Cần 7.800 trạm sạc, tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD
Tại hội thảo "Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và cơ chế chính sách đầu tư hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam" do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) tổ chức ngày 13/3 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này rất khả thi.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm đến năm 2050, toàn bộ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Quá trình này, việc thúc đẩy phát triển hạ tầng trạm sạc là yếu tố không thể tách rời.
Song, tính đến năm 2021, chỉ có duy nhất VinFast sở hữu 150.000 cổng sạc được lắp đặt tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Theo quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đến năm 2050, Việt Nam sẽ xây dựng hơn 9.000km đường cao tốc, gấp gần 8 lần hiện tại. Các cao tốc sẽ có trạm dừng nghỉ và đây là nơi có thể đặt trạm sạc xe điện.
Theo GTVT, từ năm 2018 đến cuối năm 2022, cả nước có 7.780 xe ô tô điện. Chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2023, con số này đã tăng thêm 12.285 chiếc, chủ yếu là xe Vinfast.
Bên cạnh đó, hàng loạt nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như: TMT Motor, THACO, TC Motor và các hãng xe nước ngoài như OMODA, Wuling, Haima, Haval, Zhidou, Lynk & Co... chuẩn bị ra mắt những sản phẩm xe điện đầu tiên tại Việt Nam.
Với công nghệ xe điện hiện nay, pin xe điện thường cho phép xe đi được quãng đường khoảng 180-300km/lần sạc. Muốn đi đường dài chắc chắn cần trạm sạc dày đặc để có thể vừa đi vừa sạc trên đường.
Do đó, theo các chuyên gia, nhu cầu trạm sạc tại Việt Nam đang rất cao và là dư địa tốt để các nhà đầu tư trong nước khai thác.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Trọng, chuyên gia tài chính từng tham gia nhiều dự án giao thông, đánh giá khả năng thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này rất khả thi.
Với 39 trạm nghỉ trên toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông và giả định đến năm 2050 toàn bộ phương tiện lưu hành là xe điện, nhóm nghiên cứu của ông Trọng ước tính nhu cầu đầu tư khoảng khoảng 7.800 điểm sạc, trung bình khoảng 200 điểm sạc/trạm nghỉ.
Tính theo suất đầu tư năm 2024, sẽ cần khoảng 2,2 tỷ USD đầu tư cho giai đoạn 2025-2050.
Với ước tính chi phí mỗi lần sạc trong khoảng 30 phút và đầy khoảng 80% pin thì chi phí người tiêu dùng cần trả là khoảng 75 nghìn đồng.
Phí sạc này khá tương đồng so với thông lệ quốc tế. Khả năng chi trả của chủ sở hữu xe điện tốt hơn so với xe xăng do xe điện có chi phí vòng đời và vận hành tốt hơn.
"Nếu tính tỷ suất lợi nhuận cao hơn 4% so với lãi suất ngân hàng thì về lâu dài, các nhà đầu tư trạm sạc có thể hoàn vốn và có lãi", ông Trọng nói.
Chuyên gia này cho rằng, để thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng trạm sạc, điều quan trọng nhất là phải đẩy nhanh tốc độ chấp nhận xe điện. Đồng thời, lĩnh vực tư nhân cần được phép thu phí dịch vụ sạc để thu hồi vốn.
Ông khuyến nghị Bộ Tài chính cùng Bộ GTVT phối hợp để nghiên cứu và quy định phí dịch vụ sạc, từ đó đảm bảo chi phí hợp lý cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách điều chỉnh giá sạc theo giờ. Việc quy hoạch lưới điện cần được lên kế hoạch phù hợp với nhu cầu sạc xe điện để đảm bảo đủ công suất.
Với những trạm nghỉ trên cao tốc không tiếp cận được mạng lưới điện áp cao, cần xem xét lắp thêm hệ thống điện năng lượng mặt trời.
Trạm sạc nhanh không đúng chuẩn có thể gây hại
Chia sẻ về nghiên cứu ban đầu đánh giá tác động tiềm năng của trạm sạc tới lưới điện dọc theo đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, ông Nguyễn Bảo Huy (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, trên cơ sở quy hoạch cao tốc, dự báo quy mô xe điện và dự kiến lưu lượng giao thông trong tương lai, nhóm nghiên cứu đã đưa ra dự báo tổng nhu cầu sạc xe điện trên trục cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Cụ thể, con số này là 400 MW vào năm 2030, 4.671 MW vào năm 2040 và 7.851 MW vào năm 2050.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, để đáp ứng nhu cầu cần phải đạt được tỉ lệ 10 xe điện/bộ sạc và 2,4 kW/xe điện, với công suất đạt khoảng 0,46-29,9% tổng lưới điện. Theo đó, riêng tại các trạm sạc ở trạm nghỉ trên cao tốc, cần đầu tư bộ sạc từ nhanh (công suất 250 kW) đến siêu nhanh (350 kW).
Ông Huy nhận định: "Về cơ bản, nếu phát triển theo đúng quy hoạch đường bộ và quy hoạch điện 8 thì các trạm sạc sẽ không gây áp lực nhiều đối với khả năng cung cấp điện của các khu vực cao tốc đi qua. Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ trạm sạc cần có đánh giá tác động đến lưới điện".
Vì các trạm sạc nhanh có thể gây ra sóng hài (dạng nhiễu không mong muốn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng điện năng), dao động điện áp, tần số khiến điện lưới không ổn định. Điều này có thể ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất công nghệ cao như chip, bán dẫn cùng sử dụng lưới điện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận