8 tháng, xử lý hơn 1.500 tài xế dương tính ma túy
Khoảng 9h ngày 19/9, tổ công tác Đội CSGT-TT Công an TP Long Khánh (Đồng Nai) phát hiện xe tải BKS 60C - 528.51 có dấu hiệu chạy quá tốc độ nên ra hiệu lệnh dừng lại để kiểm tra. Thay vì chấp hành, tài xế tăng ga bỏ chạy, tổ công tác phải dùng xe mô tô, rút súng truy đuổi 10km.
Thống kê của Cục CSGT, 8 tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT kiểm tra phát hiện hơn 1.500 tài xế dương tính ma túy.
Qua kiểm tra, cảnh sát xác định tài xế Phan Xuân Trung (SN 1992, ngụ huyện Thống Nhất) sử dụng chất gây nghiện trước khi điều khiển phương tiện.
Trước đó, tối 29/8, tổ công tác Cục CSGT và Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên làm nhiệm vụ trên QL1A phát hiện tài xế xe khách BKS 77B-013.29 chở 28 người có dấu hiệu bất thường. Lái xe khai, một ngày trước đã hút heroin để giúp tinh thần tỉnh táo khi làm việc.
Tại nhiều nước, lái xe sử dụng ma túy hay bất kỳ các chất kích thích khác cũng đều bị thu hồi bằng lái, cho đến khi người này có giấy chứng nhận đã cai nghiện thành công và phải thi lại bằng lái (có hồ sơ sức khỏe đảm bảo) mới được tiếp tục lái xe.
Song, hồ sơ sức khỏe của tài xế này sẽ được tích hợp lên hệ thống cơ sở dữ liệu y tế, để nếu lực lượng chức năng phát hiện tái phạm sẽ tịch thu vĩnh viễn và không được thi lại GPLX thêm bất cứ lần nào.
PGS.TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng
Thống kê của Cục CSGT, trong 8 tháng đầu năm, lực lượng CSGT toàn quốc xử lý hơn 1.500 trường hợp lái xe dương tính với ma túy. Riêng 15 ngày tổng kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải (từ ngày 15/8 - 30/8), cảnh sát xử lý 10 trường hợp, trong đó, có 4 tài xế ô tô vận tải hành khách, 6 tài xế xe container.
Hiểm họa khôn lường từ việc tài xế nghiện ma túy ai cũng đã thấy rõ, điển hình nhất là vụ 8 người tử vong ở Hải Dương, vụ 4 người tử vong ở Long An cách đây chưa lâu.
PGS.TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, ma túy có tác động trực tiếp đến hệ thần kinh, sức khỏe người lái xe khiến họ dễ bị ảo giác, mất tỉnh táo.
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT đường bộ số 9, Phòng CSGT Hà Nội cũng cho biết: "Tài xế nghiện ma túy khi rơi vào hai trạng thái "đói" thuốc hoặc phê thuốc có thể gây nguy hiểm cho người khác. Bởi khi "đói" thuốc, lái xe sẽ cảm thấy mệt mỏi, ngáp liên tục, chảy nước mắt, thiếu quan sát, khả năng xử lý tình huống chậm. Còn khi phê thuốc lại bị hưng phấn quá độ, dễ mất kiểm soát và có xu hướng phóng nhanh, vượt ẩu, rất dễ gây tai nạn".
Ông Đỗ Văn Bằng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho biết, hiện chế tài xử phạt tài xế sử dụng ma túy mới chỉ dừng ở phạt vi phạm hành chính và tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) có thời hạn (tối đa 24 tháng). Sau thời gian này, họ vẫn tiếp tục được hành nghề nên chưa đủ sức răn đe.
Đại diện một doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định Hà Nội - Thanh Hóa cho biết, doanh nghiệp thực hiện quy định kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần đối với lái xe. Thậm chí, nếu thấy có dấu hiệu bất thường sẽ thực hiện test nhanh đột xuất, nếu phát hiện tài xế sử dụng chất cấm sẽ đuổi việc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, hiện các đơn vị kinh doanh vận tải nhỏ lẻ chưa chưa coi trọng vấn đề này. Thậm chí nhiều hộ kinh doanh cá nhân chỉ có 1-2 tài xế còn để cho lái xe tự đi kiểm tra sức khỏe và nộp lại kết quả. Đây là một lỗ hổng cần giải quyết.
Siết cả doanh nghiệp và lái xe
Lực lượng chức năng truy đuổi tài xế xe tải sử dụng ma tuý, chống đối ở Đồng Nai.
Để hạn chế tình trạng trên, tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái đang được Bộ GTVT lấy ý kiến đã đề xuất thu hồi GPLX đối với người lái xe bị cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể có chất ma túy (thông qua việc khám sức khỏe, xử phạt vi phạm hành chính hoặc qua xác định nghiện ma túy).
Đồng thời, Thông tư cũng bổ sung trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải, ngoài chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý kịp thời người lái xe vi phạm theo nội quy, quy chế của đơn vị còn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp không theo dõi để nhắc nhở, xử lý kịp thời các trường hợp lái xe vi phạm dẫn đến TNGT.
Từ quy định này, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn, sát sao hơn trong việc theo dõi, giám sát người lái xe không chỉ qua tiếp xúc mà còn thông qua camera giám sát trên phương tiện trong suốt quá trình họ làm việc để kịp thời xử lý nếu phát hiện bất thường.
Trường hợp lái xe sử dụng chất kích thích gây tai nạn, các doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới và bị xử phạt vì giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông gây ra hậu quả.
Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, Bộ Công an cũng đề xuất quy định xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, các đề xuất trên rất cần thiết để quản lý toàn diện, chặt chẽ người lái xe. Thông qua các cơ sở dữ liệu được xây dựng, lực lượng chức năng, cơ quan quản lý dễ dàng xác định được tài xế sử dụng ma túy để thực hiện thu hồi GPLX, ngăn những đối tượng này tiếp tục hành nghề gây nguy hiểm cho chính họ và người tham gia giao thông khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận