Thi viết về GTVT

Phá đá mở đường cho chiến thắng “chấn động địa cầu”

26/10/2023, 06:23

13A là tuyến đường độc đạo nối liền căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường nên địch đã tập trung đánh phá rất ác liệt. Làm được đường đã khó, giữ đường còn khó hơn vạn phần.


Con đường lịch sử

Chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu" là sự kết tinh của toàn bộ trí tuệ và sức mạnh của Đảng, quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Trong chiến thắng đó, có công sức của hàng nghìn chiến sĩ, cán bộ và nhân dân trong việc mở đường 13A lịch sử.

Phá đá mở đường cho chiến thắng “chấn động địa cầu” - Ảnh 1.

Thi công đèo Lũng Lô, xã Thượng Bằng La năm 1953.

Con đường nối chiến khu cách mạng Tuyên Quang vượt qua Yên Bái, Sơn La trước khi nhập vào một con đường lịch sử khác, đường 41 (tức quốc lộ 6 ngày nay) tại Cò Nòi.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông về những ngày mở con đường đi vào huyền thoại, ông Hà Văn Sự, năm nay đã 88 tuổi, ở thôn Liên Thịnh, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái không khỏi bồi hồi.

"Năm 1953, lúc đó tôi mới 18 tuổi, tỉnh Yên Bái huy động thanh niên địa phương, cùng với lực lượng công binh ngày đêm xẻ núi, phá đá, bắc cầu, làm mới, sửa chữa, mở rộng tuyến đường 13A từ Việt Bắc qua Yên Bái để vào chiến trường Điện Biên Phủ.

Đường 13A là tuyến đường độc đạo từ thủ đô kháng chiến Tuyên Quang lên chiến trường Điện Biên Phủ. Mở đường rất khó khăn, vất vả. Rất nhiều đoạn núi đá cao, các anh em phải đu dây để đục lỗ, nổ mìn phá đá. Còn tôi lái ca nô qua bến Âu Lâu phải thường xuyên đảm bảo đưa người và hàng hóa qua sông Hồng", ông Sự nhớ lại.

Ông Hoàng Đình Miu, Chủ tịch xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho hay: "Theo các bậc lão thành kể lại, lúc bấy giờ cái khó của đường 13A là phải mở mới trên 120km, trong đó hai đèo hóc búa nhất là đèo Lũng Lô và đèo Chẹn cheo leo, hiểm trở với trùng trùng dãy núi đá vôi và tai mèo, phải hoàn thành trong một thời gian ngắn. Đó là chưa kể con đường phải đi qua ba con sông là sông Chảy, sông Hồng và sông Đà cùng vô vàn suối, khe".

Phá đá mở đường cho chiến thắng “chấn động địa cầu” - Ảnh 2.

Ông Hà Văn Sự, năm nay đã 88 tuổi hồi tưởng về một thời giữ thông suốt tuyến đường 13A, nay đổi thành quốc lộ 37.

Khi đó, dân công từ các huyện Văn Bàn, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn... được tập hợp về phiên chế thành các tiểu đội, trung đội, ngày đêm xẻ núi, phá đá, bắc cầu, chống lún sạt, chống biệt kích và máy bay địch đánh phá.

Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng công binh và dân công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mở thông đường từ chiến khu Việt Bắc tới mặt trận Điện Biên Phủ. Nhờ đó, hàng vạn lượt ô tô, đại bác, xe đạp thồ chở hàng, vũ khí tiếp ứng đầy đủ kịp thời cho mặt trận.

Tháng 2/1954, thực dân Pháp tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường lên Tây Bắc. Trong đó, tuyến 13A là mạch máu giao thông chính nối liền căn cứ địa Việt Bắc nên đã hứng rất nhiều bom đạn.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Yên Bái hồi: "Cuối năm 1953 đầu năm 1954, giặc Pháp đã tăng cường đánh phá rất ác liệt vào tuyến đường qua đèo Lũng Lô, hòng ngăn chặn sự tiếp viện của ta cho mặt trận Điện Biên Phủ. Ngày nào địch cũng ném bom, bắn phá".

Cũng theo ông Tỉnh, có ngày chỉ một đoạn đường dài 400 - 500m xuất hiện hàng chục hố bom lớn miệng rộng hơn 10m, bom nổ chậm nằm sâu dưới mặt đường, rãnh đường. Nhưng chỉ sau 2- 3 tiếng đồng hồ, tất cả phải tập trung san lấp, phá bom để thông xe. Không có máy móc hỗ trợ, tất cả đều phải dùng cuốc, xẻng đào bới, cái chết luôn cận kề.

Món quà dâng Bác

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, con đường 13A lại một lần nữa góp phần vận chuyển lương thực, vũ khí chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Yêu cầu đó đặt ra nhiệm vụ đường 13A cần cải tạo, nâng cấp thường xuyên.

Phá đá mở đường cho chiến thắng “chấn động địa cầu” - Ảnh 3.

Cầu phao gỗ vượt Sông Hồng trên bến Âu Lâu, thành phố Yên Bái.

Ông Nguyễn Tiến Giảng, nguyên Giám đốc Sở GTVT Yên Bái kể, năm 1969, ông nhận công tác ở Ty giao thông vận tải Yên Bái, lúc đó Ty đóng ở cánh rừng Thác Bà (huyện Yên Bình).

"Gạo không đủ nên anh em ăn thêm sắn luộc, sắn nướng chống đói, đốt củi sưởi để chống lại cái rét tê người nơi rừng thiêng nước độc. Rất gian khổ, nhưng tình đồng đội trên dưới ấm cúng lắm, làm việc rất hăng say.

Tôi được Ty phân công về Tổng đội công trình giao thông làm cán bộ kế hoạch kỹ thuật. Năm 1969, Bác Hồ mất. Tổng Đội tổ chức lễ tưởng niệm Bác trong gian hội trường chính có quốc kỳ, ảnh Bác với rải băng đen, lọ hoa rừng", ông Giảng chia sẻ.

Cũng theo ông Giảng, sau lễ tưởng niệm, để biến đau thương thành hành động, Đảng uỷ ngành, Tổng đội phát động chiến dịch xây dựng công trình tưởng niệm Bác: sửa chữa nền, cầu, cống và rải đá dăm láng nhựa 9 km trên đường 13A, đoạn qua thị xã Yên Bái (từ ga Yên Bái đến km9).

"Đoạn này 100% là đường đất gia cố móng, cầu, cống không hoàn chỉnh, nền đường hẹp, cua ngoặt, dốc gắt. Mặt đường trơn lầy, bụi bặm. Tổ 301, 308, đội công trình 3, đội công trình 6 được giao các công việc chính có tính kỹ thuật, cùng một số tổ đội lập ra mấy mũi thi công.

Từng công đoạn cuốc khuôn, chôn băng, đắp lề, xếp móng, lu chặt, tưới nhựa, hoàn chỉnh đều do các cán bộ kỹ thuật trẻ hăng hái cầm tay chỉ việc cho công nhân. Xe chở vật liệu đá, sỏi, nhựa, củi rầm rập ngày đêm", ông Giảng kể.

Có lần, chiếc lu 6 tấn già cỗi có trục trặc kỹ thuật, cả công trường lo lắng, thấp thỏm chờ sửa chữa. Tổ rải nhựa, kê bếp nhóm lửa đun nhựa từ lúc nửa đêm, trực giữ lửa cho đến lúc thấy làn khói trắng bốc lơ thơ trên mặt thùng nấu. Ấy là lúc nhựa đã đủ nhiệt, thường là giữa trưa, nắng chói chang, bếp lửa rừng rực, công nhân múc từng gáo nhựa đổ vào các ô nhựa sôi nóng bỏng, kiên nhẫn tưới đen từng mét vuông mặt đường.

Sau nhiều tháng ròng rã, con đường nhựa mới rải nổi bật giữa hai rải lề rãnh còn tươi màu đất cũng hoàn thành. Ngày tổng kết công trình, sau lời ghi nhận và khen ngợi của lãnh đạo, có bữa cơm liên hoan tập thể mừng thắng lợi, rồi thu quân trên mấy chuyến xe tải về lán trại. "Xe chạy trên những km đường nhựa đầu tiên có ở Yên Bái, ai ai cũng cảm thấy bồi hồi", ông Giảng xúc động.

Đường 13A sau này đổi tên thành QL37 dài 193km, điểm đầu từ bến Phà Hiên, tỉnh Tuyên Quang, điểm kết thúc là Ngã 3 Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân Việt Nam, Bộ Tổng tham mưu cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan quan trọng yếu đã từng nhiều tới chiến trường Điện Biên Phủ bằng con đường 13A, đi qua nhiều địa danh lịch sử như đèo Khế, bến Phà Hiên, Âu Lâu, Vực Tuần, Lũng Lô, Cò Nòi…


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.