Ngày 27/10, Báo Giao thông có bài phản ánh “Tràn lan vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt”, diễn ra phổ biến tại Bình Thuận, Ninh Thuận và các tỉnh, thành phố phía Nam.
Một vụ tai nạn đường sắt xảy ra sáng 26/10.
Mạnh tay xử lý ngay từ đầu...
Ông Trần Văn Dũng, Phó phòng Kỹ thuật-An toàn (Công ty Cổ phần Đường sắt Thuận Hải) cho biết, trong tháng 6, đơn vị phối hợp với địa phương kiểm tra và phát hiện 5 vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt qua huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Đến nay địa phương đang rà soát, chưa xử lý xong.
Hàng quán, nhà ở mọc lên sát biển báo, đường ray xe lửa đoạn qua xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Ảnh chụp chiều 19/10.
Tại Ninh Thuận, Đội thanh tra an toàn số 10 cũng phát hiện 8 vụ vi phạm hành lang đường sắt. Trong đó 6 hộ gia đình ở xã Cà Ná (huyện Thuận Nam) xây dựng tường rào giữ đất trong phạm vi đường sắt. Đội đã buộc tháo dỡ.
Riêng 2 trường hợp cơi nới thêm công trình phụ vi phạm, đoàn kiểm tra thống nhất tạm thời giữ nguyên hiện trạng nhưng yêu cầu các hộ gia đình ký cam kết phải tự tháo dỡ, không được đền bù thiệt hại khi ngành đường sắt thực hiện các dự án nâng cấp đường sắt.
Tại Km1410+900, hộ ông Hồ Thanh Hiến chưa chấp hành giải tỏa, UBND xã Phước Thuận lập biên bản xử lý nhưng mức phạt vượt thẩm quyền, đã chuyển hồ sơ lên UBND huyện Ninh Phước để xử lý.
Tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt diễn ra nhiều nơi do sự buông lỏng quản lý của địa phương có đường sắt đi qua.
Ông Phạm Thông, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Ninh Thuận cho hay, cần phải ngăn chặn ngay các hành vi vi phạm lúc mới phát hiện.
Ông Thông dẫn chứng: Mới đây, trong quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện cơ sở nước mắm Bé Bầu (xã Cà Ná, Thuận Nam) tập kết đồ đạc, vật liệu để công nhân làm việc gần đường ray.
“Ngay sau đó Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chấn chỉnh, xử lý ngay tránh để dây dưa kéo dài. Cần có sự phối hợp để phát hiện và xử lý ngay các trường hợp vi phạm ngay khi mới phát hiện”, ông Thông nói.
Khẩn trương cắm mốc đất hành lang đường sắt
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đình Đảng – PGĐ Công ty CP Đường sắt Sài Gòn cho biết, Nghị định 56/2018 quy định rõ hành lang đường sắt phải đảm bảo tối thiểu từ 8 - 8,6m.
Tuy nhiên tình trạng xây dựng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt vẫn diễn ra rất phức tạp, tồn tại nhiều năm qua.
“Nếu địa phương lơ là xử lý, từ một hộ lấn chiếm không giải quyết dứt điểm ngay từ đầu sẽ dẫn đến hàng loạt vụ việc tiếp theo không kiểm soát được”, ông Đang nhận định.
Theo ông Lê Văn Thái – PGĐ Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn, việc lấn chiếm hành lang đường sắt tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Trong trường hợp xảy ra sự cố sẽ cản trở việc đưa phương tiện đến cứu hộ. Ngoài ra sẽ rất phức tạp khi giải tỏa mặt bằng để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt sau này.
Một đoạn đường sắt qua Đồng Nai.
“Khi phát hiện vi phạm, đơn vị đường sắt chỉ ghi nhận, phối hợp cùng chính quyền sở tại lập biên bản.
Việc xử lý hành chính hay cưỡng chế vi phạm do địa phương thực hiện. Cần ngăn chặn từ đầu, tránh tình trạng phức tạp phải cưỡng chế, phá bỏ gây lãng phí”, ông Thái bày tỏ.
Ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho rằng, ngành đường sắt cần sớm cắm ranh, lộ giới đất phạm vi đường sắt. Việc cắm giao mốc cần sớm được triển khai có tọa độ, vĩ độ rõ ràng, sau đó bàn giao cho địa phương quản lý.
Theo ông Bôn, việc cắm mốc cần được phối hợp chặt chẽ trong lập hồ sơ, lộ giới và cần sớm triển khai ngay việc cắm ranh lộ giới rõ ràng, lập bản đồ công nghệ để dễ quản lý.
Sớm xử lý dứt điểm các công trình vi phạm
Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam khẳng định, ngành đường sắt thường xuyên có lực lượng tuần đường nên hành vi xây công trình lấn chiếm đất đường sắt đều được phát hiện và báo với địa phương.
"Do vậy chính quyền cấp xã không thể nói không biết, trách nhiệm đã quy định rõ trong Luật Đường sắt", ông Khôi nói.
Ngành đường sắt đang triển khai hàng loạt dự án, nâng cấp cải tạo. Việc lấn chiếm đất công trình đường sắt không được xử lý sẽ ảnh hưởng công tác giải tỏa mặt bằng.
Ông Khôi cho rằng phải rà soát tính pháp lý từng trường hợp mà địa phương cho rằng "lịch sử để lại".
Về hướng dẫn xử lý các trường hợp vi phạm tồn tại nhiều năm, thì đã có hướng dẫn tại điều 84, Luật Đường sắt và Nghị định số 56/NĐ-CP năm 2018 quy định những công trình nào ảnh hưởng đe dọa chạy tàu địa phương phải tháo dỡ ngay,
Những công trình nào chưa ảnh hưởng thì hộ dân phải có cam kết khi có dự án đường sắt phải tháo dỡ không được đền bù.
“Cục đường sắt VN sẽ có báo cáo Ủy ban ATGT Quốc gia, Chính phủ và đề nghị xử lý trách nhiệm lãnh đạo xã, phường, huyện để tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất hành lang ATGT đường sắt”, ông Khôi nói.
“Tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT trên tuyến đường sắt qua nhiều địa phương vẫn diễn ra. Nhiều trường hợp không những chưa xử lý dứt điểm còn phát sinh mới.
Thậm chí có nhiều trường hợp chính quyền địa phương còn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi đường dây tín hiệu thông tin, công trình đường sắt.
Nếu có sự cố cháy nổ xe vào bảo trì, bảo dưỡng không có đường vào rất nguy hiểm”, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận