Xẻ núi, bạt đồi mở đường tới "mùa vàng miền soóng cọ"
Từ quốc lộ 18 ở xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) rẽ vào tuyến đường liên xã Đông Ngũ - Đại Dực vừa được thảm nhựa phẳng lỳ và di chuyển thêm chừng vài cây số nữa là gặp công trường thi công dự án nâng cấp, mở rộng đường từ thôn Đông Thắng, xã Đông Ngũ lên xã Đại Dự (dự án liên xã - PV).
Trên công trường, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu đang khẩn trương thi công. Những chiếc máy xúc đang bạt núi, xẻ đồi, những chiếc xe tải trọng lớn nườm nượp chở đất, đá về điểm tập kết.
Ông Nguyễn Thế Hanh, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Tiên Yên phấn khởi cho biết: "Đại Dực nổi tiếng bởi những thửa ruộng bậc thang vàng óng mùa lúa chín, là nơi tổ chức lễ hội "Mùa vàng miền soóng cọ" hàng năm. Khi dự án liên xã được UBND huyện phê duyệt, chúng tôi đã gọi vui là xẻ núi, bạt đồi mở đường tới "mùa vàng miền soóng cọ".
Có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, nhưng do giao thông cách trở, người dân Đại Dực nhiều năm nay vẫn chủ yếu là tự cung, tự cấp, ít mô hình kinh tế hiệu quả.
"Chính vì thế, việc đầu tư tuyến đường nối quốc lộ 18 từ xã Đông Ngũ lên Đại Dực sẽ mở ra thời cơ, vận hội mới để địa phương này phát triển", ông Hanh nhìn nhận.
Dự án đường liên xã được UBND huyện Tiên Yên phê duyệt cuối năm 2022 có tổng mức đầu tư 84 tỷ đồng. Trong đó, giải phóng mặt bằng là 7 tỷ đồng, xây dựng là gần 65 tỷ đồng.
Tuyến đường dài 10,83km, rộng 6,5m, quy mô đường cấp V miền núi, vận tốc thiết kế 30km/h. Thời gian thực hiện năm 2023-2024.
Nhận thức được ý nghĩa của tuyến đường, ngay sau khi khởi công, chính quyền xã Đông Ngũ và xã Đại Dực đã tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng.
"Mặc dù quy mô tuyến đường không lớn, nhưng quá trình thi công phải nắn gần 200 điểm cua. Trong đó, nhiều đoạn phải xẻ núi, bạt đồi, nâng cao độ mặt đường, nên gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên, do có đủ mặt bằng, nhà thầu đủ năng lực, nên tiến độ dự án được đảm bảo, hiện nhiều đoạn đã hoàn thành và được trải nhựa", ông Hanh thông tin.
Ông Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực thì cho biết, khi dự án triển khai, có 50 hộ bị ảnh hưởng cần giải phóng mặt bằng. Thế nhưng khi nhận thấy ý nghĩa của tuyến đường, nên bà con không hề so đo hơn thiệt, đã nhanh chóng nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng, tạo thuận lợi cho đơn vị thi công.
Những cung đường mở hướng làm giàu cho rẻo cao Đại Dực
Cũng theo ông Hoàng Việt Tùng, xã Đại Dực có tỷ lệ người dân tộc thiểu số sinh sống chiếm gần 100%, chủ yếu là người Sán Chỉ với thu nhập và mức sống thuộc diện khó khăn nhất của huyện Tiên Yên.
Căn nguyên của tình trạng này là giao thông đi lại của người dân Đại Dực rất khó khăn. Tuyến đường từ xã Đại Thành cũ (giờ đã sáp nhập vào xã Đại Dực) sang xã Đại Dực dài chừng 20km có nhiều khúc cua, lắm dốc cao, vực sâu nguy hiểm.
Vào mùa mưa, nước dâng cao ở các ngầm tràn, nên muốn có việc lên trụ sở xã, người dân ở điểm xa nhất phải đi vòng hơn 50km.
Để từng bước hoàn thiện kết cấu tầng giao thông kết nối, đánh thức các tiềm năng kinh tế ở Đại Dực, thời gian gần đây, huyện Tiên Yên đã dành cho địa phương này nhiều nguồn lực để phát triển giao thông.
Điển hình là dự án xây dựng, mở rộng, nâng cấp, nắn tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực đến trung tâm xã Đại Thành (cũ). Con đường này được hình thành trên cơ sở tuyến đường mòn trên núi Cổng Trời được hạ xuống. Công trình có tổng mức đầu tư 153 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện.
Dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng giữa năm 2023. Tuyến đường kết nối khu vực Đại Dực với Đại Thành chỉ còn 7,5km, rút ngắn rút ngắn được 42,5km so với hướng, tuyến trước kia và không bị chia cắt vào mùa mưa.
Chị Triệu Nhì Múi ở bản Khe Lục, xã Đại Dực cho biết, khi chính quyền làm đường, thấy được cái lợi, gia đình chị đã không chút đắn đo, hiến luôn 2.000m2 đất.
"Cả xã, cả thôn hiến đất, làm đường, mình cũng vì cái chung thôi. Giờ có đường mới, đi lại thuận tiện, an toàn, càng thấy hiến đất như thế cũng đáng", chị Múi cười tươi nói.
Cũng trong giai đoạn 2023-2024, xã Đại Dực được đầu tư làm tuyến đường từ Khe Nặc sang xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tạo kết nối chặt chẽ giữa 2 xã và 2 huyện.
"Giao thông thuận lợi, ngoài việc phát triển nông – lâm nghiệp, xã đang hoàn thiện đề án phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái . Trọng tâm là phát huy văn hóa bản địa của người Sán Chỉ và những địa điểm du lịch trải nghiệm để đưa Đại Dực thành một trong những trung tâm du lịch của huyện trong tương lai gần", ông Tùng chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận