Thi viết về GTVT

Ăn cá mắm, ngủ rừng mở đường lên xã nghèo nhất nước

Tà Xi Láng - cái tên chỉ thoáng nghe cũng đủ mang đến một cảm giác heo hút, xa vời. Và con đường lên xã vùng cao này cũng ẩn chứa những câu chuyện đầy thú vị.


Hơn 14 nghìn lượt người góp sức

photo-1694485827049

Thanh niên tham gia làm đường Tà Xi Láng năm 2004.

Lên Tà Xi Láng - xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, xa nhất của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái (một trong huyện nghèo nhất cả nước) giờ đây đã không còn cực khổ. Đường bê tông giúp xe có thể bon bon nhưng ít ai biết rằng, gần 20 năm trước (năm 2004) đã có gần 14.000 lượt thanh niên được huy động, trèo đèo lội suối mở con đường này.

Đa phần họ đều là những người trẻ tại các huyện, thị của Yên Bái, chưa một lần biết thế nào là phá núi, mở đường. Nhưng vì lời kêu gọi "cần đường ô tô về những xã khó khăn", họ đã tình nguyện lên rừng mở con đường lịch sử giúp bà con người Mông ở Tà Xi Láng thoát cảnh cô lập.

Gặp lại đoàn viên Lý A Sang (xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn) sau gần 20 năm tham gia công trường tình nguyện, anh như vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc. 

"Quả thực không thể tưởng tượng được vùng rừng núi âm u, hiểm trở như vậy lại có thể hình thành nên một con đường. Thỉnh thoảng đội tình nguyện của tôi vẫn lên thăm, đi lại con đường mình từng góp sức. Những kỷ niệm giữa mưa rừng, gió núi đến nay vẫn như mới hôm qua", anh Sang chia sẻ.

Anh kể, lúc ấy ưu tiên hàng đầu cho hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, trước yêu cầu thực tiễn, đường Tà Xi Láng lập tức trở thành công trình tầm cỡ cấp tỉnh, huy động lực lượng lớn hiếm có, tổng số 8 đơn vị thi công, chiều dài theo thiết kế là hơn 15km.

Với địa hình hiểm trở, dốc đá cheo leo, lại phải đào đắp trên 100.000m3 đất đá, đặc biệt đoạn thi công vượt dốc Tà dài 1.200m qua khu rừng nguyên sinh là thử thách cao độ cho tinh thần xung kích, sáng tạo, lòng nhiệt tình, dũng cảm của thanh niên tình nguyện.

Anh Nguyễn Đình Hiếu, nguyên Phó bí thư Chi đoàn xã Âu Lâu, TP Yên Bái kể: "Ngày ấy có lệnh phải huy động 20 đoàn viên, thanh niên đi mở đường Tà Xi Láng. 

Chỉ trong hai ngày chúng tôi phải chuẩn bị quân số, dụng cụ và lương thực, thực phẩm thiết yếu. Mỗi thanh niên mang theo 10kg gạo, 2kg cá mắm, lạc, thuốc men.

Khi vào đến công trường chúng tôi phải hành quân đi bộ từ quốc lộ 32 gần 3,5 giờ, trèo đèo lội suối mới tới đoạn đường được phân công. Để ổn định nơi ăn chốn ở, chúng tôi chặt tre làm lán, lấy lá cây làm đệm".

Cũng có mặt ở chiến dịch làm đường Tà Xi Láng 20 năm về trước, anh Lê Văn Sơn (xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên) cho biết, những ngày đầu tiên đặt chân lên công trường, trời mưa liên tục, nhiệt độ có hôm xuống 2 độ C, ăn cơm chủ yếu với cá mắm và rau rừng.

Vậy mà trong những ngày ấy đã có 3 tấn vật liệu làm lán trại và các thiết bị hàng hóa được vận chuyển, tập kết an toàn trên công trường. Đoàn viên, thanh niên đã tận dụng việc vận chuyển 117m3 gỗ các loại để san gạt 1.920m2 mặt bằng làm 50 lán trại, mở mới 3,7km đường hậu cần. Lực lượng xung kích còn phát dọn 13.000m2 trên tuyến, cắm cọc phục vụ thi công.

"Chúng tôi phải thi công bằng tay, không có sự hỗ trợ của máy móc, thời tiết khắc nghiệt, sinh hoạt thiếu thốn. Nhưng tiếng hát, tiếng hò dô rộn ràng cả một góc trời", anh Sơn hồi tưởng.

Chỉ sau hơn 40 ngày, con đường lịch sử uốn theo núi Tà đã dần thành hình. Ngay tại công trường năm ấy đã có tới hơn 1.500 bạn trẻ được kết nạp vào Đoàn, 117 người được kết nạp Đảng. 

