Sau bão Yagi (bão số 3), trên khắp các tuyến đường nội thành TP Hà Nội, hầu như không có đường phố nào không có cây xanh đổ, gãy.
Trong số hàng vạn cây xanh đổ, gãy nằm la liệt, chắn ngang nhiều đường phố có rất nhiều cây cổ thụ, đại thụ trên dưới trăm năm tuổi. Rất nhiều cây cổ thụ trong số đó gắn liền với ký ức nhiều thế hệ người Hà Nội, là kỷ niệm của biết bao du khách từng có dịp đến với Thủ đô.
Bởi thế mà nhìn cảnh những cây cổ thụ bật gốc, nằm la liệt, nhiều người không khỏi tiếc nuối, xót xa.
Những ai từng đến Nhà thờ Lớn (phố Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm) chắc hẳn đều biết đến cây si cổ thụ và chọn địa điểm dưới tán cây làm nơi checkin. Nhưng sau cơn bão, nó đã bị quật đổ. Nhiều người tiếc nuối và chỉ mong sao chính quyền có cách nào đó trồng lại được cây si này.
Hay như con phố Phan Đình Phùng, con phố được xem là thơ mộng nhất Thủ đô, cũng có hàng chục cây cổ thụ bật gốc. Người qua đường chứng kiến cảnh đó đều không khỏi xót xa.
Đó còn là cây sưa "đẹp nhất Hà Nội" trên đường Hoàng Diệu, "cụ" cây "5 trong 1" si, đa, sanh, nhội, bồ đề mọc, trồng quấn lấy nhau thành một trước số nhà 48 Hàng Cót; cây si trên trăm tuổi ở ngã tư Hàng Bún - Phạm Hồng Thái; cây hoa sữa trăm tuổi ở vườn hoa Hàng Đậu; cây xà cừ gần trăm tuổi trên phố Hàng Vải…
Trải qua thăng trầm, mưa gió cả thế kỷ, những cây đại thụ đó vẫn đứng vững, trở thành nhân chứng của thời gian.
Cây xanh là niềm tự hào của Hà Nội, xét ở góc độ nào đó, còn là một phần lịch sử và văn hoá Thủ đô. Nhất là những cây cổ thụ, chúng đều mang những giá trị riêng, gắn liền với những năm tháng hào hùng của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Nhiều cây xanh không chỉ đem lại bóng mát, lợi ích về môi trường mà còn gắn với ký ức của biết bao thế hệ.
Nhắc đến phố, đến phường Hà Nội, người ta không thể không nhắc đến cây xanh. Gợi nhớ về những kỷ niệm, nhiều người cũng thường lấy cây xanh làm chỉ dấu…. Những hàng cây rợp bóng mát cũng đã đi vào thơ, ca, nhạc, hoạ, khiến ai gần thấy thương, ai xa thấy nhớ…
Để có được một cây xanh mất rất nhiều thời gian, có khi chục năm, thậm chí cả trăm năm. Bởi thế, với những cây gãy đổ do bão Yagi, cần phải có giải pháp kịp thời.
Nhất là những cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm, có giá trị bị nghiêng đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay, đảm bảo cho cây tiếp tục sinh trưởng, hoặc di chuyển về vườn ươm chăm sóc, trồng lại vào các vị trí phù hợp.
Quả thực, bão Yagi là cơn bão có cường độ rất mạnh, nên việc nó gây thiệt hại nặng nề cũng là điều dễ hiểu. Nhưng qua lần này cũng có thể thấy, việc chăm sóc và quản lý cây xanh, nhất là những cây cổ thụ, quý hiếm cần phải được xem xét lại.
Không ai chắc rằng sẽ không có cơn bão nào như Yagi đổ bộ nữa. Vậy thì lúc đó sẽ thế nào? Không lẽ chúng ta sẽ tiếp tục phải chứng kiến thêm nhiều cây cổ thụ nữa bị bật gốc, để rồi lại tiếp tục tiếc nuối, xót xa?
TS Phạm Quang Long (Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính VN)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận