70 năm truyền thống ngành GTVT

Xẻ rừng tìm đường giữa vòng vây “sốt rét”

14/05/2015, 18:08

Đội Khảo sát thiết kế Ban Xây dựng 67 âm thầm “đi trước mở đường” giữa vòng vây của kẻ địch

162

Vạch tuyến mở đường phục vụ vận chuyển chi viện miền Nam đánh thắng giặc Mỹ - Ảnh: Tư liệu

Đội Khảo sát thiết kế Ban Xây dựng (XD) 67 âm thầm “đi trước mở đường” giữa vòng vây của kẻ địch và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, xây dựng tuyến tránh quan trọng nằm ở phía Tây Quảng Bình, góp phần làm nên thắng lợi chiến dịch 1972 và cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.

Vượt lũ, xẻ rừng

Giờ ông Võ Khắc Mai, nguyên Đội trưởng Đội Khảo sát thiết kế (KSTK) Ban XD 67 đã là một cán bộ lão thành sống ở “làng giao thông” yên tĩnh trên đường Trần Cao Vân (Đà Nẵng). Xấp xỉ bát tuần, ông Mai vẫn tham gia làm Trưởng ban Công tác mặt trận khối phố và hào hứng nhớ về thế hệ KSTK một thời lửa đạn.

Năm 1968, Ban XD 67 thành lập Đội KSTK. Ông Mai được tin tưởng đảm trách chức Đội trưởng. Trước đó, từ tháng 4/1967, do yêu cầu nhiệm vụ mở đường vòng tránh các trọng điểm địch thường xuyên đánh phá trên các tuyến chiến lược miền Tây Quảng Bình, Ban đã thành lập Công trường 68, Công trường 69, bốn đội cơ giới ở bốn hướng vượt khẩu, một xưởng sửa chữa cơ khí và một đội vận tải; đồng thời tách Công trường 25 thành Đội Công trình 1 và Đội Công trình 2.

Sang năm 1970, Ban XD 67 tiếp tục di chuyển vào Ngọn Rào, Đội KSTK cũng rút vào Cây Lim thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách cơ quan Ban XD 67 khoảng 3 km. Nhiệm vụ của Đội lúc này là tiếp tục KSTK nâng cấp các tuyến đường 12, 20, 10 và 15 theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi. Nối dài đường 10, đường 15 đến đông Xê-băng-hiêng. Từ Km72 đường 10 làm một đường xương cá thông sang đường 16 phục vụ Công trường 71; mở rộng và rải nhựa các tuyến đường phục vụ cho vận tải quân sự chuẩn bị chiến dịch 1972 và Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 sau này.

Mới thành lập, lực lượng ít ỏi, Đội KSTK Ban XD 67 đã nhận nhiệm vụ đánh giá lại tuyến tránh Rào Tre – Khe Trạ. Tuyến này nối từ Km14 Đường 20 Quyết Thắng xuyên qua khu vực núi đá Kẻ Bàng thượng nguồn động Phong Nha để đến Khe Trạ tại chân đèo Đá Đẽo (đường 15 thuộc địa phận Quảng Bình). Mục đích tuyến này là tránh phà Xuân Sơn, một trong những trọng điểm đang bị địch đánh phá ác liệt hòng cắt đứt đường tiếp tế vào Nam.

“Ba ngày thị sát, chúng tôi nhận thấy tuyến đường chưa thể thông xe vì có 7 điểm khống chế địa hình, cần phải có một lực lượng khảo sát có kinh nghiệm và mất ít nhất 6 tháng mới tìm được tuyến hợp lý”, ông Mai nhớ lại. Ngay sau đó, Đội KSTK tiếp tục nhận nhiệm vụ thị sát tuyến tránh phà Đại Lợi, Lục Yên, đường tránh vào lâm trường Chúc A; thị sát các đường 15, 10, 20 để chuẩn bị khảo sát đường tránh các trọng điểm địch đánh phá.

Đến tháng 7/1968, 20 cán bộ kỹ thuật trung, cao cấp do đồng chí Lưu Bân, kỹ sư cầu ở Liên Xô về dạy Trường Đại học Giao thông được tăng cường vào Ban XD 67 làm tổ trưởng. Đội được trang bị thêm bốn máy kinh vĩ, bốn máy thủy bình, 8 máy Cô-li-ma-tơ nhận nhiệm vụ KSTK kỹ thuật hai tuyến tránh quan trọng nằm ở phía Tây Quảng Bình.

Ông Mai hồi tưởng lại: “Anh em bày cách vạch tuyến trên bản đồ quân sự bằng nhiều cách, trong đó có cả thị sát bằng mắt thường, cắm tuyến sơ bộ bằng Cô-li-ma-tơ, đo đạc kỹ thuật bằng máy hiện đại, thể hiện địa hình… Đồng chí Bân ghi chép rất cẩn thận và thực hiện nhanh chóng”, ông Mai cho biết. Nhờ vậy mà chỉ sau hai tháng, công tác lấy số liệu ở hiện trường đã thực hiện được 15 km chuẩn bị cho việc cắm tuyến kỹ thuật chính thức ở hiện trường. Cũng vừa lúc ấy, bệnh sốt rét đã quật ngã cả Tổ Khảo sát 2”.

Trong "vòng vây" sốt rét

Ông Võ Khắc Mai kể, đầu tháng 9/1968, một trận mưa lũ lớn bất ngờ ập đến làm anh em Tổ Khảo sát 1 đi lấy gạo từ Binh trạm 12 về bị ngập hoàn toàn trong nước mấy ngày liền. Anh em lại gặp “đại nạn” sốt rét. Tổ Khảo sát 2 có 22 người thì bị sốt rét mất 20 người. Nhiều người bệnh nặng nôn cả mật xanh mật vàng. Đau quá, đồng chí Bân kêu tôi “nhổ giùm mấy cái răng”. Tôi luôn miệng cố động viên anh Bân.

Nén xúc động, ông Mai kể tiếp: “Còn đồng chí Kiệt đêm hôm đó do khát nước quá, tôi phải cho anh em dùng chăn che chắn nấu một ít nước cho đồng chí Kiệt uống, vì sợ nấu ban đêm có ánh lửa địch phát hiện bắn chết. Uống xong, một tiếng sau tôi nghe tiếng sột soạt, kiểm tra thì thấy đồng chí Kiệt đang bò dưới suối lên. Khát quá sợ làm phiền anh em, đồng chí ấy tự bò xuống suối uống nước lã”.

Hôm sau, ông Mai cho bốn đồng chí chưa bị sốt và cô y tá khiêng đồng chí Kiệt vượt đường rừng sang Trạm xá của Đội TNXP 89. Nhưng chiều hôm ấy, chỉ một người về được, số còn lại bị “dính” sốt rét luôn. Túi thuốc của Tổ cũng ở lại bên Đội TNXP 89 cùng cô y tá. Éo le hơn, hai đồng chí đem 10 cân gạo đi đổi được 10 cân rau muống về đến nơi cũng sốt. Cả tổ thành “bệnh xá”, nhưng không thầy, không thuốc. Kể đến đây, giọng ông Mai chùng xuống: “Ngày hôm sau, tôi lặng người nghe tin báo đồng chí Kiệt đã chết sau khi lên cơn ác tính...”.

Ông Mai chống gậy ra đường giao liên, gặp ai mang túi thuốc vội nhờ vào khám bệnh, cứu chữa. Chừng hai tuần, trong lần ra đường giao liên, ông Mai gặp Bì, một người quen từng ở với ông trên Yên Bái, giờ là Đại đội trưởng thông tin phụ trách đoạn này. Ông Mai nhờ Bì “nối dây” nói chuyện với Tổng cục Tiền phương, xin gặp đồng chí Phan Trầm, Trưởng Ban XD 67 báo cáo rõ tình hình nguy cấp của anh em. “Ngay đêm đó, đồng chí Trầm cho xe vào đưa 4 đồng chí bị sốt rét nặng nhất ra ngoài”, ông Mai kể.

Giữa vòng vây sốt rét, ông Mai cùng anh em cố hoàn thành tài liệu KSTK và hiện trường. Một tuần sau, một Trung đoàn bộ đội vào nhận bàn giao tài liệu. “Tôi bàn với đồng chí Tham mưu trưởng nhận hồ sơ thiết kế sơ bộ rồi tôi dẫn đường đi dọc tuyến, đến đâu phát rộng và san đắp theo đường đỏ trên bản vẽ. Sau nửa tháng tôi đi bàn giao được 30 cây số, khi quay ra thì đường tránh này cũng đã thành hình”, ông Mai nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.