Trước khi chuyển đến một căn hộ chung cư mới, anh Tuấn, nhân viên một ngân hàng tại Hà Nội liên lạc với một số đầu mối dịch vụ nội thất. Ngay lập tức, Facebook của anh Tuấn mấy ngày nay xuất hiện dày đặc những quảng cáo về gạch men, thảm trải sàn, đồ gỗ, tranh treo tường…
“Vẫn biết facebook dùng trí tuệ nhân tạo để nắm bắt hành vi khách hàng, từ đó phân phối thông tin, quảng cáo phù hợp với nhu cầu người dùng. Song với trường hợp này, mình chỉ trao đổi thông tin qua điện thoại nên có cảm giác bất an vì bị Facebook theo dõi?”, anh Tuấn chia sẻ.
Tương tự anh Tuấn, chị Thuý, quản lý truyền thông một tập đoàn bất động sản cho biết, chỉ mới than với đồng nghiệp về chuyện cân nặng, xong đã thấy bảng tin facebook (newfeed) của mình tràn ngập dịch vụ giảm béo. Chị Lan, giáo viên tiểu học kể, vừa cùng mấy người bạn ngồi buôn chuyện học thêm cho bọn trẻ, sáng hôm sau thấy newfeed xuất hiện quảng cáo các lớp học thêm.
“Khi người dùng sử dụng dịch vụ voice của Facebook là anh đã đồng ý cho họ “nghe trộm” 24/24h các hoạt động âm thanh của mình rồi. Do vậy, chưa cần người dùng click vào các đường link liên quan mà chỉ mới để điện thoại gần mình và nhắc đến vấn đề gì đó là facebook đã có keyword (từ khoá) để từ đó gợi ý quảng cáo. Và đây cũng là cách thu thập thông tin người dùng để phục vụ phát triển quảng cáo hay các sản phẩm, dịch vụ trong hệ sinh thái của tất cả mạng xã hội khác hoặc các ứng dụng nghe gọi, nhắn tin OTT như: Viber, Zalo, WhatsApp…”, một chuyên gia công nghệ, phân tích.
Thời buổi của số hóa, doanh nghiệp nào có được dữ liệu lớn (bigdata), nhất là về khách hàng, kinh doanh chắc chắn thuận lợi. Bigdata không những giúp tiếp cận khách để bán hàng mà còn củng cố thêm thông tin để nhà sản xuất có thể phát triển sản phẩm theo đúng nhu cầu, thị hiếu, xu hướng tiêu dùng… hiện tại.
Bạn chuẩn bị đi du lịch, vừa đặt vé máy bay xong đã nhận được tin nhắn chào mời đặt xe về khách sạn. Bạn cũng thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại, khi chào mua căn hộ, khi mời tham gia dịch vụ bảo hiểm, lúc giới thiệu liệu trình chăm sóc sắc đẹp miễn phí… Phần lớn những cuộc điện thoại ấy gây cho bạn cảm giác khó chịu, bị quấy rầy. Nếu ở một số nước hành vi trên có thể bị kiện. Song, ở ta người dùng lại dễ dàng chia sẻ, “khai báo” tự nguyện thông tin, thói quen, nhu cầu, sở thích… của mình trên mạng xã hội. Do vậy, những “ông trùm” mạng xã hội có trong tay một nguồn dữ liệu khổng lồ mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn có được.
Điều này lý giải phần nào cho hiện tượng hàng loạt doanh nghiệp Việt “nhảy vào” chia sẻ “miếng bánh” mạng xã hội đầy hấp dẫn này. Sau sự xuất hiện ồn ào của Hahalolo, Gapo bằng những hứa hẹn mức độ đầu tư hoành tráng, tốc độ tăng trưởng thần tốc, thị trường tiếp tục xôn xao thông tin từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 5 mạng xã hội của các doanh nghiệp tư nhân ra đời.
Thêm nhiều mạng xã hội, người dùng có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm. Song, người dùng mạng xã hội, hãy luôn nhớ rằng “không có miếng bánh nào miễn phí”. Tham gia mạng xã hội, nghĩa là bạn đã tự nguyện phơi bày dữ liệu cá nhân cho nhà cung cấp và không dễ kiểm soát họ sử dụng thông tin của bạn vào mục đích gì. Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh với các tuyên bố bảo mật nghiêm ngặt thông tin, song không ít lần dính cáo buộc “bán đứng” khách hàng, mà điển hình là án phạt 5 tỷ USD trong vụ Cambridge Anlytica mới đây.
Bởi vậy, thông tin Zalo - mạng xã hội lớn nhất Việt Nam với hơn 100 triệu tài khoản đến nay vẫn “chưa thèm” xin cấp phép khiến nhiều người dùng ngã ngửa. Từ OTT đến mạng xã hội, thông tin người dùng chính là một lợi thế quan trọng giúp Zalo dễ dàng phát triển, mở rộng hệ sinh thái, thành một “siêu ứng dụng” như game, thanh toán, gọi đồ ăn…
Việc chậm trễ trong phát hiện, xử lý vi phạm của Zalo cần phải xem xét nghiêm túc về năng lực, trách nhiệm của cơ quan quản lý. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động mạng xã hội tại Việt Nam, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển lành mạnh, vừa bảo vệ người dùng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận