Trong bối cảnh ngành hàng hải thế giới phát triển, những nguy cơ, rủi ro tai nạn trên biển luôn thường trực, công tác tìm kiếm cứu nạn luôn phải tối ưu và phát huy hiệu quả. Trong đó, có công tác phối hợp quốc tế tìm kiếm cứu nạn tại những khu vực vùng biển quốc tế.
Hồi tháng 7/2023, Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải VN (VMRCC) từng tham gia phối hợp quốc tế tìm kiếm cứu nạn 4 ngư dân Việt Nam gặp nạn trên vùng biển trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia.
Theo đó, Trung tâm nhận được thông tin báo nạn từ một tàu nước ngoài phát hiện một tàu cá bị chìm, có 3 người đang trôi dạt trên biển tại vị trí cách Nam Đông Nam Côn Đảo khoảng 145 hải lý.
Ngay lập tức, trung tâm đã kích hoạt phương án tìm kiếm cứu nạn, thông báo cho các cơ quan cứu nạn của Singapore, Malaysia, Indonesia phối hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ. Đồng thời, yêu cầu các tàu biển Việt Nam và quốc tế đang hoạt động trong khu vực cơ động nhanh đến hiện trường để tìm kiếm và cứu các nạn nhân trôi dạt trên biển.
Bộ GTVT, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Hàng hải VN đã nhanh chóng chỉ đạo Trung tâm điều động tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng SAR 413 đang ứng trực tại Côn Đảo ra hiện trường chỉ huy, điều hành các lực lượng trong nước và quốc tế để tìm kiếm và thực hiện hoạt động cứu nạn. Trong 6 ngư dân trên tàu bị chìm, có 4 ngư dân bị nạn đã được cứu kịp thời.
Theo đại diện VMRCC, mỗi năm, Trung tâm đều nhận được thông tin báo nạn từ một số vụ việc xảy ra tên vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, để công tác cứu nạn tại các khu vực này đạt hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ về thông tin của các quốc gia liên quan.
Cụ thể, khi nhận được yêu cầu cứu nạn từ chủ tàu/thuyền trưởng, đơn vị tiếp nhận thông tin báo nạn sẽ chủ trì, có thể kết nối với các lực lượng cứu nạn của các quốc gia lân cận theo quy định của Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn trên biển - SAR 79 để phối hợp triển khai công tác cứu nạn.
"Tuỳ tính chất của từng vụ tai nạn, việc huy động phương tiện, nhân lực cứu nạn sẽ linh động để đạt hiệu quả. Do vùng biển quốc tế đa số là vùng biển xa, thời gian để lực lượng cứu nạn từ bờ di chuyển ra khu vực mất nhiều thời gian nên phương án cứu nạn hiệu quả nhất vẫn là "4 tại chỗ".
Các tàu thuyền quanh khu vực, bao gồm các tàu quốc tế khi nhận được thông tin huy động cứu nạn đều phải tham gia công tác cứu nạn", đại diện VMRCC thông tin.
Từ năm 2007, Việt Nam là thành viên của Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn trên biển - SAR 79 từ năm 2007. Các quốc gia có biển phải tiến hành các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong vùng biển thuộc trách nhiệm của mình.
Để thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước về tìm kiếm cứu nạn trên biển, hiện nay, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải VN đóng vai trò là cơ quan đầu mối phối hợp quốc tế và trực tiếp thực hiện các hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Thực hiện tuyên bố ASEAN về hợp tác tìm kiếm và cứu nạn người và tàu thuyền gặp nạn trên biển và Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Philippines về hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên biển, Trung tâm được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam về thực hiện thỏa thuận tìm kiếm cứu nạn với các nước ASEAN. Trung tâm cũng llà cơ quan đầu mối đường dây nóng về tìm kiếm cứu nạn ASEAN - Trung Quốc.
Đại diện Trung tâm cho biết đã thiết lập kênh liên lạc trực tiếp với các tổ chức tìm kiếm cứu nạn thế giới.
Đồng thời, chủ trì hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển Việt Nam khi có các lực lượng quốc tế tham gia, phối hợp xử lý thông tin liên quan đến đối tượng bị nạn, nguồn lực có thể huy động tham gia hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển quốc tế, vùng biển thuộc trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn của các quốc gia lân cận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận