Đô thị

TP.HCM: Dự án chống ngập 10 nghìn tỷ vẫn nằm chờ… thủ tục

04/03/2023, 06:30

Theo kế hoạch, năm 2023, dự án chống ngập 10.000 tỷ tại TP.HCM phải vận hành, nhưng đến nay, tất cả các hạng mục vẫn đang án binh bất động.

Dân mỏi mòn chờ dự án giải cứu ngập

img

Cống ngăn triều Bến Nghé được thi công hơn 95% khối lượng nhưng vướng mắc nhiều thủ tục nên vẫn chưa hoàn thành.

Những ngày cuối tháng 2, ghi nhận của PV tại một số hạng mục thuộc dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM là cảnh “chết lâm sàng” của các công trình.

Theo GS.TS. Lê Huy Bá, Khoa Môi trường và Biến đổi khí hậu (Trường Đại học - Công nghiệp thực phẩm TP.HCM), dù dự án có những điểm chưa thật hợp lý (quy hoạch theo lưu vực là đúng nhưng phải bao cả 2 phía của con kênh chứ không chỉ quản trị được một phần con kênh; dự án cần kết hợp ngăn triều với chống ngập do mưa… chứ không chỉ ngăn triều…), tuy nhiên sẽ góp phần giảm ngập do triều cường tại TP.HCM. Vì vậy, không thể bỏ phí 10.000 tỷ đồng để đầu tư rồi chậm đưa vào khai thác.
“Dự án chậm tiến độ là do thủ tục. Đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm hơn, tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ để dự án hoàn thành. Nếu các trang thiết bị, sắt thép cứ tiếp tục nằm phơi mưa nắng, chắc chắn tuổi thọ của dự án sẽ bị giảm sút…”, ông Bá góp ý.


Tại cống ngăn triều Bến Nghé (nằm bên cạnh cầu Mống ở quận 1 và quận 4), nhà đầu tư đã hoàn tất lắp đặt xong 1 cửa van; hoàn thiện hạng mục và triển khai lắp đặt hệ thống bơm; hoàn thiện nhà quản lý và trạm thủy lực…

Theo nhà đầu tư Trungnam Group, công trình này đã đạt khối lượng hoàn thành khoảng 95%, tuy nhiên, hiện đang phải “trùm mền” vì đợi thủ tục tiếp theo. Để bảo vệ công trình trong lúc chưa thể tái khởi động, đơn vị thi công cắt cử một số người túc trực, che tạm bạt lên các mố sắt chưa được phủ bê tông và phối hợp cảnh báo an toàn giao thông thủy…

Nhiều người dân dọc tuyến đường Tôn Thất Thuyết (quận 4) cho biết, tình trạng ngập úng do triều cường đã và đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Nhiều hôm trời không mưa, tuyến đường vẫn chìm trong biển nước.

“Năm 2016, khi cống Bến Nghé được khởi công, chúng tôi tràn trề hy vọng về tương lai tuyến phố sẽ khô sạch, nhưng gần 7 năm nay vẫn phải sống chung với ngập úng do triều cường ngày càng nặng”, anh Nguyễn Văn Em, ngụ gần công trình cống Bến Nghé tỏ bày.

Tương tự, tại cống Tân Thuận (trên Kênh Tẻ thuộc quận 4 và quận 7), nhà đầu tư đã lắp đặt trụ T1 - T2; hoàn tất lắp đặt cửa van, âu thuyền, nhà quản lý và hạ tầng phụ trợ. Cống Phú Xuân (huyện Nhà Bè) đạt 97%, cống Mương Chuối (ở sông Mương Chuối, huyện Nhà Bè) đạt 92%. Cống Cây Khô (huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè, có tác dụng ngăn triều từ 2 con sông Soài Rạp và sông Cần Giuộc) đạt 91%.

Cống Phú Định (quận 8, nằm giữa 2 ngã ba sông Cần Giuộc - Chợ Đệm - Kênh Đôi và Kênh Đôi - Kênh Tàu Hũ, ngăn triều từ 2 con sông Vàm Cỏ Đông và sông Cần Giuộc) đạt 96%… Mặc dù vậy, do phải ngừng thi công, phơi mình trong mưa nắng nhiều năm nên nhiều hạng mục đang có hiện tượng xuống cấp.

Chờ gói tín dụng

img

Cống ngăn triều Tân Thuận cũng đã thi công 97% khối lượng, đã thi công xong trụ pin và trụ tháp, dầm van, cầu công tác, 2 cửa van cũng đã lắp đặt xong.

Trước đó, trả lời chất vấn của cử tri TP, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận, dự án chống ngập 10.000 tỷ đã hoàn thành trên 90% khối lượng công việc nhưng do một số cửa cống chưa hoàn thiện, khả năng ngăn triều của dự án chưa thể phát huy tác dụng.

Mặt khác, dự án còn một số trục trặc về mặt pháp lý, liên quan cả đến TP.HCM và phía nhà thầu. Ngoài ra, tiến độ mua sắm trang thiết bị từ nước ngoài bị gián đoạn vì dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Nhà đầu tư đã cam kết sau khi tái ký hợp đồng sẽ hoàn thiện công trình sau 6 tháng.

Do đó, TP.HCM đã gia hạn dự án chống ngập này đến tháng 11/2023 và giải quyết các thủ tục để bắt đầu thi công lại công trình.

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, do đã nhiều lần quá hạn tiến độ nên muốn tiếp tục triển khai, dự án này phải được UBND TP ký phụ lục hợp đồng. Đồng thời, phải được Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn để Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giải ngân.

Đại diện Trungnam Group cho biết, cách đây ít ngày, nhà đầu tư và UBND TP.HCM đã ký tiếp phụ lục hợp đồng. Theo phụ lục hợp đồng, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 5/2024. Chủ đầu tư đang chờ được cấp vốn và giải ngân thì dự án sẽ ngay lập tức được tái khởi động và cam kết về đích đúng tiến độ (theo phụ lục hợp đồng). Tuy nhiên, việc gói tín dụng có theo kịp thời hạn của phụ lục hợp đồng hay không thì lại là chuyện khác.

Thực tế trước đây, UBND TP.HCM cũng từng ký phụ lục hợp đồng, nhưng phải đợi 6 tháng sau, gói tín dụng mới được các ngân hàng phê duyệt, giải ngân. Nhà đầu tư đành “bó tay” vì thời gian còn lại không đủ để thi công hoàn thành dự án.

Được biết, đến thời điểm này, dự án đã được cấp vốn hơn 7.094 tỷ đồng (tương ứng khoảng 80% giới hạn số tiền cho vay được phê duyệt).

Dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), khởi công từ tháng 6/2016. Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Vào tháng 4/2018, dự án phải dừng thi công trong gần một năm vì các lý do: Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Sài Gòn không giải ngân (UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn). Liên danh tư vấn tố cáo chủ đầu tư sử dụng vật liệu chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép không đúng tiêu chuẩn từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công.

Đến tháng 2/2019, dự án tái khởi động, nhà đầu tư cam kết hoàn thành dự án vào cuối năm 2019, đưa vào vận hành trong quý I/2020 nếu được bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2019. Khi đó, lãnh đạo các quận, huyện đã cam kết sẽ giao mặt bằng sạch trước ngày 30/6/2019. Tuy nhiên, mặt bằng không được giao đúng hẹn cho đơn vị thi công.

Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết của để tháo gỡ vướng mắc cho dự án, đã thực hiện trên 96% nên nếu để chậm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội, nhất là môi trường, lãng phí nguồn lực đã đầu tư…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.