Đường sắt

Bí quyết làm đường sắt cao tốc của Đức

06/11/2024, 10:15

Đức tự nghiên cứu, phát triển công nghệ đường sắt tốc độ cao cả về hạ tầng và phương tiện với mục tiêu “nhanh bằng một nửa máy bay, gấp 2 lần ô tô”.

Ưu tiên vận tải hành khách, vận tải hàng hóa được bố trí vào ban đêm

Nói về những tuyến đường sắt tốc độ cao nổi tiếng thế giới, không thể không nhắc đến thương hiệu nổi tiếng InterCity Express - Tàu tốc hành liên thành phố (ICE) của Đức.

Hệ thống ICE chính thức đi vào hoạt động năm 1991, với mục tiêu cải thiện vận tải đường dài và kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn của Đức. Bên cạnh đó, hệ thống này không chỉ phục vụ các điểm đến trong nước mà còn mở rộng sang các quốc gia lân cận, bao gồm Áo, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ và Hà Lan trong các dịch vụ xuyên biên giới.

Bí quyết làm đường sắt cao tốc của Đức- Ảnh 1.

Tàu tốc độ cao của Đức (Ảnh: Internet).

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, sau khi chiến tranh thế giới thứ hai đã phá hủy nặng nề hệ thống đường sắt của Đức, Chính phủ nước này đã xây dựng kế hoạch phát triển toàn diện hệ thống giao thông bao gồm cả đường sắt.

Theo đó, đất nước được mệnh danh là "trái tim của châu Âu" này dự kiến 2.225km tuyến đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) với tốc độ 300 km/h và phát triển thêm 1.250km tuyến đạt tốc độ 200 km/h. Mục tiêu đầu tư tàu ĐSTĐC "nhanh bằng một nửa máy bay, gấp 2 lần ô tô".

Tháng 6/1991, ĐSTĐC của Đức (ICE) bắt đầu hoạt động. Các tuyến đầu tiên được chọn ở Đức là tuyến Hanover - Wurzburg và Mannheim - Stuttgart. Đây đều là các tuyến hỗn hợp kết hợp chở hành khách và vận tải hàng hóa, khác với ĐSTĐC của Nhật Bản và của Pháp tập trung vào dịch vụ dành riêng chở hành khách.

Mạng lưới đường sắt của Đức nhanh chóng phát triển với việc bổ sung một tuyến đường Wolfsburg - Berlin vào năm 1998 (tuyến đường sắt Đông - Tây). Đây được coi là biểu tượng của sự thống nhất chính trị giữa Tây Đức và Đông Đức, kết nối Thủ đô chính trị mới là Berlin với các thành phố ở phía Tây đất nước.

Sau đó, tuyến Cologne - Frankfurt được đưa vào sử dụng năm 2002, tuyến Nieders - Munich năm 2006.

Theo Bản đồ Đường sắt tốc độ cao ("Atlas High speed rail", 2023) của Hiệp hội Đường sắt quốc tế (UIC), hiện Đức có 14 tuyến đang khai thác, tổng cộng dài 1.631km, tốc độ tối đa 230-300km/h. Đức đang xây dựng 87km và quy hoạch 81km, đưa tổng số km là 1.km.

Về tốc độ khai thác tối đa, trên 200km/h có 2 tuyến, chiều dài 369km, chiếm 23% tổng chiều dài ĐSTĐC; trên 250km/h gồm 07 tuyến, chiều dài 739km, chiếm 47%; trên 300km/h gồm 4 tuyến, chiều dài 463km, chiếm 30%. Như vậy, xu hướng chủ đạo của ĐSTĐC của Đức có tốc độ khai thác trên 250km/h chiếm 77%.

Đến nay, Đức có mạng lưới ĐSTĐC dài 1.631km, với 14 tuyến đang khai thác. Với mật độ đường sắt hiện có dày đặc (93km/1.000km2).

Trong đó có 6 tuyến chính chạy theo trục Bắc - Nam và 3 tuyến theo trục Đông - Tây. Tuyến đường được ICE sử dụng nhiều nhất là tuyến Mannheim - Frankfurt, do nhiều tuyến ICE hội tụ tại khu vực này. Khi tính cả lưu lượng giao thông bao gồm tàu hàng, tàu địa phương và tàu khách đường dài, tuyến bận rộn nhất là Munich - Augsburg với khoảng 300 chuyến tàu mỗi ngày.

Cần phải nói rằng, Đức là một trong những quốc gia tiên phong trong việc phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc trên thế giới. Nhưng chiến lược phát triển đường sắt của Đức là ưu tiên tối ưu hóa biểu đồ chạy tàu trên các tuyến và giảm thời gian hành khách chờ chuyển tàu tại các ga thay cho việc tăng tốc độ chạy tàu.

Vì thế các tuyến chủ yếu được hình thành trên cơ sở nâng cấp mạng lưới đường sắt hiện hữu khổ 1.435mm để khai thác hỗn hợp cả hành khách và hàng hóa với vận tốc trung bình 160km/h đối với tàu khách và 100km/h đối với tàu hàng. Trong đó ưu tiên vận tải hành khách, vận tải hàng hóa được bố trí vào ban đêm hoặc không vào giờ cao điểm. Duy nhất tuyến Cologne - Frankfurt dài khoảng 180km có nhu cầu hành khách lớn nên chạy riêng tàu khách với tốc độ tối đa 300km/h.

Về vận tải khách, hệ thống ICE hướng đến đối tượng là các doanh nhân và người di chuyển đường dài, đồng thời được Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Đức (DB) quảng bá như một giải pháp thay thế cho các chuyến bay với cùng điểm đến.

Chính quyền các cấp chịu trách nhiệm đầu tư hạ tầng

Về mô hình đầu tư, đối với hạ tầng, tại Đức chủ yếu đầu tư theo hình thức đầu tư công gồm nguồn vốn bố trí từ ngân sách liên bang, ngân sách địa phương, hỗ trợ của Ủy ban châu Âu (đối với các tuyến đường sắt liên vận châu Âu), vốn góp Tập đoàn đường sắt quốc gia Đức (DB). Các dự án phải được đánh giá về kinh tế vĩ mô, sau đó được đưa vào trong quy hoạch tổng thể kết cấu hạ tầng đường sắt để nghiên cứu triển khai.

Ví dụ như tuyến Nuremberg - Ingolstadt xây dựng vào năm 2006, trong đó, chính quyền liên bang đảm nhiệm 58%, DB góp 32%, chính quyền khu vực 5% và Ủy ban Châu Âu 5%.

Chính phủ Đức cũng đã xây dựng các khung pháp lý để đầu tư theo phương thức PPP, tuy nhiên đến nay cũng chưa áp dụng đối với các dự án đường sắt.

Về đầu tư đầu máy và toa xe, các doanh nghiệp vận tải tự đầu tư và kinh doanh từ nguồn vốn của doanh nghiệp.

Bí quyết làm đường sắt cao tốc của Đức- Ảnh 2.

Bản đồ mạng lưới đường sắt tốc độ cao tại Đức (Nguồn: UIC).

Theo quy định của Đức: Chính quyền liên bang chịu trách nhiệm cung cấp nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt liên bang như nâng cấp và xây dựng mới, không bao gồm đầu máy, toa xe; chịu trách nhiệm về xây dựng khuôn khổ pháp luật, tuân thủ khuôn khổ pháp luật của châu Âu, cơ cấu tổ chức Tập đoàn Đường sắt quốc gia Đức (DB).

Chính quyền các bang (16 bang) chịu trách nhiệm về tổ chức đầu tư, vận tải hành khách đường sắt địa phương và khu vực (ngoài mạng đường sắt do DB quản lý; áp dụng nguyên tắc phân quyền, kinh phí đầu tư của chính quyền liên bang.

Có hai cơ quan giám sát hoạt động của đường sắt Đức, gồm: Cơ quan quản lý mạng lưới đường sắt liên bang (BnetzA) chịu trách nhiệm đưa ra các quy định, giám sát, đảm bảo tiếp cận không phân biệt đối xử giữa các công ty vận tải tư nhân và công ty thuộc DB; kiểm tra thông tin công bố mạng đường sắt và dịch vụ; rà soát số lượng và cơ cấu phí sử dụng kết cấu hạ tầng.

Cơ quan quản lý vận tải đường sắt liên bang (EBA) trực thuộc Bộ GTVT, chịu trách nhiệm giám sát điều kiện năng lực, cấp phép tham gia kinh doanh cho các công ty vận tải, công ty đầu tư đầu máy, toa xe.

Tập đoàn đường sắt quốc gia Đức (DB) hoạt động theo mô hình Công ty mẹ 100% vốn nhà nước nắm giữ. DB chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì, kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và kinh doanh vận tải.

Hiện DB trực tiếp quản lý mạng đường sắt lớn thứ hai tại châu Âu với tổng chiều dài 33.000km đường khổ tiêu chuẩn 1435mm. Tương tự các nhà khai thác đường sắt khác, DB phải trả phí khai thác hạ tầng đường sắt Đức. DB sử dụng vốn nhà nước, các nguồn thu từ cho thuê hạ tầng đường sắt, khai thác thương mại các nhà ga và các nguồn thu liên quan khác để duy tu bảo dưỡng và đầu tư.

Theo DB, tập đoàn này nhận được khoảng 8,5 tỷ Euro từ ngân sách Chính phủ trong giai đoạn từ 2019 đến 2023, cho các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có một phần quan trọng dành cho đường sắt cao tốc ICE. Năm 2020, Đức đã công bố kế hoạch đầu tư 86 tỷ Euro cho cơ sở hạ tầng đường sắt trong giai đoạn 10 năm tới (2020-2030), với phần lớn trong số đó dành cho nâng cấp và bảo trì các tuyến ĐSCT.

Nguồn thu từ kinh doanh nhà ga, bãi hàng, kho hàng, trung tâm thương mại, dịch vụ... chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng doanh thu của DB, từ đó tái đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, tăng nguồn thu từ vận tải và dịch vụ hỗ trợ.

Bí quyết làm đường sắt cao tốc của Đức- Ảnh 3.

Nhà ga đường sắt tốc độ cao (Ảnh: Internet).

Không chỉ khai thác thương mại tại khu vực nhà ga, ĐSTĐC còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại các khu vực dọc theo tuyến đường sắt.

Hệ thống ĐSCT đã thay đổi cách kết nối giữa các thành phố lớn và vùng nông thôn. Các khu vực có khoảng cách xa với các trung tâm kinh tế nay được kết nối dễ dàng hơn, thu hút đầu tư và nhân lực chất lượng cao đến các khu vực này. Những khu vực gần các trạm ICE thường chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về giá trị bất động sản và cơ sở hạ tầng thương mại.

Như thành phố Kassel, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Đức (IVD), từ khi ICE mở rộng tuyến đến Kassel-Wilhelmshöhe, giá bất động sản tại đây đã tăng trung bình 10-20% mỗi năm trong vòng 5 năm đầu tiên sau khi trạm ICE hoạt động. Nền kinh tế khu vực cũng tăng trưởng mạnh, với nhiều doanh nghiệp chọn đặt trụ sở hoặc văn phòng chi nhánh tại đây do khả năng kết nối nhanh chóng với các trung tâm lớn như Frankfurt, Hamburg và Berlin.

Đức thuộc nhóm các nước có công nghệ gốc đã tự nghiên cứu và phát triển ĐSTĐC. Tất cả các tuyến ĐSTĐC của Đức đều có khổ 1.435mm và được điện khí hóa sử dụng nguồn điện 15 kV AC, 16,7 Hz.

Công nghệ ĐSTĐC của Đức chủ yếu đến từ Siemens và hiện đã được xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu. Công nghệ đoàn tàu có cả 2 loại là: Công nghệ động lực tập trung cho các thế hệ đoàn tàu cũ tốc độ khai thác 200-280km/h; Công nghệ động lực phân tán EMU cho các đoàn tàu thế hệ mới tốc độ khai thác 250-300km/h.

Hiện, Siemens có xu hướng chuyển đổi công nghệ đoàn tàu sang loại động lực phân tán EMU thay cho công nghệ động lực tập trung trước đây.

Bất ngờ với quốc gia đứng đầu châu Âu về đường sắt tốc độ caoBất ngờ với quốc gia đứng đầu châu Âu về đường sắt tốc độ cao

3.917km đã khai thác, 722km đang xây dựng là con số ấn tượng về mạng lưới đường sắt tốc độ cao Tây Ban Nha.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.