Sáng sớm tinh mơ, khi bầu trời Hà Nội vẫn còn đang nhập nhoạng cũng là lúc chị Yến mang thúng xôi lên dọc chợ Phú Gia (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) để phục vụ thực khách.
"Tôi là người Phú Thượng, đã ăn xôi Phú Thượng một lần, khách thấy ngon sẽ quay lại", chị Yến tự tin nói.
Những năm trước, chị Yến bán xôi rong, nhưng đã có rất nhiều khách hàng quen. "Góc phố đó có hàng xôi cố định nhưng nhiều người vẫn chờ tôi chạy xe qua rao bán xôi để mua, họ nói ăn xôi Phú Thượng quen rồi", chị Yến kể và chia sẻ, vài năm trở lại đây, do tuổi cao hơn, chị chọn bán xôi cố định ở một góc vỉa hè chợ Phú Gia cho đỡ vất vả.
Khoảng 7h sáng, thúng xôi gần 30kg của chị Yến đã được bán gần hết. Người mua xôi của chị Yến đủ thành phần, từ nhân viên văn phòng, đến người lao động cho đến các em học sinh.
"Xôi Phú Thượng thơm và dẻo. Tôi mua xôi rồi đi gần 30 phút mới tới cơ quan nhưng gói xôi vẫn nóng và dẻo thơm", chị Vân, một khách hàng quen của chị Yến chia sẻ.
Ở Phú Thượng, gần như dân làng ai cũng biết thổi xôi. Hiện ở làng có khoảng 600 hộ gia đình đang "thổi lửa" nấu xôi đưa tới khắp Hà Nội. Gánh xôi đời người của các mẹ, các chị không chỉ giúp mỗi gia đình của làng Gạ xưa qua cơn đói kém, xôi Phú Thượng ngày nay còn giúp người dân mưu sinh, làm giàu.
Chị Sinh – một trong tám nghệ nhân nấu xôi giỏi vừa được vinh danh tại Lễ hội đình Phú Gia Xuân Giáp Thìn 2024 với gần 30 năm gắn bó với nghề được truyền từ mẹ chồng để lại. Chị Sinh cho biết, để nấu được nồi xôi thơm ngon, những yếu tố như nguyên liệu (gạo, đỗ, nước và con người) là quyết định.
"Gạo đồ xôi phải là gạo nếp cái hoa vàng, hoặc nếp nương, hạt gạo cần phải tròn, mẩy, đều, khi ngâm rửa với nước thì cần phải khéo léo để hạt gạo không bị nát, bị vỡ. Lúc vẩy một cái là hạt gạo sẽ trôi đi ngay không còn bám lại trên tay đó mới chính là một hạt gạo nếp cái hoa vàng ngon", chị Sinh bật mí.
Một bí kíp người dân Phú Thượng tin tưởng là xôi muốn ngon phải nấu bằng nguồn nước của làng Phú Thượng. "Có lần về quê bạn ở Bắc Ninh chơi, tôi mang đúng loại gạo nếp thường nấu về đồ xôi nhưng không ngon được bằng nấu ở nguồn nước giếng tại làng", chị Sinh kể.
Về cách nấu, theo chị Sinh, xôi ngon phải qua 2 lửa, lần 1 thổi chừng khoảng 60 phút, đạt độ chín khoảng 80% rồi đổ ra rổ (lót khăn mỏng), lấy đũa đảo đều cho thoát hơi, 3 tiếng sau mang ra vẩy qua nước, bóp đều sau đó đồ lại lần nữa đến khi chín. Có như vậy, xôi mới chín thấu, dẻo lâu, không bị cứng.
Chị Sinh chia sẻ rằng hiện nay xôi làng Phú Thượng có 7 đến 8 loại như: xôi lạc, đậu xanh, xôi ngô, xôi gấc, xôi xéo. Mỗi loại là có một công thức nấu khác nhau.
"Khi gạo nếp kết hợp với các nguyên liệu khác, tạo nên nhiều vị khác nhau, từ xôi gấc đỏ tươi, xôi lá dứa xanh thơm mát đến xôi xéo bùi ngậy quyến rũ… Trăm gói xôi mang đến trăm vị lạ lôi cuốn thực khách từ cả mùi hương lẫn độ đậm đà khiến cho ai đã ăn là khó có thể chối từ", chị Sinh nói.
Trong hành trình đưa "thức quà sáng" đến với nhiều nơi, nhiều sự kiện ở Thủ đô cũng như các tỉnh khác, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, Phó chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng vẫn ấn tượng với sự kiện xôi Phú Thượng phục vụ thực khách ở Trung tâm Báo chí trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra năm 2019.
"Trước khi diễn ra sự kiện một ngày, tôi nhận được cuộc gọi của lãnh đạo phường thông báo xôi Phú Thượng sẽ là 1 trong 9 món ăn phục vụ tại Trung tâm Báo chí trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra năm 2019. Lúc đó tôi và các nghệ nhân cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi. Sau khi bàn bạc thống nhất thì tôi và một nghệ nhân nữa được lựa chọn để nấu xôi phục vụ Hội nghị", bà Tuyến nhớ lại.
Bà Tuyến cho biết, xôi ngũ sắc, xôi xéo, xôi vò và xôi chè hoa cau là những món được bà nấu để phục vụ thực khách tại Hội nghị thượng đỉnh.
"Mỗi ngày chúng tôi phục vụ gần 1 tạ xôi phục vụ thực khách tại Trung tâm báo chí của hội nghị. Về cách thức nấu xôi phục vụ tại hội nghị, chúng tôi cũng lựa chọn từ nguyên liệu là gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, ruốc ngon… như bán ngày thường. Nhưng với sự kiện tầm cỡ quốc tế, nên tôi phải đặc biệt chú trọng, tỉ mỉ trong từng khâu, không để một lỗi sơ suất dù là nhỏ nhất, vì đây là sự kiện thể hiện bộ mặt quốc gia, đem xôi Phú Thượng đến với bạn bè quốc tế", bà Tuyến tự hào chia sẻ.
Trong các ngày phục vụ tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, bà Tuyến cho biết, xôi Phú Thượng được nhiều phóng viên quốc tế cũng như trong nước lựa chọn và đánh giá cao về hương vị và cách trưng bày.
"Không chỉ ăn vào buổi sáng, nhiều phóng viên lựa chọn xôi cho cả bữa trưa. Nhiều bạn phóng viên ở châu Âu và cả châu Á (nơi nhiều nước cũng có món xôi) tấm tắc khen ngon. Tôi nghe các bạn phiên dịch nói lại, các bạn phóng viên nước ngoài rất ấn tượng và thích thú khi thưởng thức xôi Phú Thượng, đặc biệt là món xôi xéo", bà Tuyến nói.
Là người đưa tin sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019 tại Việt Nam, anh Jaehyeong (phóng viên quốc tế) cho biết, tại sự kiện này anh được thưởng thức nhiều đặc sản của Việt Nam. Nhưng đối với anh, xôi Phú Thượng là món ăn để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất.
"Trong các ngày đưa tin tại sự kiện, tôi thường lựa chọn món xôi ở bữa sáng. Tôi rất ấn tượng với món xôi này, vì mùi thơm đặc trưng khó cưỡng, những hạt xôi dẻo và bùi", anh Jaehyeong chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tuyến cho biết, khi chưa thành lập Hội Làng nghề truyền thống Xôi Phú Thượng thì "ai mạnh người đấy làm". Nhưng từ khi thành lập Hội Làng nghề cùng với đó là sự quan tâm của chính quyền địa phương thì công tác quảng bá đặc sản xôi đc chú trọng và làm bài bản hơn.
Nhớ về những ngày đầu thành lập Hội Làng nghề, những nghệ nhân và những gia đình đã bỏ công, sức để đi quảng bá ở các sự kiện hội chợ, triển lãm ẩm thực, văn hóa trong và ngoài Thủ đô Hà Nội.
"Lúc đầu cũng có nhiều khó khăn, như chưa nhiều người biết đến xôi Phú Thượng hay gặp phải thời tiết mưa gió, sản phẩm mang đi phục vụ sự kiện bị hỏng phải bỏ đi. Lúc đó không có kinh phí, nên mọi người trong hội phải cùng nhau phải chia nhau tự đóng góp. Rồi sự yêu nghề, sự tự hào và sự tự tin về xôi Phú Thượng đã giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn đó", bà Tuyến hồi tưởng.
Ngày 30/12/2016, UBND TP Hà Nội chính thức công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng. Từ đó, danh tiếng của xôi Phú Thượng cũng được bay xa và cao hơn, cơ quan ban ngành cũng có sự quan tâm để giúp phát triển, quảng bá xôi Phú Thượng đến với thực khách trong và ngoài nước.
Năm 2019, Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu xôi Phú Thượng. Xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP của TP Hà Nội.
Và sau bao nhiêu cố gắng của nhân dân làng nghề truyền thống và sự vào cuộc sát sao của các cấp chính quyền, đầu năm 2024 vừa qua, nghề xôi Phú Thượng chính thực được điền tên vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
"Đây là niềm vinh dự không chỉ với người dân làng nghề xôi Phú Thượng mà còn cả của quận Tây Hồ và TP Hà Nội. Để xứng danh với di sản, chúng tôi và các nghệ nhân, người dân làng nghề luôn cố gắng, nỗ lực để xôi Phú Thượng ngày càng "bay xa, bay cao" thông qua việc quảng bá hình ảnh cùng với đó là ngày càng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm từ xôi", Bà Bùi Thị Lan Phương, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận