Hàng hải

Lợi gì khi tàu ngoại tăng cường mở tuyến đến Việt Nam?

29/04/2023, 06:00

Việc các hãng tàu ngoại tăng cường mở tuyến, đưa tàu lớn vào Việt Nam mang tới nhiều cơ hội cho ngành hàng hải và logistics.

Tiết kiệm chi phí logistics, tăng thu ngân sách

Cuối tháng 3/2023, Cảng Quốc tế Gemalink (cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đón thành công “siêu tàu” container OOCL Spain với sức chở 24.188 TEU.

Hành trình của tàu kéo dài 84 ngày, đi qua một số cảng biển tại Trung Quốc rồi ghé Cái Mép trước khi tiếp tục đi Singapore, Hamburg (Đức), Rotterdam (Hà Lan), Abu Dhabi... và trở lại Thượng Hải.

img

Tàu OOCL Spain cập cảng Gemalink tại cảng biển Cái Mép - Thị Vải mở ra một tuyến dịch vụ mới

Đây là chuyến hành trình đầu tiên của tàu OOCL Spain trên tuyến Á - Âu LL3 và cũng là lần đầu cảng biển Việt Nam đón tàu container có trọng tải hơn 230.000 DWT.

Để kết nối và thuyết phục hãng tàu đưa tàu lớn về cảng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chặt chẽ từ doanh nghiệp cảng lẫn hãng tàu.

Ông Đỗ Công Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link tiết lộ, hãng tàu đưa ra nhiều yêu cầu và điều kiện, từ các yếu tố kỹ thuật, an toàn, khả năng tiếp nhận và xử lý hàng hóa, các yêu cầu về hậu cần và cơ sở hạ tầng.

“Họ yêu cầu độ sâu của tuyến luồng Cái Mép phải đảm bảo an toàn để tiếp nhận tàu có mớn nước lớn vào và ra các cảng trong khu vực. Cơ sở hạ tầng của cảng phải đủ năng lực tiếp nhận, khai thác hàng hóa cho các tàu container kích thước lớn. Còn có nhiều yêu cầu về năng lực của thiết bị khai thác, chiều dài cầu cảng, mức cước và đơn giá phù hợp”, lãnh đạo Gemalink chia sẻ.

Cũng vào cuối tháng 3, Cảng SSIT (Công ty TNHH Liên doanh Dịch vụ container quốc tế Cảng Sài Gòn - SSA) đón tàu Hansa Lanka của tuyến dịch vụ nội Á mới (tuyến Bengal), được khai thác bởi hãng tàu MSC.

Hansa Lanka là một trong 6 tàu được triển khai trên tuyến này, kết nối Việt Nam với Bắc Trung Quốc, Hàn Quốc, Bangladesh và các nước Đông Nam Á khác. Được biết, cảng SSIT còn đang đề nghị Bộ GTVT cấp phép cho tàu MSC có trọng tải hơn 200.000 DWT vào cảng.

Trước đó, cuối năm 2022, tàu Tampa Triumph với chiều dài 366m, trọng tải 150.709 DWT đã cập Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) để xếp dỡ hàng hóa kết nối trực tiếp thị trường Việt Nam với nước Mỹ. Đây là chuyến tàu thử nghiệm trên tuyến dịch vụ đi thẳng bờ Đông nước Mỹ mà hãng tàu Evergreen dự định đưa vào khai thác tại Cái Mép.

Theo các chuyên gia, việc các hãng tàu liên tục đưa tàu kích cỡ lớn vào cảng khai thác được đánh giá là xu hướng tất yếu, giúp các hãng tàu cắt giảm chi phí.

Điều đó cũng cho thấy cảng biển Việt Nam có thể tiếp nhận các tuyến dịch vụ với kích cỡ tàu siêu lớn đi thẳng Mỹ, châu Âu, giúp các doanh nghiệp và ngành logistics tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa XNK Việt Nam.

Ông Phan Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc SSIT nhận định, dù sản lượng bốc xếp của các hãng tàu lớn tại cảng không nhiều, nhưng mang tới cơ hội và lợi ích, góp phần quảng bá việc cảng biển Cái Mép đã đón được tàu lớn, để các hãng tàu khác xem xét.

Chưa kể, các phí hàng hải hiện nay từ phí bảo đảm an toàn hàng hải, phí luồng lạch, hoa tiêu... đều dựa trên GT của tàu nên tàu càng lớn, càng mang lại nguồn thu đáng kể, đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, vào mùa thấp điểm, tàu ngoại mở tuyến và đưa tàu lớn vào sẽ giúp doanh nghiệp cảng biển Việt Nam có thời gian để tổ chức đón tàu tốt hơn, có thêm kinh nghiệm cho lần sau.

“Sản lượng bốc dỡ dù nhỏ cũng mang lại phần nào hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp cảng. Trong bối cảnh sản lượng hàng giảm, cảng không thể cắt bỏ các chi phí cố định như nhân công, máy móc... thì có hàng vẫn tốt hơn không”, ông Vũ nói.

Kết cấu hạ tầng cảng biển còn hạn chế

img

Các tàu ngoại tăng cường đưa tàu lớn vào giúp doanh nghiệp XNK tiết kiệm chi phí logistics, góp phần đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước

Hiện nay, nhiều hãng tàu như: Cosco, CMA - CGM, OOCL... nhận tàu mới có kích cỡ lớn. Lãnh đạo cảng SSIT phân tích, sản lượng hàng giảm trên toàn cầu khiến hãng tàu dư thừa năng lực. Do đó, các hãng có xu hướng đưa thêm cảng mới vào tuyến hàng hải, ngay cả những cảng có sản lượng thấp.

Đánh giá việc thuyết phục hãng tàu đưa tàu lớn vào cảng không dễ, song ông Vũ cho rằng cơ hội vẫn có khi cơ sở hạ tầng cảng đáp ứng được. Cơ quan quản lý cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hãng tàu sau khi đánh giá thử nghiệm.

Đặc biệt, yếu tố quan trọng là phát triển thị trường, tăng lượng hàng xuất nhập khẩu. “Giá dịch vụ cảng biển của Việt Nam thấp nhất khu vực. Hệ thống cảng biển khai thác tốt, dịch vụ cung cấp ổn định. Đây là yếu tố mang tính cạnh tranh cao”, ông Vũ khẳng định.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Công Khanh, kết cấu hạ tầng cảng biển tại khu vực Cái Mép còn hạn chế nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Độ sâu luồng hạn chế hiện tại là -14 m (chưa thủy triều), trong khi tàu những tàu mẹ có mớn nước từ 15-16m. Điều này làm giảm sức chở của tàu.

Để tiếp nhận tàu, doanh nghiệp phải thường xuyên nạo vét và đảm bảo độ sâu trước bến đủ điều kiện. Tuy nhiên, ông Khanh cho biết, thủ tục giấy tờ khi xin phép nạo vét mất nhiều thời gian. Doanh nghiệp muốn có đơn giá cạnh tranh để thu hút hãng tàu, nhưng lại bị tính thuế môi trường với vật chất nạo vét.

“Điều này làm phát sinh nhiều chi phí, giảm sức cạnh tranh của cảng biển Việt Nam với các cảng nước khác trong khu vực”, ông Khanh nói và thông tin thêm, hãng tàu cũng ngại về nguồn hàng hóa lâu dài, cộng thêm hệ thống giao thông kết nối chưa hoàn thiện. Chưa kể, việc luân chuyển hàng hóa giữa các cảng cũng vướng nhiều thủ tục nên khó phát triển nguồn hàng trung chuyển.

Theo thông tin, doanh nghiệp cảng đã kiến nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có các chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp cảng biển trên địa bàn trong quá trình vận hành cảng. Đó là chủ trương không quy chất thải nạo vét là khoáng sản để các cảng có thể chủ động nạo vét duy tu trong thời gian sớm nhất với kinh phí phù hợp.

Điều này nhằm đảm bảo khu nước trước bến luôn có độ sâu phù hợp cho các tàu có kích cỡ lớn vào làm hàng tại cảng Gemalink và các cảng khác trong cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, đảm bảo dòng chảy lưu thông hàng hóa.

Đồng thời, để tiếp tục đón những chuyến tàu container có kích thước tương đương và lớn hơn tàu OOCL Spain vào cảng, lãnh đạo Gemalink nhấn mạnh, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh các bổ sung cần thiết trong thời gian tới, xây dựng phương án bảo đảm an toàn hàng hải phù hợp để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh các giải pháp, các doanh nghiệp cho rằng việc rút ngắn tiến độ thi công, hoàn thành nạo vét luồng Cái Mép đạt độ sâu -15.5m là hết sức cấp thiết, để đảm bảo độ sâu an toàn cho các tàu có kích cỡ lớn lưu thông vào các cảng trong khu vực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.