Chia sẻ với Báo Giao thông, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, cương vị mới đầy thách thức nhưng ông và Ban Chấp hành Hội sẽ từng bước tháo gỡ, kết nối để đặt nền tảng cơ bản cho thế hệ nhà văn mới của các năm tiếp theo.
Đôi khi phải dấn thân gánh vác
Sau 20 năm nhà thơ Hữu Thỉnh giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Đại hội khóa X vừa bầu ra chủ tịch mới, có thể coi là sự chuyển giao thế hệ. Ông có nghĩ điều này mang tới một “làn gió mới” cho giới cầm bút?
Các văn nghệ sĩ trong Ban chấp hành (BCH) cũ là những người có tuổi, có nhiều đóng góp. Ở BCH lần này, tôi gọi họ là thế hệ mới chứ không trẻ, vì như tôi cũng đã 63 tuổi rồi.
Nhưng đợt chuyển giao này lật hẳn sang một thế hệ mới. 11 ủy viên BCH được bầu, người trẻ nhất sinh năm 1970, là những người đang cầm bút, thậm chí xuất hiện sau những ngày đổi mới. Họ có tư duy đổi mới, tiếp cận cái mới, năng động, trẻ trung và ít nhất sẽ mang lại một điều mới mẻ nào đó.
Có thể Hội sẽ hoạt động năng nổ hơn, mở rộng phạm vi hoạt động. Cũng có thể thực thi một số mục đích mà BCH trước đây đặt nền tảng như văn học trẻ, văn học thiếu nhi, tìm cách chuyển dịch và giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới... Những điều này không mới nhưng giờ giao lại cho một thế hệ đầy ý chí, khát vọng, cảm hứng.
Ông có lo lắng điều gì không?
Có quá nhiều điều mới mẻ, thách thức trong một thời đại mà tính chuyên nghiệp của các nhà văn là một vấn đề. Có nhiều người viết hay, trẻ nhưng bước vào văn đàn, họ rời bỏ vì nhiều lý do. Xã hội cũng đang dần thờ ơ với văn chương.
Chúng tôi sẽ phải làm lại và mong rằng sẽ có sự gắn kết chặt chẽ, cùng chí hướng và nỗ lực, hy sinh, chịu thiệt thòi cá nhân.
Tôi phải nói thẳng, khi nhận nhiệm vụ này, tôi bắt đầu giết đi thời gian cần thiết cho sự sáng tạo của mình. Rất tiếc cho điều đó nhưng đôi khi mình cũng phải dấn thân để gánh vác.
Chúng tôi sẽ từng bước tháo gỡ, kiếm tìm chìa khóa để mở những cánh cửa khó, đi từng bước một. Có thể 5 năm tới, chúng tôi chỉ đặt nền tảng cơ bản cho thế hệ mới của các năm tiếp theo.
Nói về thế hệ mới, các hội viên của hội hiện nay phần lớn là những nhà văn trên 60 tuổi. Ông đã có kế hoạch gì để thu hút người trẻ?
Trong 5 năm của khóa 9, BCH đặc biệt quan tâm tới người trẻ, kết nạp họ. Có những nhà văn, nhà thơ làm đơn 1, 2 năm vẫn chưa được vào hội nhưng những người trẻ chỉ cần làm đơn 1, 2 tháng đã được kết nạp.
Đó là điều đặc biệt và sẽ gợi mở cho chúng tôi rằng, ở nhiệm kỳ này, phải tìm cách phát hiện người trẻ, động viên, thúc đẩy họ và dám tin tưởng họ, đặt họ trong những vị thế mà trách nhiệm của họ cao hơn.
Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào cách làm của hội, làm sao để hội được xã hội trọng hơn, tin vào tiếng nói của nhà văn trước những vấn đề của xã hội.
Thêm nữa, các giải thưởng phải khích lệ các nhà văn để họ tin rằng, khi vào tổ chức, họ sẽ được coi trọng, động viên và nâng niu, khuyến khích, được đối xử công bằng.
Hiện nay, có nhiều nhóm văn chương, chúng tôi muốn kết nối họ để chọn lọc, tìm những tinh túy. Do đó, tôi nghĩ tới một quỹ dành cho các nhà văn trẻ, ấn phẩm cho người trẻ.
Điều đó thể hiện rằng chúng tôi đang chờ đợi, tin tưởng họ vì chúng tôi biết chỉ 5, 10 năm nữa, họ chính là những quyền lực, giọng nói và diễn đàn chính của văn học Việt Nam.
Nhưng đã qua rồi thế hệ của những Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương... Làm như thế nào để tạo ra một lớp nhà văn trẻ kế cận, thưa ông?
Tôi đang có ý tưởng phải có quỹ giải thưởng trẻ dành cho những tác giả thật trẻ. Có thể, đó chưa phải là tác phẩm thật sự xuất sắc nhưng ở đó có dấu hiện của một giọng nói mới, một khuynh hướng văn học mới, một thi pháp mới hiện đại.
Giải thưởng sẽ tạo cho họ động lực để sáng tạo nhiều hơn. Tôi muốn BCH ủng hộ ý tưởng của mình nhưng phải chờ họp và thống nhất.
Vả lại, tôi đang nghĩ trước kia có tờ Văn nghệ trẻ nhưng vì khó khăn tờ báo trở thành báo online. Bây giờ, chúng tôi muốn làm ra một loại sách chuyên đề hoặc kiểu dạng tạp chí, được xã hội hóa.
Mỗi năm ra khoảng 5, 6 số và dành toàn bộ cho người trẻ để họ bày tỏ mình, chứng minh bản thân. Từ đó, những người trẻ và bạn đọc sẽ thấy rõ con đường của người trẻ trong thời đại mới.
Hiện nay, có nhiều người trẻ viết và đăng các tác phẩm trôi nổi trên mạng, facebook, các diễn đàn… Tôi muốn gom lại để tinh lọc, để xem những người trẻ đang viết gì, nghĩ gì, sống sao và đang mang khát vọng gì.
Sau mỗi đại hội Hội Nhà văn VN, sẽ có hội nghị của những người viết văn trẻ. Tôi đang tư duy sẽ làm thế nào để những người trẻ quần tụ, nói lên tiếng nói của mình và được xã hội lắng nghe, hiểu và sát cánh cùng họ, tạo điều kiện cho họ.
Muốn xã hội hóa gây Quỹ
Nhưng muốn làm được những điều đó, hội cần có kinh phí lớn?
Chính phủ đã làm hết mức để hỗ trợ cho Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật. Nhưng trong khó khăn chung của đất nước nên chúng tôi muốn kêu gọi xã hội, những doanh nhân, doanh nghiệp cùng chung tay.
Cách doanh nghiệp từng đồng hành nhiều sự kiện văn hóa, giáo dục thì tại sao họ không thể đồng hành với văn học? Nếu làm được điều đó, chúng tôi sẽ có ngân sách tốt để làm các ý tưởng. Còn nếu không, việc thực thi những ý tưởng sẽ vô cùng khó khăn.
Theo ông, khả năng thu hút các nguồn xã hội hóa dành cho Hội Nhà văn sẽ như thế nào?
Tôi tin khi họ sẵn sàng muốn hỗ trợ nền văn học thì không có gì khó. Cái khó là hội phải thuyết phục được họ, nói với họ đó là điều cần thiết và hội đang hết sức làm việc.
Chúng tôi phải cho thấy mình đang làm những điều tốt nhất cho họ, cùng xây dựng con người, nhân cách Việt và làm con người hiểu giá trị đích thực của cuộc sống.
Những vấn đề đó phải được thể hiện trong các chính sách, phương hướng và thái độ của mình. Khi tất cả chia sẻ, cảm thông được với nhau thì họ có thể bước đi cùng mình.
Một trong những điều dễ thuyết phục nhất chính là các nhà văn sống được bằng nghề, có những tác phẩm giá trị và bán được. Ông có nghĩ như vậy?
Vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết, tác phẩm viết ra phải có ảnh hưởng tới xã hội, phản ánh được nhu cầu hay có sự cần thiết để bạn đọc tìm đến.
Tiếp theo, phải tạo ra ý thức đọc cho người dân. Văn hóa đọc ở ta so với các nước khác còn rất nhiều vấn đề phải cảnh báo. Khi ta có nền văn hóa đọc, mọi người cần đọc sách mà có những cuốn sách tốt thì mới có thể làm được điều muốn làm.
Ngoài ra, hệ thống thị trường sách cũng phải cùng phối hợp với các NXB để kinh doanh, quảng bá thì sẽ mở rộng hơn việc quảng bá các tác phẩm văn học.
Ba yếu tố trên đồng bộ thì tác giả mới sống được bằng nghề. So với chi tiêu của người dân, sách rất ít tiền, nhưng quan trọng là phải tác động tới ý thức đọc sách của mọi người.
Thực tế hiện nay, theo ông là do người dân chưa có văn hóa đọc hay do nhà văn chưa có tác phẩm thực sự tốt?
Thời đại ngày nay thách thức với nhà văn nhiều hơn. Thời chúng tôi còn trẻ, một cuốn sách như báu vật và có thể đọc, gìn giữ và truyền nhau.
Ngày nay, thị trường sách ngập tràn nhưng người đọc có nhiều phương tiện giải trí khác như tivi, smartphone… Họ không có đủ thời gian để tiếp cận tất cả. Do đó, dù có những cuốn sách hay thì khi đứng trước thị trường cũng đầy thách thức.
Thực ra, cũng phải nói đến cách tuyên truyền sách và các hệ thống bán sách, giải thưởng của Hội Nhà văn chưa tuyên truyền được hết, chưa làm cho người đọc có hứng thú.
Cảm ơn ông!
Ngày 24/11, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khai mạc tại Hà Nội với sự tham gia của gần 600 đại biểu là các nhà văn trên cả nước.
BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới được bầu gồm 11 thành viên. Trong đó, nhà văn Nguyễn Quang Thiều được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hội; 2 Phó chủ tịch là nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà thơ Trần Đăng Khoa; các ủy viên gồm: Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà thơ Lương Ngọc An, nhà văn Khuất Quang Thuỵ, nhà văn Vũ Hồng, nhà thơ Trần Hữu Việt, nhà thơ Trần Hùng, nhà văn Phan Hoàng, nhà văn Bích Ngân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận