Coi thường tính mạng hành khách
Liên quan đến tình trạng loạt xe khách tuyến Hà Nội - Hà Giang lập bến cóc chở khách mà Báo Giao thông đã phản ánh trong bài viết “Loạt xe khách tuyến Hà Nội - Hà Giang lập “bến cóc” chở khách đăng ngày 13/12, theo ghi nhận của PV, những nhà xe như Quang Nghị, Ngọc Cường còn vi phạm loạt quy định pháp luật về TTATGT, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
Chiếc xe trung chuyển BKS 29U - 2503 của nhà xe Quang Nghị sập xệ, mất ATGT, cả quá trình di chuyển không thể đóng được cửa
Cụ thể, dù đăng ký phù hiệu xe hợp đồng, nhà xe Quang Nghị lại sử dụng xe trung chuyển trái phép bởi theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP, vận tải trung chuyển hành khách là hoạt động vận tải không thu tiền do doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định sử dụng xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở xuống (kể cả người lái xe) để đón, trả khách đi các tuyến vận tải khách cố định của đơn vị mình đến bến xe khách hoặc điểm dừng đón, trả khách của tuyến cố định trên địa bàn địa phương hai đầu tuyến.
Đáng chú ý, xe trung chuyển BKS 29U - 2503 mà nhà xe này sử dụng để đón, trả khách lòng vòng ở TP Hà Giang lại là loại 29 chỗ ngồi, đã có 18 năm hoạt động tính từ năm sản xuất 2004.
Đến nay, chiếc xe đã sập xệ, tồi tàn, cũ rích khi được hoán cải có bậc gỗ ngay phía dưới hàng ghế dài cuối cùng của xe, giá để đồ hành khách phía trên bung ốc, lơ lửng phía trên đầu hành khách mỗi khi xe di chuyển kêu inh ỏi, rung bần bật khiến nhiều hành khách lo lắng.
Chưa kể, cả quá trình chở khách từ văn phòng vào nội thành TP Hà Giang tối 9/12, cửa xe không thể đóng lại, nhân viên của nhà xe còn nói thẳng với hành khách “cửa không đóng được”, trong khi chiếc ghế đơn cuối cùng bên phải xe có khoảng cách với ghế trước quá nhỏ, không hành khách nào có thể len chân ngồi vào được.
Theo thông tin của Báo Giao thông, chiếc xe này lại mới được kiểm định vào ngày 16/11/2022 tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 2301S (Hà Giang) sau gần 1 năm không hoạt động (không thực hiện đăng kiểm).
Video bên trong chiếc xe trung chuyển cũ nát của nhà xe Quang Nghị tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT
Trong khi đó, nhà xe Ngọc Cường lại sử dụng xe trung chuyển BKS 29B - 171.58 loại 29 chỗ ngồi cũng không có phù hiệu xe trung chuyển, không đúng theo quy định (xe trung chuyển là loại xe dưới 16 chỗ ngồi) để đưa đón khách từ TP Hà Giang đến văn phòng ở khu vực cầu Mè và ngược lại.
Việc sử dụng xe trung chuyển trái quy định đón/trả khách sai quy định, không được quản lý chặt chẽ, đặc biệt sử dụng xe kém chất lượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT cho hành khách đã thể hiện sự coi thường tính mạng khách hàng của những nhà xe này.
Chưa hết, việc xếp 2 hành khách trên cùng 1 cabin, theo lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội cho biết cũng làm tăng nguy cơ mất ATGT của phương tiện trong quá trình di chuyển do làm lệch trọng tâm, mất cân bằng của xe, đặc biệt khi di chuyển trên đường đồi núi, nhiều khúc cua sẽ khiến lực li tâm, trọng tâm xe thay đổi không còn đúng theo thiết kế của nhà sản xuất dựa trên tính toán khi xếp “tải” cân bằng và đủ “tải” trên các cabin.
Việc xếp 2 người 1 cabin và thu giá vé 550.000 đồng/cabin/2 người còn vi phạm nghiêm trọng quy định về niêm yết giá vé của xe tuyến cố định, bởi theo vé niêm yết nhà xe đưa cho hành khách chỉ có duy nhất 1 giá vé 350.000 đồng/cabin cho hành trình từ bến xe Nam TP Hà Giang - bến xe Mỹ Đình.
Nhà xe Ngọc Cường xếp 2 khách trên cùng 1 cabin, sai quy định cho phép chỉ 1 người 1 cabin cũng tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT
Lách luật tinh vi
Ghi nhận của PV trong 2 ngày liên tiếp 12 và 13/12, chiếc xe hợp đồng trá hình tuyến cố định BKS 23F - 000.42 của nhà xe Quang Nghị liên tục thay đổi phương thức đón khách và cung đường di chuyển hòng qua mặt lực lượng chức năng.
Cụ thể, khoảng 12h30 trưa 12/12, khi di chuyển từ đường Nguyễn Hoàng (vị trí xe thường xuyên đỗ trong lúc chờ đến giờ chạy) ra nơi đón khách, chiếc xe này đã bị tổ công tác Đội CSGT số 6 Phòng CSGT Công an TP Hà Nội dừng xe kiểm tra, tuy nhiên trên xe chưa có khách, tài xế xuất trình đầy đủ giấy tờ nên tổ công tác tiếp tục cho xe di chuyển.
Lúc này, thay vì đến điểm đón khách bên hông nhà hàng Hoa An Viên và sử dụng xe trung chuyển đưa khách đến đây như PV đã ghi nhận vào ngày 9/12, chiếc xe này lại chạy vòng ngược về đường Nguyễn Hoàng hướng về bến xe Mỹ Đình rồi rẽ phải vào đường Trần Bình đến văn phòng tại số 1 đường Mỹ Đình đón khách khiến con phố nhỏ phía sau bến xe bị ùn tắc.
Khi đã đón đủ khách, tài xế cho xe chạy thẳng ra đường Nguyễn Hoàng - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng rồi lên đường trên cao đi thẳng về Hà Giang.
Chiếc xe trá hình tuyến cố định chạy từ đường Nguyễn Hoàng vào Trần Bình - đường Mỹ Đình đón khách ở văn phòng số 1 đường Mỹ Đình
Nhận phản ánh của PV Báo Giao thông, tối cùng ngày tại TP Hà Giang, tổ liên ngành Thanh tra giao thông và CSGT Hà Giang đã tiến hành kiểm tra chiếc xe này cùng xe trung chuyển 29U - 2503. Tuy nhiên, khi đề nghị cung cấp thông tin kết quả xử lý, lãnh đạo Thanh tra giao thông Sở GTVT Hà Giang cho biết sẽ kiểm tra và thông tin lại.
Trưa ngày 13/12, hình ảnh chiếc xe “Cung điện di động” màu xanh tiếp tục án ngữ trên đường Nguyễn Hoàng bốc xếp hàng. Đến đúng 12h30, chiếc xe này di chuyển đến số 1 đường Mỹ Đình đón khách lên xe nhưng thay đổi lộ trình so với 2 hôm trước, khi cho xe vòng ngược lại trên đường Nguyễn Hoàng, dừng lại chừng 5 phút rồi đi thẳng, rẽ phải ra đường Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu - Phạm Văn Đồng.
Tại khu vực trước cổng trường Đại học Ngoại ngữ (trên đường Phạm Văn Đồng), chiếc xe này được tổ công tác Đội CSGT số 6 (Hà Nội) yêu cầu dừng xe kiểm tra.
TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH, Đại biểu Quốc hội khóa XIV từng chia sẻ trong một cuộc toạ đàm về xe dù, bến cóc tổ chức gần đây, tình trạng xe dù, bến cóc là do hội chứng lợi ích.
Rõ ràng đây là hiện tượng tiêu cực, là hành vi trái pháp luật diễn ra giữa ban ngày mà chúng ta không xử lý được thì lỗi này thuộc về toàn bộ hệ thống chính trị chứ không thể chỉ đổ lỗi cho các nhà xe hay trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Tài xế Ma Trọng Phương (SN 1989) xuất trình giấy tờ bao gồm giấy tờ xe, bằng lái xe, lệnh vận chuyển xe hợp đồng, hợp đồng xe của khách hàng Lê Trần Tiến (TP. Hà Giang) với Hợp tác xã vận tải Hồng Hà (Hà Nội) và danh sách hành khách gồm 15 người được viết tay.
Kiểm tra khoang hành khách, tổ công tác xác định đủ số người ghi trong danh sách, tuy nhiên chưa liên thông cơ sở dữ liệu nên không xác minh được danh sách có trùng khớp với danh sách nhà xe này gửi về Sở GTVT hay không.
Đáng chú ý, khi lực lượng chức năng lên xe, hành khách di chuyển nhốn nháo và ngạc nhiên thay mỗi người một cabin theo đúng quy định về xếp khách.
Thậm chí, quá trình làm việc, tài xế và phụ xe còn cho biết, tối 12/12 đã bị tổ công tác ở Hà Giang kiểm tra nên nhân viên nhà xe được chủ xe nhắc nhở phải làm “chuẩn chỉ”.
Trước sự lách luật tinh vi của nhà xe này, tổ công tác Đội CSGT số 6 (Hà Nội) chỉ lập được lỗi vi phạm “Dừng xe nơi có biển cấm đỗ xe và dừng xe” và tạm giữ GPLX hạng E của tài xế Phương.
Trong khi trước đó, PV gọi điện đến số điện thoại nhà xe này đặt xe đi Hà Giang trong cả 2 ngày 12/12 và 13/12 đều được xác nhận đặt chỗ lẻ, chở khách như tuyến cố định.
Xe khách Ngọc Cường trả khách tại văn phòng ngay cổng bến xe Mỹ Đình lúc 4h sáng ngày 10/12
Bởi theo quy định tại Nghị định 10, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); Không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức,…
Việc liên tiếp bị lực lượng chức năng kiểm tra nhưng không xử được “đến nơi đến chốn”, xử nghiêm đúng lỗi, đủ lỗi vi phạm do sự lách luật tinh vi của các nhà xe cho thấy những lỗ hổng trong quy định kiểm soát các loại hình vận tải hiện nay. Đặc biệt, điều này vô tình “dung túng” cho các nhà xe tiếp tục tái phạm, “nhờn luật”, khiến công tác đấu tranh “xe dù bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định, xe khách bỏ bến như một vòng luẩn quẩn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận