Kỳ 1: Đủ chiêu trò né thuế
Nhà xe viện đủ lý do
Ông Đặng Văn Điềm, Giám đốc Công ty TNHH An Phú Trường Thịnh (nhà xe Trường Thịnh) cho biết, công ty căn cứ vào đơn đặt xe của hành khách lưu trữ trên hệ thống và lượng khách thực tế chở mỗi chuyến để kê khai, báo cáo thuế hằng tháng.
Vị này cũng thừa nhận có hai loại hình mà công ty đang hoạt động là hợp đồng theo chuyến và khách lẻ.
Khách lên xe đều có danh sách cụ thể tên, số điện thoại từng khách theo từng chuyến, từng ngày trên hợp đồng.
Tài xế xuất trình danh sách này khi lực lượng chức năng kiểm tra, nếu ghi sai số khách sẽ bị xử phạt.
"Chúng tôi cũng yêu cầu tài xế và nhân viên công ty đếm đúng số lượng, ghi đúng danh sách khách của mỗi chuyến.
Việc không lập danh sách hành khách có thể do tài xế và nhân viên thực hiện không đúng quy định. Hằng tháng công ty đều báo cáo thuế đầy đủ", ông Điềm trần tình.
Cho biết công ty có 9 xe limousine loại 10 chỗ, mỗi ngày chạy từ 12-14 chuyến từ Biên Hòa đến sân bay Tân Sơn Nhất và ngược lại suốt 7 năm qua, có giám sát qua camera, thiết bị giám sát hành trình song ông Điềm cũng thừa nhận khó kiểm soát tài xế trên đường.
"Chỉ cần bỏ ngoài danh sách 1, 2 hành khách là họ kiếm được vài trăm nghìn, khi kiểm tra thì nói chưa ghi kịp.
Suốt 3 năm dịch Covid -19, doanh nghiệp vẫn phải gồng lỗ, vốn mua xe đến nay thu hồi chưa đủ vì lượng khách đi ngày càng ít nên thu không đủ bù chi", ông Điềm nói.
Về việc không đưa xe vào bến, ông Điềm cho rằng, 7 năm trước khi mới thành lập, doanh nghiệp xin lốt chạy tuyến Biên Hòa - sân bay Tân Sơn Nhất song do không có quy hoạch, không có vị trí nên không xin được.
Tại Quảng Trị, ông Đỗ Công Mến, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Mến Thương (nhà xe Tân Quang Dũng) "né" trả lời về số thuế công ty đã nộp khi PV đề cập.
Đồng thời ông cho biết, quá trình hoạt động, xe hợp đồng có những chuyến gom khách lẻ song cũng có chuyến đón tại một điểm theo quy định, "mỗi doanh nghiệp có một cách hạch toán thuế khác nhau, chứ không phải làm sai hay trốn thuế".
Theo ông Mến, doanh nghiệp có khoảng 70-80% xe tuyến cố định, hằng năm nộp thuế theo số vé khách đặt online hoặc vé in (tuyến cố định), hóa đơn (xe hợp đồng).
Trong tình cảnh chung như vậy, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Hà Lan ở Thái Nguyên lại tự tin nhà xe của mình đóng thuế đầy đủ cho gần 100 xe hợp đồng: "Hà Lan hiện đang bán vé điện tử, bán được vé nào là truyền về cơ quan thuế, ở đó họ biết được Hà Lan bán được bao nhiêu vé trong ngày.
Doanh nghiệp tôi thực hiện đóng thuế đầy đủ đối với thuế VAT nhưng do thua lỗ nên không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp".
Truy thu hàng trăm triệu từ nhà xe trá hình
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, sau phản ánh của Báo Giao thông, vào tháng 10/2023, Sở GTVT đã rà soát xác định nhiều nhà xe trên địa bàn hoạt động trá hình như Đại Nam, Vĩnh Quang…
Tại tọa đàm quản lý xe hợp đồng trá hình do Báo Giao thông tổ chức mới đây, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, với xe hợp đồng trá hình, thực tế có rủi ro trong thất thu thuế.
Đơn vị đã yêu cầu các nhà xe này khẩn trương liên hệ với cơ quan liên quan hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đăng ký vào bến hoạt động theo đúng quy định. Đầu tháng 12/2023, nhà xe Đại Nam đã đăng ký một lốt tại bến Thanh Hóa - bến xe Giáp Bát (Hà Nội).
Song theo ghi nhận, đến nay nhà xe này vẫn sử dụng hàng loạt xe phù hiệu hợp đồng để chở khách trá hình từ Thanh Hóa đến Hà Nội với tần suất 1 tiếng/chuyến từ 4h sáng đến 19h tối mỗi ngày.
Trao đổi với PV, cán bộ Phòng Thanh tra số 1, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2022, Công ty TNHH Đại Nam thực hiện kê khai thuế không trung thực, dẫn đến không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp.
Qua kiểm tra, rà soát, đối chiếu với dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình các phương tiện của nhà xe này, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện truy thu số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp gần 140 triệu đồng.
Tuy nhiên, đối với thuế giá trị gia tăng, do nhà xe này đăng ký kinh doanh vận tải theo hợp đồng, không xuất vé cho hành khách nên không thu được.
Đối với nhà xe Vĩnh Quang, theo tìm hiểu, năm 2022 tổng doanh thu của công ty này hơn 16,5 tỷ đồng; Số thuế phải nộp hơn 15 triệu đồng, số thuế đã nộp hơn 9,6 triệu đồng; 9 tháng đầu năm 2023, số thuế doanh nghiệp phải nộp hơn 41,5 triệu đồng, đã nộp hơn 29,6 triệu đồng.
Trong các đợt kiểm tra, Cục Thuế Thanh Hóa đã truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 của nhà xe Vĩnh Quang số tiền hơn 36,1 triệu đồng; Phạt vi phạm hành chính năm 2022 hơn 7,2 triệu đồng; Phạt tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 hơn 2,6 triệu đồng đồng; Phạt hành vi xuất hóa đơn sai thời điểm, có tình tiết tăng nặng 6,6 triệu đồng.
Cục Thuế Thanh Hóa cho rằng, hành vi vi phạm của các doanh nghiệp này là hành vi kê khai sai.
Kiểm soát thuế doanh nghiệp vận tải gặp khó
Cục Thuế Thanh Hóa cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đăng ký kê khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế, tự tính, tự khai, tự nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành nên gặp khó khăn trong việc xác định doanh thu doanh nghiệp.
Chính vì vậy, đã xảy ra tình trạng các doanh nghiệp kê khai thuế không trung thực, khiến ngân sách Nhà nước bị thất thu.
Đối với xe hợp đồng, hiện nay có tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải kê khai số chuyến đi trong ngày thấp hơn nhiều so với thực tế, doanh thu sau khi khấu trừ chi phí luôn thấp, thậm chí báo lỗ để không phải thực hiện nghĩa vụ thuế.
Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô là lĩnh vực có tính đặc thù, phức tạp do tính chất cơ động, linh hoạt trong hoạt động cung cấp dịch vụ.
Một số đặc điểm kinh doanh chính của lĩnh vực này lại không thuộc thẩm quyền kiểm tra, giám sát của cơ quan thuế, do đó gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý thuế.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Bùi Xuân Chương, Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra thuế số 1 (Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa) cho biết, nhiều trường hợp, cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra mới xác định được nghĩa vụ tăng thêm của doanh nghiệp vận tải. Tùy theo nguyên nhân phát sinh nghĩa vụ tăng thêm để xác định hành vi kê khai sai hay hành vi trốn thuế.
Một cán bộ Cục Thuế tỉnh Thái Bình cũng cho biết, hiện nay các doanh nghiệp vận tải thực hiện nghĩa vụ thuế theo hai hình thức: Khoán trắng hoặc khấu trừ trực tiếp trên doanh thu, tuy nhiên việc kê khai doanh thu do doanh nghiệp tự thực hiện.
Với các xe hợp đồng trá hình, nếu đơn vị vận tải không kê khai doanh thu trung thực, cũng không thực hiện gửi hợp đồng về sở GTVT địa phương thì cơ quan thuế rất khó nắm bắt cũng như đối soát trong việc kiểm tra nghĩa vụ đóng thuế của doanh nghiệp.
Xe hợp đồng không được bán vé, thu tiền từng khách
Theo Nghị định 10/2019, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; Không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; Không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.
Chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); Chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết.
Ngoài ra, hợp đồng vận chuyển phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận