tư Ga (TP.HCM) cho chính nhà xe của mình để “thông đường”, trốn thuế, phí.
Nhà xe Tiến Oanh từ huyện Cư Kuin lên TP Buôn Ma Thuột lập "bến cóc", chạy dù. Ảnh: Hoàng Yến
Để ghi nhận thực tế, một ngày cuối tháng 7, PV gọi điện thoại vào số tổng đài của nhà xe Tiến Oanh, đặt vé từ Đắk Lắk - đi TP.HCM. Từ đầu dây bên kia, nam nhân viên nhận khách và hẹn khi đón tài xế sẽ gọi trước. Đến khoảng 22h00, nhân viên nhà xe gọi điện và hướng dẫn PV ra khu vực đường tránh phía Tây Buôn Ma Thuột (gần bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột) để lên xe.
Vài phút sau, xe khách giường nằm Tiến Oanh BKS: 47B-021.64 đến đón PV lên xe. Sau đó, tài xế đón thêm vài hành khách nữa rồi chạy thẳng về TP.HCM. Xe di chuyển được vài km, nhân viên nhà xe đi thu tiền và hỏi từng khách địa điểm xuống xe.
Video: Nhà xe Tiến Oanh chạy dù, lập "bến cóc" khắp nơi để bốc hàng, xếp khách
Trên suốt hành trình hơn 350km, đến rạng sáng ngày hôm sau, chiếc xe chạy đến đất TP.HCM, nhưng tài xế không ghé bất kì bến xe nào mà chạy thẳng về nhà xe Tiến Oanh tại số 266 Đồng Đen (phường 10, quận Tân Bình) để trả khách, bỏ hàng.
Tiếp đó, PV tiếp tục gọi điện vào số tổng đài của nhà xe Tiến Oanh để đặt vé từ TP.HCM đi Đắk Lắk. Tại một trạm xe buýt trên đường Trường Chinh, chiếc xe Tiến Oanh BKS: 47B-023.95 tấp vào đón PV lên xe. Sau đó, chiếc xe vòng vo trên nhiều tuyến đường khác của TP.HCM để đón thêm vài khách nữa rồi mới bắt đầu hành trình đi Đắk Lắk và tài xế không ghé bất kì bến xe nào để kí lệnh xuất bến.
Nhà xe Tiến Oanh thường xuyên chạy dù, vô tư lập "bến cóc" tại số 266 Đồng Đen, phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM.
Ngoài ra, trên suốt quá trình thực tế của nhiều chuyến xe khác, PV ghi nhận nhiều xe khách Tiến Oanh BKS: 47B-022.14, 47B-023.66, 47B-022.33, 47B-024.34,… thường xuyên tập kết tại “bến cóc” (số 266 Đồng Đen, phường 10, quận Tân Bình), để bốc hàng, xếp khách. Sau đó, tài xế cho xe chạy vòng vo trên khắp các tuyến phố đón khách và không ghé bất kì bến xe nào để kí lệnh xuất bến. Cứ thế, chiếc xe hoạt động từ sáng đến khuya, vô tư hành trình về Đắk Lắk.
Tương tự, tại tỉnh Đắk Lắk, nhà xe Tiến Oanh cũng vô tư lập “bến cóc” tại nhà (QL27, Trung Hòa, huyện Cư Kiun), tại số 134 Hai Bà Trưng (TP Buôn Ma Thuột) và cây căng dầu Petrolimex 66 (đường 10/3, TP Buôn Ma Thuột) để bốc hàng, xếp khách.
Dùng con dấu giả, tự đóng lệnh vận chuyển
Theo điều tra, nhà xe Tiến Oanh có 12 xe đang hoạt động tuyến cố định (bến xe Ngã Tư Ga đi bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột - bến xe Cư Kuin) tại bến Ngã Tư Ga với hai pháp nhân. Một pháp nhân Hợp tác xã (HTX) Vận tải Cơ giới 10/3 (trụ sở 22 Nguyễn Công Trứ, TP. Buôn Ma Thuột) có 6 xe gồm: 47B-021.64; 47B-022.14; 47B-022.33; 47B-023.44; 47B-023.66; 47B-023.95, xe xuất bến mỗi ngày 2 tài (60 chuyến/ 1 tháng).
Bỏ bến chạy dù, nhà xe Tiến Oanh (thuộc HTX Vận tải Cơ giới 10/3) tự kí, dùng con dấu giả để kí lệnh xuất bến nhằm qua mặt cơ quan chức năng, trốn thuế phí. Ảnh: Hoàng Yến
Đối với pháp nhân là Công ty TNHH Du lịch Vận tải Tiến Oanh (trụ sở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) có 6 xe gồm: 50F-003.79; 50F-004.16; 50F-029.00; 50F-029.46; 51B-151.67; 51B-167.80, xe có nốt tài lúc 18h đi bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột nhưng từ tháng 3/2022 đến nay xe không vào bến. Đối với nốt tài bến xe Ngã Tư Ga - Bến xe Cư Kiun chạy đủ.
Tuy nhiên, đối với pháp nhân Hợp tác xã (HTX) Vận tải Cơ giới 10/3, mỗi tháng xe xuất bến Đắk Lắk đi TP.HCM và ngược lại hơn 100 chuyến nhưng xe lúc vào bến, lúc không. Số liệu cho thấy, số chuyến xe xuất bến tại bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột thường xuyên chênh lệnh với số chuyến xe tại bến xe Ngã Tư Ga.
Chỉ tính riêng trong tháng 7/2022, tại bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột nhà xe Tiến Oanh kí lệnh xuất bến 66 chuyến, trong khi đó tại bến xe Ngã Tư Ga chỉ có vỏn vẹn 6 chuyến, còn lại là những chuyến xe chạy dù.
Mặc dù, xe Tiến Oanh chỉ vào bến và được bến xe Ngã Tư Ga kí lệnh xuất bến có 6 chuyến xe gồm: 47B-022.14 (1 chuyến), 47B-023.66 (1 chuyến), 47B-023.95 (4 chuyến). Tuy nhiên, thực tế trong 60 chuyến xe chạy dù, không có chiếc nào vào bến nhưng vẫn có lệnh xuất bến của bến xe Ngã Tư Ga nộp về cho HTX.
Đơn cử, trong lệnh vận chuyển ngày 4/7/2022 của chiếc xe 47B-022.14 xuất bến tại bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột lúc 9h15, được bến kí, đóng dấu. Bến đến là bến xe Ngã 4 Ga lúc 17h cùng ngày, có chư kí và đóng dấu “CTY BẾN BÃI VẬN TẢI SÀI GÒN - ĐỘI BẢO VỆ” và kí lệnh bến tại Ngã Tư Ga đi bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột lúc 21h, có chữ kí và đóng dấu “CTY BẾN BÃI VẬN TẢI SÀI GÒN - ĐỘI ĐIỀU HÀNH”.
Ngoài ra, trong các lệnh xuất bến khác của các xe 47B-023.44, 47B-023.95, 47B-22.33 từ ngày 1 đến ngày 8/7 đều có chữ kí và đóng dấu tương tự. Tuy nhiên, theo bến xe Ngã Tư Ga, những chiếc xe trên không vào bến và bến không kí bất kì tờ lệnh xuất bến nào cho các xe trên.
Giám đốc bến xe Ngã Tư Ga khẳng định nhà xe Tiến Oanh (thuộc HTX Vận tải Cơ giới 10/3) sử dụng con dấu giả, kí lệnh xuất bến giả của bến xe Ngã Tư Ga. Ảnh: Hoàng Yến
Ông Trịnh Tuấn Hùng, Giám đốc Bến xe Ngã Tư Ga (TP. HCM) cho biết: “Danh sách tháng 7 xe Tiến Oanh chỉ vào bến kí lệnh có 6 chuyến xe, nếu bến xe phía Nam đã kí 66 chuyến Đắk Lắk đi TP.HCM thì 60 chuyến còn lại nhà xe Tiến Oanh chạy dù bên ngoài. Nếu đúng xe không vào bến, chạy dù nhưng vẫn có lệnh xuất bến, có dấu của bến thì hoàn toàn là dấu giả”.
“Những chiếc xe không vào bến, bến không kí lệnh và không đóng dấu xuất bến. Nhìn con dấu trong lệnh xuất của những chiếc xe chạy dù đúng là dấu giả. Từ năm 2021, bến xe không dùng con dấu “ĐỘI BẢO VỆ” để đóng xác nhận bến đến nữa. Ngoài ra, con dấu thật của “ĐỘI ĐIỀU HÀNH” có kí hiệu riêng và khác hoàn toàn với con dấu có trong lệnh của nhà xe Tiến Oanh”, ông Hùng khẳng định
Cũng theo ông Hùng, ngày đêm xe Tiến Oanh có 3 nốt tài hoạt động tại bến, nhưng toàn bộ chạy dù. Trước đây, nhà xe này cũng vào bến rất ít, còn trong tháng 7 chỉ vào có 6 chuyến. Đúng ra, nếu bến xe kí lệnh 66 chuyến thì đến bến Ngã Tư Ga cũng 66 chuyến. Tuy nhiên, nhiều xe chạy xuống không vào bến, không cần đóng lệnh. Ban đêm xe chạy xuống không vào bến mà đi trả khách khắp thành phố rồi chạy thẳng về nhà xe.
Nhà xe Tiến Oanh hoạt động từ sáng đến khuya, vận chuyển khách tuyến cố định Đắk Lắk - TP.HCM nhưng thường xuyên lập "bến cóc" đón khách, chạy dù. Ảnh: Hoàng Yến
Ông Võ Trường Huy, Giám đốc HTX Cơ giới 10/3 cho biết: “HTX 10/3 có 6 xe của nhà xe Tiến Oanh chạy bến phía Nam Buôn Ma Thuột đi bến xe Ngã Tư Ga, với 2 nốt tài, một tháng 60 chuyến. Đúng quy định thì xuống 60 chuyến về 60 chuyến. Nhà xe vẫn đưa lệnh về cho HTX vẫn có dấu đủ. Còn nhà xe chạy như thế nào, dấu giả, lệnh giả thì HTX không thể biết được vì người ta xài thì không dám nói cho mình biết. Tuy nhiên, nhà xe Tiến Oanh là xã viên của đơn vị, đơn vị cũng có một phần trách nhiệm”.
“Ông Hải (ông Nguyễn Thanh Hải, quản lý nhà xe Tiến Oanh-PV) chạy kiểu này là chết rồi. Khi HTX nghe phong phanh bên Tiến Oanh chạy lệnh đóng dấu giả, tôi liên hệ bến xe Ngã Tư Ga mới biết tháng 7 xe chạy có 6 chuyến. HTX không ngờ xe chạy kiểu này, HTX sẽ tiếp thu và chấn chỉnh nếu nhà xe cứ như vậy thì buộc đơn vị phải cho ra khỏi HTX chứ không cần cơ quan chức năng vào cuộc”, ông Huy khẳng định
Ông Từ Xuân Hòa, Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết: “HTX Cơ giới 10/3 để nhà xe đóng dấu giả là trách nhiệm thuộc về HTX. Hợp tác xã phải có trách nhiệm, phải quản lý việc này. Lệnh giả, đóng dấu giả là rất nặng, có thể vi phạm pháp luật vì sử dụng con dấu. Phòng tiếp thu phản ánh và sẽ tham mưu đề nghị Sở chỉ đạo lực lượng TTGT phối hợp để kiểm tra, xử lý. Nếu nghiêm trọng, Sở sẽ thu Giấy phép kinh doanh của đơn vị”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận