Với việc Zalo hoạt động không phép trong thời gian dài và nhiều lần bị xử phạt nhưng không khắc phục, sửa chữa, luật sư cho rằng, nếu cơ quan chức năng chỉ ra quyết định xử phạt hành chính và thu hồi tên miền là chưa thỏa đáng.
Chốt hạn cuối cho Zalo tới đầu tháng 8
Chiều 30/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Thanh tra Sở TT&TT TP HCM cho biết, đến nay Công ty CP VNG vẫn chưa thực hiện các thủ tục để đăng ký hoạt động mạng xã hội cho Zalo. “Tại Việt Nam, tất cả các mạng xã hội đều phải đăng ký hoạt động, chỉ riêng Zalo thì phớt lờ. Nếu như tới đầu tháng 8 VNG không thực hiện các thủ tục đăng ký mạng xã hội Zalo thì thanh tra sẽ thu hồi hai tên miền zalo.vn và zalo.me”, vị đại diện nói và cho biết, thủ tục đăng ký hoạt động mạng xã hội được thực hiện tại Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT). Tuy nhiên, theo quy định, do VNG đặt trụ sở hoạt động trên địa bàn nên Sở TT&TT TP HCM chịu trách nhiệm quản lý.
Được biết, Thanh tra Sở TT&TT đã 2 lần xử phạt (một lần năm 2018 và một lần vào ngày 27/6/2019) đối với Zalo vì hoạt động không phép, sau đó mới có hình phạt bổ sung là thu hồi tên miền từ ngày 19/7, nhưng rồi lại cho lùi lại để VNG làm các thủ tục đăng ký. “Cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện tối đa cho mạng xã hội Việt Nam phát triển nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật. Lần này chúng tôi kiên quyết làm nghiêm, nếu Công ty CP VNG không đăng ký, chúng tôi sẽ thu hồi hai tên miền đó”, đại diện Thanh tra Sở TT&TT TP HCM khẳng định.
Liên quan tới nội dung quản lý mạng xã hội, vị đại diện cho biết, tất cả dựa trên hồ sơ đăng ký hoạt động của đơn vị cung ứng. Cụ thể, trong trường hợp của Zalo, VNG phải làm một bộ hồ sơ đăng ký hoạt động mạng xã hội với những nội dung hoạt động cụ thể. Hồ sơ này sẽ được Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử thẩm định và phê duyệt trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành. Những nội dung nào phù hợp sẽ được cấp phép hoạt động, nội dung nào chưa phù hợp sẽ xem xét, thậm chí sẽ bị loại bỏ. Khi đã được cấp phép, Sở TT&TT địa phương căn cứ vào đó để quản lý chuyên ngành. “Nếu phát hiện Zalo hoạt động ở những nội dung mà không có trong đăng ký, cơ quan chức năng sẽ giám sát và nhắc nhở, nếu không chấp hành sẽ có biện pháp xử lý”, vị đại diện dẫn giải.
Lật lại quá trình hoạt động 7 năm không phép của Zalo, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á (Sealaw) nhận định, nếu cơ quan chức năng chỉ ra quyết định xử phạt hành chính và thu hồi tên miền là chưa thỏa đáng.
Theo luật sư, không chỉ có tính năng kết nối, thu thập, lưu trữ dữ liệu của hàng chục triệu người dùng, Zalo còn tích hợp cả tính năng thanh toán ví điện tử, thương mại điện tử… Xét cho cùng, việc mạng xã hội này hoạt động không phép trong cả thời gian dài rất nguy hiểm cả về an ninh chính trị xã hội lẫn an toàn bảo mật cá nhân. Việc xử phạt hành chính và quyết định bổ sung thu hồi tên miền của Zalo là chưa thỏa đáng.
“Các cơ quan chức năng cần yêu cầu đơn vị quản lý mạng xã hội này có biện pháp khắc phục lỗi đã gây ra kể từ thời gian bắt đầu hoạt động. Nếu không khắc phục được thì ngay cả khi đã xin được giấy phép cũng vẫn phải tạm dừng hoạt động”, ông Thuật phân tích.
Cơ chế giám sát mạng xã hội
Liên quan tới hệ thống pháp luật quản lý mạng xã hội, luật sư Thuật nhận định, mặc dù chế tài tương đối đầy đủ song cơ chế giám sát lại chưa chặt chẽ, xử lý kiểu “cho có lệ”. “Không kể tới người dân thường, hầu như tất cả cán bộ quản lý Nhà nước hiện đều có tài khoản Zalo vậy mà suốt 7 năm nay không ai biết nó hoạt động có phép hay không phép?”, ông Thuật đặt vấn đề.
Về quy định bảo đảm an toàn thông tin, ông Thuật cho biết: Luật An toàn thông tin mạng dành hẳn 1 chương quy định bảo đảm an toàn thông tin cá nhân của người sử dụng. Không phân biệt ứng dụng hay mạng xã hội, bất cứ doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ cho người dùng mà có thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin cá nhân của người dùng đều phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin. Tuy nhiên, lại chưa rõ quy định lắp đặt, quản lý máy chủ (server) của các mạng xã hội như thế nào.
“Không ai biết mạng xã hội đã thu thập dữ liệu gì của người dùng và sử dụng dữ liệu đó ra sao. Liệu có chuyện họ thu thập dữ liệu của người sử dụng và bán cho bên thứ ba để khai thác? Song từ chính bản thân tôi từ khi sử dụng Zalo, mỗi khi đặt chân xuống máy bay ở một địa phương nào đó là ngay lập tức nhận được cả chục tin nhắn quảng cáo dịch vụ thuê xe, nhà nghỉ, đầu tư bất động sản…”, vị luật sư nói.
Nói về “hành trình công lý” để bảo vệ quyền riêng tư, thông tin cá nhân của người sử dụng mạng xã hội, ông Thuật cho biết, nếu phát hiện thông tin dữ liệu của mình bị xâm hại, người dùng mạng xã hội trước hết phải xác định được nguyên nhân, nguồn lộ thông tin từ đâu.
Nếu chứng minh được thiệt hại bởi mạng xã hội, người dùng cần nhanh chóng lên tiếng khiếu nại yêu cầu bên cung cấp dịch vụ giải quyết ngăn chặn và thực hiện bồi thường khắc phục hậu quả. Nếu đơn vị cung cấp không thực hiện thì tiếp tục yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động MXH và lĩnh vực dịch vụ cung ứng để xem xét mức độ vi phạm và xử lý.
Tuy nhiên, vị luật sư cũng thừa nhận, để chứng minh mạng xã hội cố tình làm lộ thông tin người dùng là vô cùng khó khăn. “Có rất nhiều luật liên quan đến việc điều chỉnh hành vi vi phạm quyền riêng tư, thông tin cá nhân nhưng đi vào chi tiết hướng dẫn người bị hại chứng minh thiệt hại là rất khó. Hơn nữa tới nay cơ quan nào chịu trách nhiệm trong việc quản lý thông tin cá nhân còn rất mập mờ, trừ khi mức độ thiệt hại cực lớn”, ông Thuật nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận