Thị trường

Temu từng đối mặt với kiện cáo vì gian lận, "gài" phần mềm gián điệp

24/10/2024, 19:05

Sàn thương mại điện tử Temu từng đối mặt với nhiều vụ kiện, cáo buộc vi phạm bản quyền, gian lận và rò rỉ thông tin khách hàng.

Shein cáo buộc Temu có hành vi bất hợp pháp "trần trụi"

Shein, nhà bán lẻ thời trang lớn nhất Trung Quốc từng đâm đơn kiện đồng hương Temu, cáo buộc đối thủ này đánh cắp thiết kế, xây dựng đế chế bằng cách làm giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận.

Temu từng đối mặt với kiện cáo vì gian lận, "gài" phần mềm gián điệp- Ảnh 1.

Shein cáo buộc Temu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận.

Vụ kiện khởi động từ cuối tháng 8/2024 tại tòa án liên bang Washington, D.C. Trong đơn khiếu nại, Shein cáo buộc Temu, thuộc sở hữu của tập đoàn PDD Holdings, đang "ngụy trang" thành một thị trường trực tuyến hợp pháp, khi khuyến khích người bán trên sàn đánh cắp thiết kế từ các thương hiệu khác.

"Temu thu hút người tiêu dùng Hoa Kỳ tải ứng dụng và hứa hẹn về mức giá cực thấp. Với mức giá như vậy, Temu không được hưởng lợi từ việc bán những sản phẩm này, vì chúng thấp đến mức họ phải trợ cấp cho mỗi lần bán, mất tiền trong mọi giao dịch. Bằng cách khuyến khích người bán xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của thương hiệu khác và bán hàng giả hoặc kém chất lượng, Temu mới có thể hy vọng giảm thiểu được những khoản lỗ khổng lồ", nội dung đơn khiếu nại của Shein tố cáo.

Cũng trong đơn khiếu nại, Shein cáo buộc Temu có hành vi bất hợp pháp "trần trụi". Doanh nghiệp hàng thời trang cho biết, ít nhất một nhân viên của Temu đã đánh cắp "bí mật thương mại có giá trị" xác định các sản phẩm bán chạy nhất của Shein cùng với thông tin giá nội bộ để giúp họ cạnh tranh. Ngoài ra, Shein còn tố cáo Temu giả mạo trang TMĐT này trên mạng xã hội X nhằm mục đích "lôi kéo khách hàng".

Đáp lại cáo buộc từ Shein, một phát ngôn viên của Temu phản ứng: "Sự táo bạo của Shein là không thể tin được. Shein, bị chôn vùi dưới một núi vụ kiện, lại có đủ can đảm để bịa đặt những lời buộc tội chống lại những người khác vì chính hành vi sai trái mà họ liên tục bị đâm đơn ra tòa".

Hai nhà bán lẻ trực tuyến đấu đá nhau đã gây chấn động ngành bán lẻ với các sản phẩm giá cực thấp và khả năng phản ứng cực nhanh so với các đối thủ khác. Khi cạnh tranh giành thị phần, họ đã ra tòa để cáo buộc nhau về một loạt tai tiếng. Năm ngoái, Temu kiện Shein vì những lo ngại về bản quyền và cáo buộc rằng công ty này sử dụng "giọng giang hồ đối với các nhà cung cấp" để họ đồng ý các thỏa thuận độc quyền.

Khách hàng tố Temu "gài" phần mềm gián điệp

Trước lúc xảy ra lùm xùm với Shein, Temu phải đối mặt với một số vụ kiện tập thể từ người tiêu dùng. Khiếu nại được đệ trình tại tiểu bang Illinois hồi tháng 11/2023 bởi công ty luật Hagens Berman, thay mặt cho 7 nguyên đơn được nêu tên từ Illinois, California, Massachusetts và Virginia - cũng như những người khác nhưng không nêu tên.

Temu từng đối mặt với kiện cáo vì gian lận, "gài" phần mềm gián điệp- Ảnh 2.

Temu từng bị nhiều khách hàng đâm đơn kiện trong quá khứ.

Vụ kiện cáo buộc Temu vi phạm quyền riêng tư của khách hàng bằng cách thu thập dữ liệu cá nhân và sử dụng các hoạt động "lừa dối" và "vô đạo đức" để truy cập dữ liệu đó.

Temu thuộc sở hữu và điều hành bởi PDD Holdings, một tập đoàn thương mại đa quốc gia đăng ký tại Quần đảo Cayman với Dublin. PDD Holdings cũng sở hữu Pinduoduo, một nền tảng thương mại trực tuyến phổ biến tại Trung Quốc.

Nền tảng Temu lần đầu hoạt động tại Hoa Kỳ vào tháng 9/2022 và chạy quảng cáo trong trận Siêu cúp Bóng bầu dục vào tháng 2/ 2023. Vào tháng 3/2023, Temu ra mắt tại Úc và New Zealand, tiếp theo tại Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh, rồi Nam Phi.

Hiện Temu bán hàng ở 82 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nửa đầu năm nay, tổng giá trị giao dịch (GMV) trên sàn này đạt 20 tỷ đô la Mỹ, vượt năm 2023 (18 tỷ đô la). Tuy nhiên, Indonesia đã cấm Temu hoạt động ở nước này để bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một quốc gia cũng xem xét các biện pháp thuế quan để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu thông qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này.

Các luật sư của nguyên đơn trong vụ kiện tuyên bố đã xem xét ứng dụng Temu và phát hiện ra ứng dụng này cố tình và có chủ đích tải các công cụ để thực hiện các hoạt động phần mềm độc hại, phần mềm gián điệp nguy hiểm trên thiết bị của người dùng. Các luật sư quy kết Temu đã đánh lừa mọi người về cách sử dụng dữ liệu.

"Chúng tôi tin rằng đó là cố ý", ông Jeannie Evans, một trong những luật sư của nguyên đơn cho biết.

Trong đơn khiếu nại, Evans cho biết: "Chúng tôi nói về cách Temu yêu cầu ít nhất 24 quyền cho mọi loại thông tin không cần thiết với một ứng dụng mua sắm trực tuyến". Theo đơn khiếu nại, những quyền đó bao gồm quyền truy cập vào thông tin mạng bluetooth và wifi và dữ liệu sinh trắc học như dấu vân tay.

Một vụ kiện tập thể thứ hai, được đệ trình tại tiểu bang New York hồi tháng 9/2023 thay mặt cho nguyên đơn Eric Hu và những người khác, cáo buộc Temu thu thập thông tin cá nhân của khách hàng và không bảo đảm an toàn thông tin người tiêu dùng.

Eric Hu cáo buộc Temu "không tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn bảo mật và để thông tin tài chính của khách hàng bị xâm phạm. Tất cả đều vì mục đích tiết kiệm tiền của Temu khi sàn TMĐT này cắt giảm các biện pháp bảo mật có thể ngăn ngừa hoặc giảm thiểu vi phạm".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.