UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân”, trong đó dự kiến thu phí ô tô vào trong khu vực trung tâm thành phố năm 2021 - 2025.
Thay đổi hành vi đi lại của người dân
Dự án thu phí ô tô vào trung tâm là một phần nằm trong đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân” giai đoạn 2021 - 2030 của TP.HCM.
Đây là một đề án lớn bao gồm nhiều giải pháp, trong đó giải pháp thu phí ô tô vào trung tâm được nhiều người dân quan tâm. Dự án này đã được đưa ra bàn thảo rất nhiều lần và gặp phải không ít phản ứng từ nhiều phía.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, nếu TP.HCM không tính đến chuyện hạn chế xe cá nhân, trong vài năm tới giao thông thành phố sẽ tắc nghẽn.
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức cho rằng, hạn chế xe cá nhân cần phải làm ngay, càng sớm càng tốt.
“Sử dụng xe cá nhân là thói quen xưa nay của người Việt nên không thể trông chờ giao thông công cộng tốt lên rồi người dân sẽ tự động chuyển qua sử dụng”, ông Tuấn nói.
Trước hết, theo TS. Tuấn, cần thay đổi hành vi đi lại của người dân thông qua việc quản lý nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, tạo nguồn lực bổ sung phát triển giao thông công cộng. Sau đó, mở rộng mạng lưới giao thông công cộng, giải quyết các nút thắt về hạ tầng, xây dựng các nút giao lập thể và các tuyến đường cao tốc, đường trên cao xuyên thành phố, hoàn thành đường Vành đai 2…
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, dự báo đến năm 2030, tỉ lệ sở hữu xe ô tô ở TP.HCM sẽ tăng từ 50 xe/1.000 dân lên 140 xe/1.000 dân.
Như vậy, nếu thành phố không sớm tác động để thay đổi hành vi của người dân, không phát triển giao thông công cộng, không có biện pháp hạn chế xe cá nhân thì 10 năm nữa vấn nạn kẹt xe sẽ trở nên “vô phương cứu chữa”.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết, đây là dự án quan trọng, thành phố sẽ sớm triển khai thu phí ô tô vào trung tâm cùng với hàng loạt các giải pháp hạn chế xe cá nhân, đầu tư giao thông công cộng trong thời gian tới.
Gắn kết các tuyến metro và hệ thống xe buýt
Theo kết quả khảo sát, điều tra xã hội học về kiểm soát xe cá nhân, nhiều ý kiến cho rằng, nên hạn chế xe cá nhân lưu thông vào giờ cao điểm (82% đối với ô tô và 83% đối với xe máy).
Trong đó, trên 61% số người được khảo sát cho rằng nên ngưng hoạt động của xe mô tô, xe gắn máy khu vực các quận nội thành trước năm 2030. Gần 70% ý kiến đồng tình thu phí ô tô vào một số khu vực trung tâm thành phố.
Theo quan điểm của TP.HCM, phát triển giao thông công cộng phải kết hợp, đi đôi với việc hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Phát triển vận tải hành khách công cộng là điều kiện để kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Trong đó, phát triển vận tải hành khách khối lượng lớn (metro, monorail, BRT...) là điều kiện đảm bảo phát triển vận tải hành khách công cộng bền vững.
Trên cơ sở đó, xe buýt được ưu tiên đầu tư mở rộng phát triển để đáp ứng chỉ tiêu của thành phố đến năm 2030, đảm nhận 25% nhu cầu giao thông đô thị. Do đó, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước sẽ dành ưu tiên cho phát triển vận tải hành khách công cộng.
Cụ thể, thành phố sẽ trợ giá xe buýt và hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp vận tải đầu tư phương tiện với số tiền 24.898 tỷ đồng.
Đầu tư cơ sở hạ tầng, xe buýt nhanh và dự án giao thông thông minh hơn 10.849 tỷ đồng. Riêng dự án đầu tư tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) dài 23km với vốn đầu tư 143,68 triệu USD đang được thành phố ưu tiên triển khai sớm.
Cùng đó, các tuyến metro cũng được liên kết giao thông đồng bộ với hệ thống xe buýt. Những nghiên cứu về việc quy hoạch mặt bằng và thiết kế các công trình kết nối giao thông khu vực nhà ga metro số 1 đã có trong kế hoạch.
Việc kết nối các nhà ga metro số 1 với các tuyến buýt trục chính, tuyến buýt nhánh và tuyến buýt gom sẽ giúp tạo thành một hệ thống giao thông công cộng hợp nhất đa phương thức.
Phí từ 30.000 - 50.000 đồng, thu từ 6h - 19h hàng ngày
Dự án thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM có tổng mức đầu tư 256 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Cụ thể, xây 34 cổng thu phí, trạm thu phí được xây tại quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10.
Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng, bao gồm các cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng, một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin và điều hành việc thu phí.
Thời gian triển khai dự án từ năm 2021. Dự kiến, việc thu phí chỉ áp dụng đối với ô tô đi vào trung tâm, không thu chiều ra; không thu phí xe máy. Mức thu dự kiến từ 30.000 - 50.000 đồng tùy loại xe. Thời gian thu trong giờ cao điểm từ 6h - 19h mỗi ngày để người dân lựa chọn thời gian di chuyển và tuyến đường phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận