Thi viết về GTVT

“Xẻ núi, xé rừng” mở đường Trường Sơn qua ký ức tướng Võ Sở

21/05/2019, 06:32

Trong suốt 16 năm, bộ đội Trường Sơn đã cùng quân dân trên các chiến trường xây dựng một mạng lưới giao thông liên hoàn xuyên qua 21 tỉnh...

img
Thiếu tướng Võ Sở

Cách đây 60 năm (19/5/1959), thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư lần thứ 15 (khóa II), theo chỉ thị của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy T.Ư, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ xây dựng tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - tuyến chi viện chiến lược “sức mạnh miền Bắc” cho cách mạng miền Nam, là mắt xích quan trọng đưa 3 nước Đông Dương đến ngày vui toàn thắng.

Khơi thông thần tốc 200km đường trong 90 ngày

Chúng tôi gặp Thiếu tướng Võ Sở, người chỉ huy gắn bó hơn 10 năm với chiến trường Trường Sơn khốc liệt trên cương vị là Trưởng phòng Tổ chức, Chính ủy Binh trạm, rồi Phó chủ nhiệm chính trị Đoàn 559 vào trung tuần tháng 5/2019, trong không khí cả nước kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh. Trong căn phòng nhỏ được trang hoàng bằng những bức ảnh Trường Sơn, những chiếc huy hiệu, huân chương cao quý được Đảng và Nhà nước trao tặng, tướng Sở trò chuyện với chúng tôi bằng chất giọng đanh thép, rắn rỏi dù đã bước sang tuổi 90.

Ông kể, đường Hồ Chí Minh bắt đầu được khai tuyến vào năm 1959 nhưng giai đoạn chuyển biến mạnh nhất của tuyến đường này là từ năm 1964. “Trước năm 1964, việc vận chuyển phía ta chỉ là gùi, thồ, khối lượng vận chuyển rất ít, trong khi lượng vũ khí, lương thực chiến trường miền Nam cần gấp nhiều lần. Đó là lý do T.Ư Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân khẳng định cần phải khơi thông con đường mòn xe cơ giới có thể chạy được và cử đồng chí Phan Trọng Tuệ, khi ấy là Bộ trưởng Bộ GTVT vào làm Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến trường Trường Sơn lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu mở đường”, Thiếu tướng Võ Sở nói.

Cũng theo tướng Sở, từ năm 1964 trở đi, Mỹ đánh phá rất ác liệt, sử dụng đủ các loại máy bay, kể cả B52 để ngăn chặn công cuộc mở đường tiếp viện miền Nam. Tuy vậy, với tinh thần “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, hàng vạn bộ đội Trường Sơn gồm: Công binh, pháo binh phòng không, bộ binh, xe, giao liên, thông tin, TNXP vẫn kiên cường mở rất nhiều đường, chủ yếu về phía Tây Trường Sơn (do phía Đông giặc Mỹ quản lý rất chặt chẽ).

“Mạng lưới đường Trường Sơn khi ấy phức tạp đến nỗi sau khi điều máy bay chụp ảnh từ trên cao, phác thảo các cung đường quân ta làm được, Mỹ phải thốt lên đây thực sự là một trận đồ bát quái”, tướng Sở kể và cho biết, cái độc đáo ở Trường Sơn là còn có nhiều cung đường được thi công rất thần tốc.

Đó là Đường 20 dài 120km (từ huyện Bố Trạch, Quảng Bình đến huyện Lùm Bùm, Khăm Muộn, Lào) được mở ra để chia lửa cho đường 12. Quá trình khảo sát cho thấy, trở ngại lớn nhất để khơi thông con đường này là 3 dãy núi đá rất lớn, tưởng chừng như không có cách nào gỡ bỏ. Song, bằng sự quyết tâm, 3 trung đoàn công binh và 3 đội TNXP gồm hơn 8.000 người được huy động dùng bộc phá, xẻ đôi núi đá. Chỉ sau 3 tháng (1/1966 - 4/1966), Đường 20 chính thức khai thông, phá thế độc tuyến và rút ngắn đường vận chuyển từ phía Bắc xuống Đường 9.

“Hay như năm 1964 - 1965, đoạn đường 128 kéo dài từ huyện Mường Noòng (Savannakhet, Lào) đến Sê Sụ (Attapeu, Lào) dài hơn 200km cũng được Trung đoàn 98 thi công thần tốc chỉ trong 8 tháng. Đó là sự thần tốc khiến quân thù cũng phải kinh ngạc”, tướng Sở nhớ lại và cho biết, địch đánh ác liệt nhưng sự dữ dội đôi lúc lại tháo nút thắt cho chính bộ đội Trường Sơn.

Năm 1968, hai cửa khẩu đường 20 và đường 128 bị tắc. Trọng điểm Siêng Phan bị địch đánh ác liệt, từ tháng 11 - 12/1968, giao thông tắc nghẽn gần 1 tháng, xe không thể đi. “Cái khó lại ló cái khôn”, mùa khô trên đất Lào, con sông nằm giữa trọng điểm cạn kiệt nước. Mỹ càng ném bom, đá đổ xuống càng nhiều, đổ đến đâu bộ đội Trường Sơn lại huy động máy húc, máy ủi san bằng theo đường chéo. Chỉ sau 1 tháng, trọng điểm Siêng Phan thông suốt.

Trong quá trình mở đường, có những đoạn sông, suối vừa rộng vừa sâu, bộ đội ta lại tận dụng địa hình địa vật, dùng những tảng đá lớn rải dưới lòng sông cách mặt nước chừng 50cm để không bị phát hiện. Trường Sơn cũng nổi tiếng với phương châm 4 trực tiếp: Trực tiếp giao nhiệm vụ, trực tiếp kiểm tra, trực tiếp giải quyết những vấn đề xảy ra và trực tiếp rút kinh nghiệm”, Thiếu tướng Võ Sở cho hay.

img
Đội 25 thanh niên xung phong cùng phương tiện cơ giới mở đường 20C tỉnh Quảng Trị thuộc mạng lưới đường Hồ Chí Minh (tháng 11/1968) Ảnh: Bảo tàng đường Hồ Chí Minh

Lạc quan giữa đại ngàn bom đạn

Dũng cảm, trí tuệ song trong một cuộc chiến tranh vũ trang, mất mát, hy sinh là điều khó tránh, nhất là ở nơi bom luôn dội kín bầu trời, mìn rải khắp mặt đất, súng đạn rền vang khắp đại ngàn, mỗi bước đi là mỗi lần chạm đến lằn ranh sinh tử như ở Trường Sơn.

Trong ký ức của nguyên Chính ủy Võ Sở vẫn còn hằn in nỗi đau Siêng Phan năm 1969. “Khi ấy, một tiểu đoàn 12 người đang mở đường thì địch đánh, tất cả vội chạy vào hang ẩn nấp nhưng éo le thay, bom dội sập cả hang, toàn bộ 12 chiến sĩ hi sinh. Những đồng đội còn lại như chết lặng, đứng khóc và vái vọng: Chúng tôi sẽ cố gắng hết mùa khô đưa các đồng chí ra”, tướng Sở bùi ngùi.

Ghi dấu trên đường Hồ Chí Minh còn là một đơn vị qua một mùa mưa có tới 50 chiến sĩ ra đi vì bệnh sốt rét; Là những cô gái mười chín, đôi mươi ban ngày đào đường, đêm về nằm khóc chỉ vì “tắc kinh” do thời tiết khắc nghiệt; Là thời gian địch rải chất độc hóa học, mấy chục cây số rừng núi không còn gì sống sót, anh em phải đào hầm sống, chịu đói khát chờ chi viện.

Gian khổ nhưng không ủy mị, đói khát nhưng không nản lòng, từ tiểu đoàn đến đại đội, đơn vị nào cũng có đội văn công. Cả chiến trường thì có đội văn học nghệ thuật, mỗi nhát cuốc mở đường lại cất lên một giai điệu lạc quan.

Phong trào thi đua: Bắn rơi nhiều máy bay, làm nhiều đường tốt, không để tắc đường, “tăng cung vượt chuyến” lan tỏa khắp Trường Sơn khiến ai nấy đều như được tiếp thêm sức mạnh. Nhờ đó, trong suốt 16 năm rền rã, từ người lãnh đạo ở vị trí cao nhất đến chiến sĩ, TNXP dù không có một ngày nào nghỉ, ngày đêm bám đường nhưng không ai than vãn, bỏ cuộc, ai cũng tràn đầy nhiệt huyết cùng quân dân cả nước làm nên những kỳ tích.

Trong suốt 16 năm (1959 - 1975), bộ đội Trường Sơn đã cùng quân dân trên các chiến trường xây dựng một mạng lưới giao thông liên hoàn xuyên qua 21 tỉnh trên lãnh thổ 3 nước Đông Dương gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với tổng chiều dài 20.000km đường ô tô, 600km đường sông, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 1.500km đường dây thông tin. Từ tuyến đường này, bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa; 5,5 triệu tấn xăng dầu, bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ hành quân vào chiến trường miền Nam và các hướng chiến trường lớn.

►Trong buổi làm việc tại Bảo tàng đường Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2019), Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là công trình khiến cả thế giới khâm phục. Công trình thể hiện sự sáng tạo, nhạy bén của Đảng, của Bác Hồ và sự quyết tâm, kiên cường của nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đường Hồ Chí Minh cũng là biểu hiện sinh động của tình đoàn kết giữa 3 nước Đông Dương.

Chuyển từ thế bị động sang chủ động

Trường Sơn khốc liệt, đường Hồ Chí Minh được ví như “tuyến lửa”. Trong 16 năm, đế quốc Mỹ đã rải xuống đây gần 4 triệu tấn bom đạn, hàng chục triệu lít chất độc hóa học. Có những ngày chúng ném 30 - 40 trận bom, có tuần lễ, giặc ném tới 50.000 quả bom.

Song, theo Thiếu tướng Võ Sở, sự tàn khốc đó không thể làm quân ta chùn bước. Lính Trường Sơn không chỉ tránh mà còn đánh, đánh mưu trí và kiên cường. Ngày qua ngày, quân ta nghiên cứu đường bay của địch rồi chủ động khiêng cả súng máy 33 ly lên đỉnh núi mai phục khiến chúng không kịp trở tay.

Tại Trường Sơn còn có quy ước, mỗi trọng điểm có một đài quan sát để đếm số lượng máy bay địch, đếm cả bom, ghi vào sổ để rút kinh nghiệm, báo cho bên dưới biết địch đánh chỗ nào, bom chỗ nào, chỗ nào cần tránh, chỗ nào cần tiến.

“Địch đánh nhiều rất nguy hiểm nhưng lại giúp ta có được quy luật để triển khai thế trận tiến công, mở thêm nhiều đường chi viện. Ta biết được từ 12-3h và 5-6h sáng, 18-18h30 hàng ngày địch thường ít đánh, từ 19-21h đánh rất dữ. Giặc không đánh là anh em lại lao ra làm, giặc đánh ta lại tránh, nhưng không có nghĩa dừng lại mà mở chỗ khác, đảm bảo xe vận tải luôn được thông suốt”, tướng Võ Sở chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.