Xã nghèo nhất nước thay da đổi thịt

photo-1694485827784

Thanh niên dùng dụng cụ thô sơ làm đường Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu, Yên Bái.

Qua cầu Tà - cây cầu vắt vẻo lưng chừng trời và đã trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng làm nên huyền thoại đường Tà Xi Láng, đã không còn cảnh ngổn ngang đá chắn đường, cũng không còn cảnh gỗ độc mộc bắc ngang làm lối đi. Giờ đây, cầu Tà đã được xây dựng kiên cố có thể chịu được tải trọng đến 13 tấn, nối liền huyết mạch toàn tuyến.

Khi biết tôi có ý định lên xã, Bí thư Đảng ủy xã Tà Xi Láng Nguyễn Văn Trọng đi xe máy hơn 3km xuống đón tận chân cầu tươi cười: "Nói thật so với đường thành phố thì còn kém lắm nhưng đây đã là mơ ước của chúng tôi rồi. Có đường là có tất cả".

Trụ sở UBND xã Tà Xi Láng hoàn toàn khác so với tưởng tượng của tôi lúc trước. Ngôi nhà khang trang, bề thế được xây 2 tầng kiên cố nằm gọn trên một quả đồi đã được san phẳng. 

Quanh đó là trường học, trạm y tế xã, khu ở nội trú cho giáo viên và học sinh. Lại còn có cả các công trình xây dựng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Tất cả đều được kiên cố hóa.

Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, Bí thư Trần Bình Trọng cười: "Tất cả là từ việc có đường đấy. Trước kia có nằm mơ chúng tôi cũng không bao giờ dám nghĩ đến việc xây nhà trên núi như thế này, đến chuyện nhìn thấy xe xuất hiện tại xã còn lạ nữa".

Cần phải nói rằng, trước đây, khi đường Tà chưa được làm, việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng lên xã gần như là nhiệm vụ bất khả thi, bởi ngoài giá cước vận chuyển quá cao, còn liên quan đến việc không phải loại xe nào cũng "bò" lên được.

photo-1694485828260

Con đường Tà Xi Láng hôm nay.

Nếu muốn xây nhà hồi đó, giá thành đội lên gấp 15 - 20 lần bình thường. Nay có đường, tuy giá thành vẫn cao hơn miền xuôi nhưng việc xây dựng nhà cửa trên núi đã không còn là chuyện không tưởng.

Già làng Sùng Chông Tu nay đã 98 tuổi, ở thôn Xá Nhù, nguyên là Chủ tịch UBND xã thời kỳ đầu mới thành lập ngước đôi mắt nhìn về ngọn núi phía xa xa, trầm tư: "Đúng là con người luôn làm nên những điều kỳ diệu. Tôi nhớ hồi còn trẻ, tham gia chống thực dân Pháp, chúng tôi cùng bộ đội phải trèo núi, vượt rừng đến mấy ngày mới ra được đường lớn. Vùng này ngày ấy hoang vu lắm, không ai dám mơ đến chuyện có đường đất chứ đừng nói là đường bê tông như bây giờ".

Già Tu tâm sự, nhờ có đường mà bà con nơi đây đã được tiếp cận với điện thắp sáng, biết thế nào là điện thoại di động, thậm chí còn biết cả internet. Hàng hóa nông lâm sản đã được đưa xuống chợ huyện bán lấy tiền mua vải, mua quần áo, mua đồ trang sức.

"Nay người Mông Tà Xi Láng cũng có thể sang chơi với bà con, đồng bào các xã láng giềng hay xuống tận trung tâm huyện mua sắm, cả đi và về chỉ mất nửa ngày. Có đường, sự giao thoa văn hóa tiến bộ rõ rệt, đời sống bà con cũng từng ngày được cải thiện", già Tu chia sẻ.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, lúc còn giữ cương vị Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái khi lên thăm công trường Tà Xi Láng đã ôm lấy các đoàn viên tình nguyện mà khóc: "Thương các em lắm! Công trường gian khổ, thiếu thốn, mưa, rét, xa nhà. Vậy mà các em vẫn làm nên bao điều kỳ diệu. Thật xúc động và tự hào".

Xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu có 352 hộ với 1.977 nhân khẩu cư trú tại 5 thôn và 99,4% dân số là người Mông, chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Với đặc thù này, những năm qua, địa phương được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư bằng nhiều chương trình như: Chương trình 135, Chương trình 134, Chương trình 30a…

Mỗi năm, xã thu hút gần 1.000 lượt khách đến tham quan; nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống, nông sản và dịch vụ du lịch đạt giá trị trên 800 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể trong những năm gần đây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.