Còn chạy theo thành tích, chất lượng chưa cải thiện
Sáng 30/10, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đã báo cáo Quốc hội "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".
Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời với ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, có phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các chương trình; tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, Chính phủ; sử dụng tối đa kết quả kiểm toán, thanh tra và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.
Với chương trình xây dựng nông thôn mới, tính đến ngày 30/6, cả nước có 6.022 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới.
19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 5 tỉnh hoàn thành chương trình nông thôn mới).
Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo.
Đoàn giám sát đánh giá: "Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững... Cơ sở hạ tầng có dấu hiệu xuống cấp, công tác duy trì kết quả bền vững ở một số xã sau khi hoàn thành nông thôn mới còn hạn chế".
Về giảm nghèo, giai đoạn 2021-2025, mặc dù còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhưng năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 3,4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao.
Nhiều chỉ tiêu về hạ tầng, kinh tế - xã hội khác cơ bản đều đạt so với mục tiêu của chương trình.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát chỉ ra việc phân bổ ngân sách Trung ương còn chậm. Bên cạnh đó, còn có tình trạng "chạy theo thành tích" giảm nghèo đa chiều của một số huyện nghèo.
Các huyện nghèo mới chỉ quan tâm đánh giá việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, chưa đánh giá thực chất mức tăng thu nhập bình quân đầu người hằng năm.
Do đó, trên thực tế nhiều tiêu chí quan trọng về chất lượng cuộc sống của người dân chưa được cải thiện, nâng cao một cách thực chất, bền vững sau khi đạt chuẩn nông thôn mới.
Về chương trình phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ hết cho các địa phương, đảm bảo theo quy định hiện hành.
Tình hình giải ngân năm 2023 đã có tiến bộ, nhất là vốn đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công Trung ương đến tháng 6/2023 (bao gồm cả vốn 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt 22%, ước đến tháng 9/2023 đạt 52%, nhiều địa phương giải ngân trên 60%.
Theo báo cáo, Chương trình đến nay đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra, xong trên thực tế, Đoàn giám sát nhận định, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm.
"Khả năng đạt mức thu nhập bình quân tăng 2 lần so với 2020, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu về thiếu đất ở, đất sản xuất, quy hoạch dân cư và nhiều chỉ tiêu khác đến năm 2025 ở vùng dân tộc thiểu số theo mục tiêu của Chương trình là rất khó khăn", Đoàn giám sát đánh giá.
Có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, Đoàn giám sát chỉ ra 7 nguyên nhân chủ quan.
Trong đó, đây là lần đầu tiên thực hiện cơ chế, quản lý, chỉ đạo chung 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Đây cũng là lần đầu tiên thực hiện các nguyên tắc đổi mới của Quốc hội (thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường phân cấp cho địa phương và nhiều yêu cầu khác về đổi mới cơ chế quản lý, nội dung tiếp cận xây dựng chính sách…), vì thế, không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng về chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Việc Trung ương chưa cụ thể hóa được cơ chế đặc thù, mất nhiều thời gian để ban hành văn bản hướng dẫn đã làm chậm tiến độ thực hiện các Chương trình.
Bên cạnh đó, năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, công chức tham mưu, xây dựng văn bản, chính sách; quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình còn hạn chế về số lượng và chất lượng, nhất là cấp huyện, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đoàn giám sát chỉ ra còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh, tâm lý sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện một số chính sách còn chưa rõ ràng, đồng bộ.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành một số địa phương chưa thực sự sâu sát, có nơi còn lúng túng trong việc ban hành văn bản, hướng dẫn thực hiện theo thẩm quyền.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận