Trống trơn doanh thu
Vốn là một trong những đơn vị nghệ thuật truyền thống năng động nhất Thủ đô nhưng suốt mấy tuần nay, Nhà hát Múa rối Thăng Long đóng cửa im lìm. Sau khi đóng cửa trong đợt dịch thứ nhất, hậu giãn cách xã hội vào khoảng tháng 6 - 7, nhà hát đã tổ chức được một số suất diễn nhưng số lượng giảm đi rất nhiều so với khi không có dịch.
Thay vì 3 - 4 suất diễn/ngày như trước thì giảm chỉ còn 3 suất/tuần. Lợi nhuận chưa thấy đâu thì dịch bệnh lại ập tới đợt 2 khiến đơn vị lại phải đóng cửa chờ đợi.
Đáng nói, Nhà hát Múa rối Thăng Long là nhà hát nghệ thuật truyền thống duy nhất đã tự chủ 100%, tự hạch toán thu chi nhưng cũng phải lao đao trước sức “công phá” của dịch bệnh. Không chỉ khách nước ngoài vắng bóng, khách nội địa cũng ít ỏi.
“Nhà hát có một số suất diễn sau đợt dịch lần thứ nhất nhưng doanh thu chỉ đủ tiền điện nước… chứ không dư được đồng lợi nhuận nào”, nghệ sĩ Chu Lượng, Quyền Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long tâm sự.
Doanh thu không có nên nhà hát phải dùng tới quỹ dự phòng để tiếp tục vận hành, sửa chữa cơ sở vật chất, trả lương nghệ sĩ. Nhưng lãnh đạo đơn vị này vẫn lo nếu dịch kéo dài 1 năm nữa, nhà hát có thể phải đóng cửa vĩnh viễn.
Các đơn vị nghệ thuật truyền thống khác cũng rơi vào tình cảnh không một đồng lợi nhuận suốt từ đầu năm 2020 tới nay. Nhà hát Cải lương Việt Nam từ đầu năm tới giờ mới diễn một suất duy nhất vở “Chuyện tình Khau Vai” tại Nhà hát lớn Hà Nội, nằm trong kế hoạch khởi động các sân khấu sáng đèn trở lại sau mùa dịch đầu tiên.
Vì chưa có sân khấu riêng nên Nhà hát Cải lương Việt Nam càng gặp khó khăn trong việc giới thiệu các vở diễn tới khán giả, chỉ có thể trông chờ vào các hợp đồng với các cơ quan, ban ngành, địa phương.
Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng chỉ đi diễn phục vụ các hoạt động chính trị chứ chưa có nguồn thu nhập nào. Trước đây, doanh thu của nhà hát chủ yếu tới từ các gói diễn hợp đồng với các đơn vị và khai thác rạp Hồng Hà, nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hợp đồng đều phải hủy bỏ. Rạp Hồng Hà cũng ít được thuê tổ chức sự kiện nên đơn vị này hầu như không có nguồn thu.
Theo lời NSƯT Thu Huyền, Phó giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, nhà hát đã hủy toàn bộ các hợp đồng ký kết mùa lễ hội vào đầu năm và dịp Quốc khánh. Trong khi những hợp đồng đó mới là nguồn thu chính của đơn vị này.
Nhà hát chèo Việt Nam cũng không ngoại lệ khi phải hủy hết các show từ mùng 8 Tết trong đợt dịch 1. Hiện thỉnh thoảng cũng có một số đơn vị ngỏ lời mời diễn nhưng nhà hát không dám nhận. Trong tháng 6, 7 vừa qua, Nhà hát chèo Việt Nam cũng diễn được một vài suất, duy trì chiếu chèo vào mỗi thứ 6 nhưng đến ngày 1/8 lại phải dừng lại tất cả.
Khác với Nhà hát Múa rối Thăng Long, các đơn vị nghệ thuật truyền thống kể trên đều là những đơn vị trực thuộc nhà nước, nên có sự hỗ trợ nhất định về chế độ lương cơ bản dành cho các nghệ sĩ. Tuy nhiên, hầu hết không có thu nhập thêm từ hoạt động biểu diễn.
“May còn có thu nhập của nhà nước là phần cứng. Khi các hoạt động phải dừng hẳn, anh em chỉ còn lương cơ bản”, ông Tạ Văn Sốp, Phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho hay.
Hoàn toàn bị động
Nếu như ở lĩnh vực âm nhạc, các ca sĩ thay vì tổ chức biểu diễn trước khán giả có thể tìm tới cách thức livestream trực tuyến thì sân khấu truyền thống lại không thể làm điều này.
Theo nghệ sĩ Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, việc làm chương trình online đối với sân khấu không hề đơn giản và không đưa vào một kênh tạo thu nhập được. “Nghệ thuật truyền thống quảng bá là chính, nên có làm online cũng không thể có nguồn thu. Chúng tôi chỉ có thể quảng bá online bằng cách livestream một đoạn ngắn các vở diễn để giới thiệu tới khán giả chứ không livestream cả vở diễn được vì tính bản quyền”, nữ nghệ sĩ cho hay.
Chúng ta khó hy vọng sau đợt dịch, khán giả sẽ ấm nồng hơn với sân khấu. Bởi khi đó, mọi người phải lo làm lại để khôi phục kinh tế, khôi phục đời sống và rất nhiều thứ khác nên tâm trí khó có thể dành nhiều cho giải trí, vui chơi hay thưởng thức nghệ thuật.
NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam
Trong khi chưa thể biểu diễn, các nghệ sĩ đành rút về tập luyện để sẵn sàng tinh thần khi các hoạt động văn hóa nghệ thuật được cho phép hoạt động trở lại. Đại diện Nhà hát Tuồng Việt Nam thông tin, các nghệ sĩ của nhà hát hiện đang tập để tham dự cuộc thi Dàn nhạc hòa tấu, độc tấu Toàn quốc, dự kiến trong tháng 9. Ngoài ra, nhà hát cũng đang chờ cuối tháng 9 khởi công dựng vở “Tam Quốc chúa”.
Cùng thời gian này, các nghệ sĩ của Nhà hát chèo Việt Nam đang tất bật tập vở “Áo khoác da người”, tập chương trình âm nhạc và chuẩn bị cho Liên hoan Tài năng trẻ diễn viên Tuồng, Dân ca toàn quốc; Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV - 2020 tại Hà Nội.
Nhà hát chèo Hà Nội cũng đang gọt giũa lại vở “Tình sử Thăng Long” để tham gia Liên hoan sân khấu, cũng như dàn dựng, tập luyện cho vở “Công chúa An Tư”. Sau vở “Bão ngầm” dự thi Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần IV, Nhà hát Cải lương Việt Nam đang chuẩn bị khởi công vở diễn thứ 2 trong năm là vở “Cây gậy thần” hợp tác cùng Liên đoàn xiếc VN.
“Chúng tôi hoàn toàn bị động, mọi thứ phải trông chờ để xem diễn biến của dịch bệnh thế nào mới tính được các phương án tiếp theo. Khó khăn là chắc chắn nhưng cũng không có cách nào vì phải diễn mới có bồi dưỡng cho diễn viên. Dù vậy, vẫn phải chấp nhận vì đây là khó khăn chung của xã hội. Chỉ mong dịch bệnh qua nhanh để sang đầu năm mới đón chương trình du xuân”, NSƯT Thu Huyền thổ lộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận