Để các dự án có điều kiện bứt tốc, rất cần các bộ, ngành, cơ quan chức năng sớm rà soát để có cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Lỡ nhịp vì vướng đất rừng
Khởi công sớm, từng dẫn đầu tiến độ các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, song những tháng gần đây, gói thầu XL11 không thể bứt tốc do còn vướng GPMB đất rừng tự nhiên.
Tiếp cận công trường gói thầu XL11 do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhận, ghi nhận của PV Báo Giao thông, mỗi ngày nhà thầu chỉ có thể dồn lực thi công ở các hạng mục cầu, cống, công trình phụ trợ. Dọc chiều dài hơn 23km tuyến chính, nhiều vị trí đã bàn giao công địa nhưng không thể đẩy nhanh khối lượng thi công nền đường do cạn nguồn vật liệu đất đắp.
Sốt ruột nhìn về những chiếc máy rải, máy lu nằm "đắp chiếu", đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, thời gian qua, nguồn đất đắp hạn chế, nhiều mũi thi công nền đường phải hoạt động cầm chừng.
Toàn bộ nguồn đất đá điều phối trước đây đã được thi công hết. Số còn lại (khoảng 1 triệu m3 đát đắp và 700 nghìn m3 đá điều phối) đang bị tắc tại khu vực rừng tự nhiên, khoảng 2,46km, chờ các quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển đổi, giải phóng mặt bằng.
Theo lãnh đạo ban điều hành dự án, XL11 là gói thầu khởi công sớm nhất trên tuyến. Ngay từ đầu, các nhà thầu đã bứt tốc, sản lượng thi công đạt 31-32% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra. Thế nhưng, việc chưa thể tháo gỡ mặt bằng khu vực đất rừng tự nhiên khiến gói thầu thiếu nguồn vật liệu điều phối, nguy cơ chậm tiến độ thường trực.
Ông Trần Thanh Hoài, Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 cho biết, tuyến chính cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn đi qua hơn 12ha rừng chưa được chuyển mục đích sử dụng. Đơn vị đã kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tổng hợp, trình các cấp có thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, theo báo cáo, việc điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cần thực hiện trên địa bàn 7 tỉnh. Trong đó, diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng tại 5 địa phương (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên) không ảnh hưởng đến công tác thi công. Riêng phạm vi cần chuyển mục đích sử dụng tại Bình Định và Khánh Hòa ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.
Cụ thể, dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn qua Bình Định còn vướng 2,5km với khối lượng đào khoảng 2,6 triệu m3. Dự án Vân Phong - Nha Trang qua Khánh Hòa còn vướng khoảng 0,9km với khối lượng đào khoảng 0,9 triệu m3.
Vẫn phải chờ các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
Có 3 dự án thành phần đi qua địa bàn gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, theo tính toán, có gần 101ha đất rừng cần được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nằm trên địa bàn các huyện: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Trong đó, có hơn 3ha rừng tự nhiên và hơn 97,5ha rừng trồng.
Hiện, UBND Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng nêu trên.
Thông tin thêm, lãnh đạo Sở NN&PTNN tỉnh Hà Tĩnh cho biết, quá trình thi công cao tốc đoạn Vũng Áng - Bùng, chủ đầu tư có đề xuất tăng thêm diện tích rừng cần chuyển đổi là hơn 17ha (rừng tự nhiên 2,66ha, rừng trồng hơn 14ha).
"Sở NN&PTNT đã đề nghị Ban QLDA 6 phối hợp với Sở TN&MT, các địa phương, đơn vị liên quan rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nội dung về báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định", vị này chia sẻ.
Tại tỉnh Quảng Bình, phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trong năm 2023.
"Diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng trên địa bàn Quảng Bình là hơn 663ha. Đến nay, các địa phương đã hoàn thiện các thủ tục và đang chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt", đại diện Sở GTVT Quảng Bình cho hay.
Cần chuyển mục đích sử dụng hơn 438ha rừng
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, hiện Chính phủ đã hoàn thành việc lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và giao Bộ trưởng Bộ TN&MT thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Nghị quyết 273.
Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, Bộ TN&MT đang rà soát, hoàn thiện báo cáo Chính phủ trước khi thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ TN&MT cho biết, theo số liệu tổng hợp của các bộ chuyên ngành và địa phương, diện tích rừng phát sinh, tăng thêm so với Nghị quyết số 273 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là hơn 438ha (gồm hơn 31ha rừng tự nhiên, hơn 407ha rừng trồng).
Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh tăng hơn 17ha; tỉnh Quảng Bình tăng hơn 222ha; tỉnh Quảng Trị tăng hơn 9ha; tỉnh Quảng Ngãi tăng gần 3ha; tỉnh Bình Định tăng hơn 92ha; tỉnh Phú Yên tăng gần 90ha và tỉnh Khánh Hòa tăng hơn 4ha.
Diện tích đất rừng cần chuyển mục đích sử dụng tăng gần 583ha. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh tăng hơn 82ha; tỉnh Quảng Bình tăng gần 83ha; tỉnh Quảng Trị tăng gần 14ha; tỉnh Quảng Ngãi tăng hơn 19,5ha; tỉnh Bình Định tăng gần 157ha; tỉnh Phú Yên tăng hơn 277ha. Riêng tỉnh tỉnh Khánh Hòa giảm gần 50ha.
Nguyên nhân dẫn đến thay đổi số liệu diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên là do khi triển khai bước lập thiết kế kỹ thuật, phương án tuyến cần được tối ưu hóa để đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật; cập nhật chính xác điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn dẫn đến thay đổi cao độ đường đỏ, độ dốc mái đào, đắp; xác định chính xác hơn ranh giới, phạm vi chiếm dụng đất của dự án.
Đáp ứng nhu cầu thực tế phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ TN&MT đề xuất Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên cần chuyển mục đích sử dụng theo kết quả trên thực tế đã phát sinh để thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, giao Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có dự án đi qua khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập, phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định.
Quá trình thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án, thống kê, kiểm đếm chính xác về loại đất, diện tích đất, tài sản trên đất, về loại rừng, diện tích rừng; Giám sát tận thu đúng trong phạm vi chuyển mục đích sử dụng đất; Không để lợi dụng khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép, lấn, chiếm đất, khai thác và vận chuyển khoáng sản không đúng quy định.
Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; bảo đảm quyền lợi, đời sống, an sinh xã hội cho người dân có đất, rừng bị thu hồi.
Tại Nghị quyết số 273 ngày 11/7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng là hơn 1.054ha rừng để thực hiện dự án (rừng tự nhiên gần 40ha, rừng trồng hơn 1.000ha).
Diện tích đất rừng cần chuyển đổi là xấp xỉ 1.864ha (đất rừng phòng hộ hơn 138ha, đất rừng đặc dụng hơn 4,6ha, đất rừng sản xuất hơn 1.721ha).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận