Giá đất tăng cục bộ nhiều nơi
Sau thông tin sáp nhập một số tỉnh, tình trạng "sốt đất" diễn ra ở nhiều nơi, Hưng Yên là một trong số đó. Theo ghi nhận của PV tại xã Liên Phương, TP Hưng Yên, những thửa đất gần quy hoạch khu hành chính công của tỉnh năm ngoái chào bán 30 triệu đồng/m2, thì nay đã chào bán tới 70 triệu đồng/m2.

Nhiều nơi "sốt đất" sau thông tin sáp nhập tỉnh. Ảnh NH.
Anh Trần Đình Toàn, môi giới Công ty Bất động sản Đông Đô (Hưng Yên), cho biết giá đất ở đây đã tăng gấp nhiều lần cách đây 1 năm. Đất nền đang rất loạn, ở những điểm nóng, giá được hét tăng cao từng ngày dù hạ tầng không có gì đặc biệt.
Tương tự tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), giá đất nơi đây tự nhiên tăng giá 20-30%, đặc biệt có nơi đến 50%. Trong số đó phải kể đến là giá đất khu tái định cư phường Thanh Miếu. Trước Tết nguyên đán 2025, giá mặt bằng chung dao động từ 25-30 triệu/m², thì nay, giá thấp nhất được chào bán 36 triệu đồng/m2 (tăng 20%).
Theo Property Guru Việt Nam, giá đất tại Văn Giang (Hưng Yên) chào bán 125-150 triệu đồng/m2. Giá đất tại các xã Phụng Công, Xuân Cao, Cửu Cao đang ở mức 40-55 triệu đồng/m2, tăng khoảng 5% so với tháng 1/2025. Đất kinh doanh mặt đường Lương Định Của, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng thuộc phường An Tảo (thành phố Hưng Yên) có giá bán 30-35 triệu đồng/m2. Đất tại đường An Vũ, Nguyễn Biểu, Nguyễn Văn Linh (phường Hiến Nam), rao bán 26-32 triệu đồng/m2.
Tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), giá đất rao bán thuộc phường Thọ Sơn tăng từ 15-17 triệu đồng/m2 lên mức 22-24 triệu đồng/m2. Những lô có vị trí đẹp, mức giá được rao bán đang là 25-27 triệu đồng/m2. Đất Vân Phú tăng từ 18-20 triệu đồng/m2 lên 19,5-22 triệu đồng/m2...
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), sau vài tuần kể từ khi có thông tin đề xuất sáp nhập tỉnh, giá đất tại một số địa phương đã bị đẩy lên cao, có nơi lên tới 20%. Giá đất tăng chủ yếu ở những nơi dự đoán là trung tâm sáp nhập, có mặt bằng giá bất động sản chưa quá cao.
VARS cho biết tình trạng "sốt đất" cục bộ nhiều nơi này không phải mới. Lịch sử thị trường cho thấy, mỗi khi xuất hiện thông tin về quy hoạch mới, giá đất ở khu vực liên quan thường tăng mạnh trong ngắn hạn.
Người dân cẩn trọng kẻo "tiền mất, tật mang"
Theo VARS, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý "FOMO" (sợ bỏ lại phía sau) của nhà đầu tư. Trước các thông tin này, họ tỏ ra khẩn trương và vội vàng hơn trong các quyết định xuống tiền. Với niềm tin mạnh mẽ rằng, sự thay đổi chắc chắn sẽ kéo theo việc phát triển kinh tế, xã hội, cùng với đó là giá của bất động sản cũng tăng theo.
Ở thời điểm hiện tại, quyết định này còn được thúc đẩy và cộng hưởng bởi dự đoán việc điều chỉnh bảng giá đất trong thời gian tới ở các địa phương sẽ gián tiếp đẩy giá đất tăng.
Thực tế cho thấy, phần lớn các đợt tăng giá này đều mang tính chất đầu cơ. Bởi lẽ, kể cả khi có sự thay đổi về mặt hành chính liên quan đến quyết định sáp nhập, thì cũng chưa chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển vượt trội tại các khu vực, ít nhất là trong ngắn hạn, đặc biệt là trong bối cảnh giá bất động sản đang bị đẩy lên cao so với thu nhập của phần đông người dân trong thời gian vừa qua.
VARS cũng cảnh báo, các quyết định vội vàng khi nghe thông tin sáp nhập tỉnh, thành và chưa nghiên cứu, đánh giá kỹ sẽ khiến nhà đầu tư phải đối diện với nhiều rủi ro. Hệ quả là không ít nhà đầu tư bị chôn vốn, không đủ lực trụ đến khi giá bất động sản thật sự tăng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng giá trị bất động sản muốn tăng lên một cách bền vững cần có nền tảng, nghĩa là phải có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội, ví dụ như việc mở thêm các tuyến đường lớn, metro, trường học hay có khả năng tạo ra dòng tiền từ việc khai thác cho thuê. Những đợt sốt đất chỉ dựa trên tin tức mà không đi kèm với các kế hoạch đầu tư phát triển thường có chu kỳ ngắn, tăng nhanh nhưng khó có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài.
Ông Đính khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng, những cơn "sốt đất" ảo thường chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ nhà đầu cơ. Nhà đầu tư cá nhân có nguy cơ mắc kẹt khi "đu đỉnh".
Ông Phạm Đức Toản, Chuyên gia bất động sản, cũng cho rằng một số địa phương được đồn đoán là trung tâm hành chính sau khi sáp nhập đã khiến giá đất tăng "phi mã". Việc nhà đầu tư chạy theo tin đồn là rất mạo hiểm, đặc biệt đối với những người sử dụng vốn vay "lướt sóng". Ông Toản cho rằng, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ và nên chờ đợi các thông tin chính thống, rõ ràng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận