Hàng hải

Diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Thừa Thiên Huế

04/11/2024, 15:33

Ngày 4/11, tại cầu cảng số 2 - Bến cảng Chân Mây, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải trong vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế năm 2024.

Nhịp nhàng vận hành cơ chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn...

Buổi diễn tập nhằm hoàn thiện hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn trong vùng nước cảng biển phù hợp với điều kiện kinh tế biển, vị trí địa lý tại địa phương nhằm phát huy thật tốt, hiệu quả phương châm "4 tại chỗ".

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống trực canh, thu nhận và xử lý thông tin báo nạn nhanh, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trong phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN).

Diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Thừa Thiên Huế- Ảnh 1.

Các lực lượng diễn tập phối hợp TKCN hàng hải trong vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế năm 2024.

Ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Việt Nam là thành viên Công ước quốc tế TKCN trên biển năm 1979 (Công ước SAR 79) từ năm 2007.

Từ khi tham gia Công ước, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương các tỉnh ven biển nói chung, Cục Hàng hải Việt Nam nói riêng luôn quan tâm thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm quốc gia có biển. Mọi người đều có quyền được ứng cứu, hỗ trợ khi bị nạn trên biển, không phân biệt màu da, quốc tịch; góp phần xây dựng môi trường đầu tư an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; khẳng định chủ quyền quốc gia, vị trí, vị thế của Việt Nam trên đường quốc tế.

Diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Thừa Thiên Huế- Ảnh 2.

Ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam phát biểu tại buổi diễn tập.

Để triển khai có hiệu quả Công ước SAR 79, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về quy chế phối hợp TKCN trên biển và trong vùng nước cảng biển, trong đó định kỳ cơ quan chủ trì TKCN xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập trong vùng trách nhiệm TKCN ở trung tâm.

Những năm qua, hàng năm lực lượng TKCN đã thu nhận và xử lý 400-500 vụ có liên quan đến tai nạn, sự cố trên biển, cứu và hỗ trợ hàng trăm lượt người, tàu thuyền trong và ngoài nước, bao gồm tàu cá, tàu vận tải và các loại phương tiện giao thông khác gặp nạn trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam.

Góp phần nâng cao ý thức chấp hành ATGT, sẵn sàng thực hiện tìm kiếm cứu nạn

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương nằm trong khu vực trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội miền Trung, đồng thời vùng biển Thừa Thiên Huế cũng nằm trên tuyến đường hàng hải Bắc - Nam.

Tuy nhiên, khu vực này thường xuyên chịu ảnh hưởng từ các loại hình thiên tai như bão lụt, áp thấp nhiệt đới gây ra. Vì vậy, việc TKCN trong vùng nước cảng biển phải được thực hiện tốt, hiệu quả để thuyền viên, người lao động, khách du lịch thực sự yên tâm khi làm việc, du lịch trên biển; góp phần làm tăng trưởng kinh tế - xã hội trong đó có kinh tế biển.

Diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Thừa Thiên Huế- Ảnh 3.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười và Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh tại chương trình.

Được sự cho phép của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế chủ trì, phối hợp với các lực lượng, cơ quan, đơn vị liên quan tại khu vực tổ chức Diễn tập phối hợp TKCN trong vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế năm 2024.

Trong gần 2 giờ, các lực lượng tham gia diễn tập đã thực hiện tốt nhiệm vụ, hoàn thành đầy đủ các tình huống theo kịch bản đã đề ra; qua đó cho thấy thực tế công tác phối hợp TKCN trong vùng nước cảng biển, tầm quan trọng, tính hiệu quả phương án cứu nạn, sơ cấp cứu, chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ; đánh giá năng lực chỉ huy, điều hành của các cơ quan liên quan để sẵn sàng triển khai áp dụng thực tế.

Buổi diễn tập cũng góp phần tuyên truyền quảng bá hoạt động TKCN đến đông đảo quần chúng nhân dân, các cơ quan, đơn vị khu vực để nắm bắt, hiểu biết thêm về công tác TKCN, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về trật tự ATGT và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ TKCN.

Diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Thừa Thiên Huế- Ảnh 4.

Các phương tiện, lực lượng phối hợp TKCN hàng hải trong vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế tại buổi diễn tập.

Diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Thừa Thiên Huế- Ảnh 5.

Nạn nhân được đưa lên xe cứu thương sau khi được sơ cứu tại hiện trường.

Theo kịch bản diễn biến tình huống giả định diễn tập phối hợp TKCN hàng hải trong vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế năm 2024, vào lúc 1h ngày 4/11, một tàu biển chở hàng tổng hợp quốc tịch Việt Nam có trọng tải 3.000 DWT đang chở 2400 tấn than, trên tàu có 12 thuyền viên.

Tàu trên hành trình từ Quảng Ninh đến cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế), đang hành trình vào khu neo theo vị trí chỉ định của đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế tại Chân Mây.

Trước thời điểm đó, có 1 tàu khai thác thủy sản của tỉnh Thừa Thiên Huế, công suất máy 1.200 HP, trên tàu có 18 thuyền viên. Tàu cá này sau thời gian khai thác thủy sản trên biển đã vào thả neo ở khu neo Chân Mây, nhưng không thông báo cho đại diện Cảng vụ Hàng hải tại Chân Mây.

Khi tàu hàng hành trình vào khu neo theo chỉ định, mặc dù đã tổ chức cảnh giới nhưng do tàu cá không tổ chức cảnh giới, không trưng các đèn, dấu hiệu khi thả neo nên tàu hàng không phát hiện từ xa, không thể điều động tránh va hiệu quả.

Diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Thừa Thiên Huế- Ảnh 6.

Các lực lượng triển khai ứng phó sự cố tràn dầu tại buổi diễn tập.

Hậu quả, tàu hàng đã đâm va vào phía lái, mạn trái khu vực hầm máy tàu cá làm tàu cá thủng khu vực hầm máy, nguy cơ xảy ra cháy nổ, tràn dầu, nước tràn vào hầm máy, nguy cơ chìm tàu. Tàu hàng bị móp ở phần mũi tàu.

Sau khi đâm va, thuyền trưởng tàu hàng ấn báo động cấp cứu kênh 70 VHF, phát tín hiệu báo động toàn tàu, thông báo cho đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế tại Chân Mây; nắm tình hình thiệt hại xảy ra, hỗ trợ tàu cá khắc phục sự cố, TKCN.

Cùng lúc đó, thuyền trưởng tàu cá cũng báo động toàn tàu, tổ chức cho thuyền viên kiểm tra tình trạng của tàu, thông báo cho tàu hàng và yêu cầu hỗ trợ. Do tàu cá bị nước vào, tàu bị nghiêng có nguy cơ chìm, tàu bị chết máy, 5 thuyền viên trên tàu không giữ được bình tĩnh đã nhảy xuống nước.

Sau khi nhận được thông tin báo nạn, đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế tại Chân Mây đã yêu cầu tàu hàng phối hợp khẩn trương cứu vớt các thuyền viên tàu cá rơi xuống nước, kịp thời dùng trang thiết bị cứu sinh hiện có trên tàu, ném các phao áo, phao tròn cho các thuyền viên.

Diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Thừa Thiên Huế- Ảnh 7.

Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các đại biểu theo dõi chương trình diễn tập.

Đồng thời, báo cáo cho Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế để thông báo cho các cơ quan liên quan tổ chức ứng cứu theo quy chế phối hợp TKCN trong vùng nước cảng biển đã được Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế ký kết với các cơ quan, đơn vị có liên quan tại khu vực, trong đó chú trọng phương châm 4 tại chỗ.

Quá trình phối hợp tìm kiếm cứu người rơi xuống nước, thuyền viên tàu cá phát hiện tàu bị cháy ở khu vực kho vật tư sau lái. Nhận được thông tin báo cháy từ tàu cá, Chỉ huy hiện trường điều động tàu SAR 411 của Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực I kịp thời tiếp cận tàu cá để hỗ trợ công tác chữa cháy.

Các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai ngoài hiện trường dưới sự chỉ huy của tàu CVHHTTH 5 để cứu vớt 5 thuyền viên dưới nước và hỗ trợ chữa cháy tàu cá. Đồng thời, Chỉ huy hiện trường triển khai sơ tán toàn bộ thuyền viên tàu cá.

Quá trình triển khai ứng cứu, Chỉ huy hiện trường là tàu CVHHTTH 05 đã phát hiện có dấu hiệu dầu tràn từ tàu cá ra vịnh Chân Mây nên đã thông báo Trực ban cảng vụ để điều động phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng ra thu gom dầu tràn.

Diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Thừa Thiên Huế- Ảnh 8.

Trao tặng Giấy khen đột xuất của Cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong diễn tập phối hợp TKCN hàng hải trong vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế năm 2024.

Diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Thừa Thiên Huế- Ảnh 9.

Trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong tham gia diễn tập phối hợp TKCN hàng hải tại vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế năm 2024.

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng dưới sự phân công chỉ đạo của Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế và chỉ huy hiện trường, công tác cứu vớt toàn bộ số người rơi dưới nước đã nhanh chóng kết thúc, được sơ cứu y tế và đưa toàn bộ thuyền viên trên tàu cá về bờ an toàn, đồng thời đã dập tắt đám cháy và thu gom toàn bộ số dầu tràn ra biển.

Tàu cá sau khi đã khắc phục tạm thời lỗ thủng đã được lai kéo về vị trí an toàn để tiếp tục sửa chữa.

Diễn tập vận hành cơ chế tìm kiếm cứu nạn hàng khôngDiễn tập vận hành cơ chế tìm kiếm cứu nạn hàng không

TCT Quản lý bay VN (VATM) vừa phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Kiên Giang diễn tập vận hành cơ chế tìm kiếm cứu nạn hàng không năm 2023 (SAREX 2023).

Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn hàng hảiTăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn hàng hải

Để nâng cao năng lực và hiệu quả trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải, Việt Nam đã tích cực tổ chức các chương trình diễn tập, phối hợp với các quốc gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.