Bất động sản

Bất động sản công nghiệp chưa hết đìu hiu

Tại nhiều tỉnh, thành ở miền Trung, việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp được triển khai mạnh trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chỉ có số ít sôi động nhờ giao thông thuận lợi, còn lại nhiều nơi dù cho thuê giá rẻ như bèo vẫn ít nhà đầu tư lui tới.

Hút nhà đầu tư nhờ hạ tầng giao thông thuận lợi

KCN Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) có diện tích hơn 140ha, trong đó đất công nghiệp cho thuê hơn 100ha. Sau hơn 15 năm thành lập, đến nay tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%.

Tại đây, hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ tương đối hoàn chỉnh, đặc biệt là về giao thông, cung cấp điện…, đã thu hút nhiều doanh nghiệp đăng ký thuê đất đặt nhà máy. Một điểm rất quan trọng là giá cho thuê đất ở đây khá mềm, chỉ ở mức 5.570 đồng/m2/năm.

photo-1693838358656

Khu công nghiệp VIP Quảng Ngãi, một trong những điểm sáng về làn sóng bất động sản công nghiệp tại Quảng Ngãi.

Có tổng diện tích quy hoạch 1.746ha, trong đó giai đoạn 1 là 600ha, đến nay dự án KCN VSIP Quảng Ngãi (huyện Sơn Tịnh) đã phát triển gần 500ha, thu hút được 34 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Trong đó, 22 nhà đầu tư đã đi vào hoạt động sản xuất, tạo hơn 28.000 việc làm.

Tại tỉnh Bình Định, ngoài các dự án KCN đang phát huy hiệu quả thì điểm nhấn chính là dự án KCN Becamex VSIP Bình Định (huyện Vân Canh). Hiện nay, Tập đoàn Kurz (CHLB Đức) được UBND tỉnh Bình Định trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Để thu hút được nhà đầu tư vào KCN này, tỉnh đã đầu tư tuyến đường 1.600 tỷ kết nối từ TP Quy Nhơn đến KCN, tạo điều kiện kết nối để vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh dự án KCN này, Khu kinh tế Bình Định đang thu hút nhiều dự án bất động sản khác.

Theo đánh giá của giới đầu tư BĐS công nghiệp, điểm cộng của dự án VSIP Quảng Ngãi chính là việc đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, hạ tầng giao thông hoàn chỉnh ở đây đã giúp doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi.

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi Huỳnh Thị Thùy Trinh cho rằng, việc VSIP chọn Quảng Ngãi đầu tư vì khu vực này có nhiều lợi thế về hạ tầng và nguồn lực con người. Đây là những yếu tố kiên quyết để hút nhà đầu tư thứ cấp, tạo cơ sở để VSIP Quảng Ngãi mạnh dạn tập trung đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2.

"Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Chính phủ đang tích cực thúc đẩy phát triển hạ tầng cảng biển và đường sá tại miền Trung, kéo theo sự phát triển của các hoạt động sản xuất.

Do đó, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang điều chỉnh, cùng với việc Việt Nam được dự báo tăng trưởng tốt cả trong năm nay và năm tới, BĐS công nghiệp sẽ là phân khúc đầy hứa hẹn", bà Trinh nhìn nhận.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu tư hạ tầng BĐS cho rằng, lợi thế của BĐS công nghiệp ở tỉnh này là thuận lợi về giao thông, cảng biển, hàng không với quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam, cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, cảng Kỳ Hà, cảng Trường Hải, sân bay Chu Lai… Đồng thời, giá thuê đất khá rẻ so với mặt bằng chung cả nước.

Đến nay, Quảng Nam đã có 10 KCN đi vào hoạt động. Trong đó, tại Khu kinh tế mở Chu Lai, hầu hết các dự án KCN có tỷ lệ lấp đầy khá cao.

Tương tự, KCN Bắc Chu Lai (huyện Núi Thành) có diện tích hơn 361ha, do Công ty Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (Cizidico) làm chủ đầu tư. Đến nay KCN này đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giai đoạn 1 với diện tích gần 177ha và tỷ lệ lấp đầy khoảng 90%.

Tại KCN Tam Thăng, tính đến đầu năm 2023, quỹ đất công nghiệp ở đây cơ bản đã có chủ khi có đến 23 dự án (19 dự án vốn FDI) đã triển khai đầu tư và đi vào hoạt động.

Nhiều nơi vẫn đìu hiu

photo-1693838359460

Khu đô thị công nghiệp Hoàng Thịnh Đạt (Quảng Ngãi) sau nhiều năm giao đất vẫn là bãi đất trống, thành nơi chăn thả trâu bò.

Trái với hình ảnh sôi động kể trên, nhiều dự án KCN đang "chết lâm sàng" hoặc đầu tư chưa đến nơi đến chốn dẫn đến nhà đầu tư thứ cấp ngại vào thuê đất.

KCN Thuận Yên (phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) có diện tích 230ha (giai đoạn 1 diện tích 62ha) do Công ty Vinaconex 25 làm chủ đầu tư. Sau quá trình ì ạch, KCN này được tỉnh Quảng Nam thu hồi giao lại cho UBND TP Tam Kỳ quản lý. Dù vậy, việc đầu tư hạ tầng èo uột dẫn đến KCN nằm ngay đô thị lớn nhất tỉnh Quảng Nam nhưng mới có tỷ lệ lấp đầy khoảng 50%.

Bi đát hơn là KCN Phổ Phong (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) với tổng diện tích hơn 157ha. KCN này từng được tỉnh Quảng Ngãi kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp ở cực nam của tỉnh. Song, sau hơn 10 năm, nơi đây vẫn chỉ là vùng đất hoang vắng với hệ thống hạ tầng đầu tư chắp vá.

Chính các hạn chế trên đã dẫn đến KCN này đến giờ mới chỉ có tỷ lệ lấp đầy… 5%, bất chấp đơn giá cho thuê hạ tầng chỉ 5.550 đồng/m2/năm và đơn giá cho thuê đất là 630 đồng/m2/năm đối với đất thương mại, dịch vụ; 450 đồng/m2/năm đối với đất sản xuất kinh doanh.

Ngoài các dự án BĐS công nghiệp chưa phát huy hiệu quả thì tại các địa phương miền Trung còn nhiều dự án BĐS công nghiệp bị quy hoạch treo hoặc cấp chủ trương đầu tư nhưng nhà đầu tư không thực hiện, dẫn đến bỏ hoang quỹ đất.

Khu kinh tế Dung Quất từng được coi là một trong những "mỏ vàng" BĐS công nghiệp của Quảng Ngãi, song tại đây cũng có nhiều dự án BĐS công nghiệp sau cả chục năm vẫn nằm trên giấy. Đơn cử như dự án Khu đô thị công nghiệp Dung Quất do Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt làm chủ đầu tư, sau nhiều năm được tỉnh giao đất, đến giờ nơi đây vẫn là bãi đất trống.

Trong khi đó, tại KCN Sài Gòn - Dung Quất (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) cũng bắt đầu có nhiều đất bị bỏ hoang, nhiều nhà xưởng đóng cửa. Lý do các cấp chính quyền chỉ ra là do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

Đầu tư mạnh vào giao thông để tạo lợi thế

Theo lãnh đạo các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, để khắc phục những tồn tại và thúc đẩy thị trường BĐS công nghiệp phát triển, trong thời gian tới các địa phương sẽ tiến hành rà soát, đánh giá lại tổng thể về các KCN, khu kinh tế để có hướng tháo gỡ khó khăn, kết nối với các tỉnh, thành khác, kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài để xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư thứ cấp đến thuê đất mở nhà xưởng… nhằm phát huy hiệu quả quỹ đất công nghiệp.

Đặc biệt, địa phương sẽ chú ý đầu tư tốt hơn nữa cho hạ tầng giao thông. Chẳng hạn như tỉnh Quảng Ngãi sẽ bố trí nguồn vốn 3.500 tỷ đồng để mở đường Hoàng Sa Dốc Sỏi, nhằm biến tuyến giao thông này trở thành động lực cho thị trường BĐS công nghiệp hồi sinh.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.