Đó là thảm cảnh của hàng ngàn, chục ngàn đồng bào ta ở các tỉnh phía Bắc hiện nay.
Cơn bão số 3 (Yagi) quái ác và mưa lũ hoàn lưu bão đã đẩy đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc vào tình thế chưa từng thấy.
Đã có hơn 300 người chết và mất tích. Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Quảng Ninh… và một phần Hà Nội, nhiều nơi ngập sâu trong nước.
Có thôn gánh đại tang, có làng bị cô lập bởi nước siết, bởi đất lở chặn đường. Bà con đang chờ cứu trợ.
Hơn lúc nào hết, đây là lúc "miếng khi đói bằng gói khi no". Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, là lúc thể hiện "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", "tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách".
Tại Bộ GTVT, ngay sau lời phát động ứng cứu, hỗ trợ đồng bào vùng chịu ảnh hưởng bão lụt của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hàng trăm Đoàn viên thanh niên tức tốc lên đường, tổ chức những chuyến hàng cứu trợ đến Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ…
Trước đó, ngay trước, trong và sau bão Yagi, hàng vạn người lao động của ngành luôn ứng trực trên các công trường, trên các cung đường hiểm yếu.
Khi lũ lụt, sạt lở đất làm nhiều bản làng bị chôn vùi, chia cắt thì chính họ là những người đầu tiên xung trận, khắc phục hư hỏng, san gạt đất đá, mở đường an toàn cho lực lượng ứng cứu, đưa thuốc men, thực phẩm đến đồng bào mình.
Những kỹ sư, công nhân Khu Quản lý đường bộ I, Sở GTVT Lào Cai, các Công ty 242, 222, Công ty Minh Đức, đã xuyên đêm mở thông đường đến bản Làng Nủ để kịp đưa hàng trăm chiến sỹ, bác sĩ vào ứng cứu nơi đất lở vùi lấp hơn 100 người ở Bảo Yên.
Trên cả nước, từ đô thị tới hang cùng ngõ hẻm, đồng bào quặn đau hướng về khúc ruột miền Bắc.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ VN, Chính phủ và các bộ, ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các địa phương và cả các nhóm xã hội từ thiện đã tức tốc vào cuộc.
Các hãng hàng không Bamboo, Vietjet; Đường sắt Việt Nam và hành trăm doanh nghiệp vận tải lớn nhỏ sẵn sàng chở hàng cứu trợ, chưa kể hàng ngàn đội nhóm tự phát khác.
Báo Giao thông cùng với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tiên phong lập cầu vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ tới đồng bào bị ảnh hưởng.
Đây là việc chưa từng có, thể hiện tấm lòng của những người làm báo ngành và những người làm vận tải.
Dù đường sá đang bị sạt lở, dù doanh nghiệp đang rất khó khăn nhưng chỉ sau 2 ngày bàn bạc, hàng chục doanh nghiệp, hàng chục đầu xe đã sẵn sàng kết nối chở hàng miễn phí từ 3 miền Nam, Trung, Bắc tới điểm cần cứu trợ. Những chuyến hàng đầu tiên đã tới Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ…
Ở các khu dân cư và trên mạng xã hội đang tràn ngập hình ảnh người dân góp tiền góp gạo, nấu bánh chưng bánh tét, quyên góp thuốc men… để gửi ra đồng bào phía Bắc.
Ở TP.HCM, GS. TS Lê Ngọc Thạch đã rút toàn bộ sổ tiết kiệm, đến Báo Tuổi trẻ ủng hộ đồng bào 1 tỷ đồng ông dành dụm cả đời dạy học, nghiên cứu và lương hưu.
Giới nghệ sĩ và những người nổi tiếng cũng đã vào cuộc, nhiều người gửi hàng trăm triệu tới Quỹ của Mặt trận tổ quốc.
Trên toàn quốc, các cơ quan báo chí trở thành nơi tiếp nhận hàng cứu trợ.
Ngoài quyên góp, nhiều hội nhóm tình nguyện đã lên đường đến tận nơi với đồng bào mình, bất kể xa xôi và mưa lũ, sạt lở vẫn còn là nguy cơ lơ lửng.
Đã có điều đáng tiếc xảy ra khi một người làm thiện nguyện ở Yên Bái thiệt mạng do lật xuồng khi đang đi cứu trợ.
Nhưng sự ra đi đó đã giúp cộng đồng cùng siết tay nhau, dặn dò về sự kỹ lưỡng khi đi ứng cứu ở vùng nguy hiểm; dặn dò nhau nên gửi gì cho gì đồng bào lúc cần kíp này: Thực phẩm, nước uống, thuốc men, quần áo, chăn màn… ưu tiên trước.
"Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", ở đâu cũng đồng bào ruột thịt, ở đâu cũng đất nước mình.
Càng trong hoàn cảnh nghiệt ngã mới càng hun đúc, khơi gợi tình nghĩa đồng bào, chung tay chia sẻ, không để ai bị rớt lại trong thảm họa thiên tai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận