Những người tham gia làm đường đèo Lũng Lô huyền thoại giờ mắt đã mờ, chân đã chậm hơn.
Song ký ức một thời thanh xuân cống hiến hết mình chưa khi nào phai mờ trong tâm trí.
Con đường huyền thoại
Công binh phá đá mở đường trên đèo Lũng Lô năm 1953.
Những ngày cuối tháng 7, PV Báo Giao thông trở lại đèo Lũng Lô - cung đường huyền thoại gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Lũng Lô là địa danh đã đi vào sử sách trong cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc, nơi được nhà thơ Tố Hữu ghi lại qua những câu thơ: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh”.
Đèo Lũng Lô còn có tên gọi khác là đèo Đao thuộc bản Dạ, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Ông Hoàng Đình Mưu, Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tuyến đường mà công binh và dân công phải mở dài trên 120km, địa hình chủ yếu là núi cao, vực sâu.
Đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông ra chiến trường, ngay từ tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, tỉnh Yên Bái đã quyết định thành lập cung đường 13, huy động 124.458 lượt dân công tham gia mở đường với 173.197 công đào, đắp và san lấp hố bom chống lún sạt.
Nhân dân địa phương đã tự nguyện quyên góp hàng nghìn cây gỗ, hàng vạn cây tre, bương, vầu, cột nhà lót đường, bắc cầu thông xe, vận tải quân lương vào chiến dịch.
Đèo Lũng Lô từng hứng chịu khoảng 12.000 tấn bom đạn của địch và mỗi ngày có từ 16 - 18 chiếc máy bay địch oanh tạc 5 - 6 lần.
“Từ cuối năm 1952, xã Thượng Bằng La đón trên 5.000 bộ đội, dân công về mở đường đèo Lũng Lô. Nhiều gia đình đã đón dân công, bộ đội về ở cùng, trực tiếp dẫn đoàn khảo sát cắm tiêu mở đường, bắc cầu thông xe. Chưa bao giờ nhân dân Thượng Bằng La lại tham gia mở đường hăng hái như giai đoạn này.
Nhờ những nỗ lực phi thường của các lực lượng thi công, kế hoạch thông đường đã hoàn thành sớm 5 ngày so với kế hoạch Trung ương đề ra. Từ đó, vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch được đảm bảo kịp thời”, ông Mưu cho biết.
Bà Hoàng Thị Oanh, ở thôn Mơ, xã Thượng Bằng La kể: “Lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng thấy bố mẹ kể lại lúc làm đèo Lũng Lô, công binh đến khảo sát rồi làm đường men theo triền núi chứ không qua cánh đồng để tránh bom của giặc.
Đến năm 1987, tôi xin vào làm công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng đường bộ 1 - Yên Bái. Trong quá trình công tác, không biết bao nhiêu lần đã tham gia duy tu bảo dưỡng tuyến đường này. Trước kia chỉ có đường đất thôi, giờ nhà nước làm đường rộng 7,5m chúng tôi phấn khởi lắm”.
Cuốc đất, lật đá mở đường
Đèo Lũng Lô đã được sửa chữa nhiều lần phục vụ nhu cầu đi lại của bà con tỉnh Yên Bái và Sơn La.
Là một trong số những người đã từng tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong làm nhiệm vụ tại đèo Lũng Lô, năm nay đã 90 tuổi, ông Nguyễn Khắc Ngần (thôn Xuân Lan, xã Tuy Lộc, TP Yên Bái) vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời đó.
Ông kể, trong suốt chiến dịch, ngày nào địch cũng ném các loại bom na pan, bươm bướm, nổ chậm. Các hố bom khoét sâu từ 4 - 5m, rộng từ 10 - 12m.
Địa hình đèo Lũng Lô quanh co nên nếu bom ném không trúng đường thì trúng ta luy, gây sạt lở đất đá lấp hết mặt đường.
Có ngày, chỉ một đoạn đường dài 400 - 500m mà có tới hàng chục hố bom sâu và nhiều bom nổ chậm nằm ngay dưới mặt đường, rãnh đường.
“Sau khi máy bay địch rút là một tổ đi trước cắm cờ đánh dấu vị trí bom nổ chậm, tổ khác đi sau nhanh chóng tháo gỡ các đầu nổ và san lấp đường ngay lập tức để bảo đảm giao thông luôn thông suốt.
Sau hơn 200 ngày đêm, quân và dân ta vừa mở đường vừa bảo vệ và vận chuyển được hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược đến nơi an toàn” ông Ngần hồi tưởng.
Bà Trần Thị Thái là người đã từng tham gia lực lượng TNXP làm nhiệm vụ tại đèo Lũng Lô.
Bà Trần Thị Thái (88 tuổi, ở xã Tuy Lộc) cũng là người đã từng tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong hồi đó, nhớ lại, từ Yên Bái vào đến Thượng Bằng La để làm đường rất gian nan.
Dân công địa phương cùng thanh niên xung phong và lực lượng công binh dù chỉ có những dụng cụ thô sơ, không có bất kỳ máy móc, trang thiết bị nào nên phải dùng dao phát quang cây rừng. Sau đó lấy cuốc, xẻng, xà beng cuốc đất, lật đá mở đường, tạo thành hướng tuyến, mở đường cho xe đi qua.
Thế rồi, tại các điểm núi cao, vực sâu, có vị trí đất đổ thải, san lấp ở xa, thanh niên xung phong còn sáng tạo ra dụng cụ mới là “trang” và “cáng”.
“Trang” là các tấm ván bằng gỗ lớn, được đặt nằm ngang, ở giữa ván được đục lỗ, gắn tay cầm bằng thanh gỗ dài giúp người phía sau dễ dàng điều khiển.
Người phía trước sẽ buộc dây thừng vào tấm ván để xúc, kéo đất hiệu quả hơn. “Cáng” được chế tạo từ bao tải, có cán gỗ dành cho 2 người khiêng đất, giúp lượng đất đá san lấp, vận chuyển được nhiều và thuận tiện hơn.
“Giờ nhìn con đường khang trang, tấp nập xe qua lại, tôi thấy rất vui. Thời thanh xuân với những khát khao cháy bỏng, chúng tôi đã tự hào đã được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để làm nên con đường”, bà Thái chia sẻ.
Những năm qua, đường lên đèo đã được trải nhựa và mở rộng thêm, nhưng trải qua năm tháng đã dần xuống cấp.
Hiện Ban quản lý dự án giao thông Yên Bái đang tiếp tục đầu tư nâng cấp nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện hơn.
Ông Đoàn Văn Thành, đội trưởng đội thi công Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Yên Bái cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi được tham gia nâng cấp sửa chữa tuyến đường đèo Lũng Lô.
Hiện chúng tôi đã huy động hàng chục công nhân cùng 10 máy móc các loại, nhằm đẩy nhanh tiến độ, đưa công trình về đích vào khoảng đầu tháng 11/2023”.
Đèo Lũng Lô nằm trên quốc lộ 37 (đường 379 cũ, nối quốc lộ 32 với quốc lộ 32B) tại ranh giới huyện Văn Chấn và huyện Phù Yên (Sơn La). Đèo dài 15km, từ Km 349 - Km 364, độ dốc 10%.
Ngày 27/4/2011, Đèo Lũng Lô - cung đường huyền thoại, minh chứng hào hùng của lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận